Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nông nghiệp còn nhiều "đất" để doanh nghiệp "canh tác"
Thu Phương - 06/01/2020 08:59
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khu vực nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là khâu chế biến, xuất khẩu thương mại.
.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng có thể điểm lại những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm vừa qua?

Năm 2019 là năm nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành nông nghiệp. Trong tháng 6, Việt Nam chịu một đợt nóng lịch sử, có những nơi như Nghệ An nhiệt độ lên tới 42 độ C, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Rồi dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, sâu keo mùa thu tàn phá mùa màng... Song với sự cố gắng vượt bậc của hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ hợp tác xã đến bà con nông dân, năm 2019, ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan, tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng đóng góp vào GDP của ngành vẫn đạt trên mốc 2%, xuất khẩu nông sản vẫn được 41,3 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Về nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành 54% số xã. Đã đạt được 41,85% hệ số che phủ rừng…

Đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân thì còn nhờ yếu tố nào khác, thưa Bộ trưởng?

Phải khẳng định là chưa bao giờ, nông nghiệp Việt Nam được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị và cả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân cho đến người dân như hiện nay.

Các vị lãnh đạo, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đi nước nào cũng giới thiệu về nông sản Việt Nam. Đấy là sự quan tâm không chỉ bằng chủ trương, chính sách, mà bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Thứ hai, ngành nông nghiệp nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của các thành phần kinh tế. Trong vòng 3 năm mà tăng gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tiếp đến là người nông dân Việt Nam ở tất cả các vùng miền rất sáng tạo, nghĩ ra nhiều mô hình trong sản xuất. Tất cả những sự cố gắng quan tâm biến thành hành động đã tạo nên sức mạnh tổng thể, giúp nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển lên quy mô mới, hội nhập sâu rộng và theo hướng tái cơ cấu có hiệu quả rất rõ nét trên từng trục sản phẩm, từ nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và nhóm sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Hiện có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, đâu là sức hút của nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?

Theo tôi, việc có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp là do những nguyên nhân sau.

Một là, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750.000 doanh nghiệp, trong đó có một bộ phận doanh nghiệp đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính và quan trọng hơn là đã đủ khát vọng để tổ chức, thực hiện và giải quyết tốt những vấn đề trong khu vực nông nghiệp.

Hai là, khu vực nông nghiệp còn tiềm năng, lợi thế, mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỷ USD đi 185 nước trên thế giới, nhưng phải khẳng định, dư địa còn rất lớn.

Tôi nói dư địa còn rất lớn vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm hơn 2.000 tỷ USD, trong đó giá trị để ra từ khâu chế biến, khâu thương mại còn rất nhiều. Mỗi năm chúng ta xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, nhưng trong đó chế biến chỉ có 11%; 89% còn lại đó là dư địa.

Ba là, các chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay rất thông thoáng, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, 63 tỉnh, thành phố liên tục mời gọi các nhà đầu tư.

Chúng tôi theo dõi trong 3 năm qua, tất cả các cuộc xúc tiến đầu tư ở các địa phương đều dành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Như TP.HCM, hiện nay tăng trưởng nông nghiệp chỉ còn 0,6%, đã cầu thị mời gọi các doanh nghiệp vào làm nông nghiệp công nghệ cao. Tôi cho rằng, đấy chính là sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bộ trưởng nhận định thế nào về năm 2020 và giai đoạn tới. Mục tiêu của ngành nông nghiệp, hướng đi, cũng như những đột phá của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là gì?

Chúng tôi xác định, năm 2020 tiếp tục là năm khó khăn với ngành nông nghiệp, trước hết bởi tác động của biến đổi khí hậu. Theo dự báo, năm 2020, toàn bộ khu vực miền Trung sẽ thiếu nước, toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị hạn mặn gay gắt. 

Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi tuy đã lắng xuống, nhưng chưa phải an toàn. Sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện, nên năm nay cũng sẽ tiếp tục phải đề phòng.

Tiếp đến là diễn biến thị trường nông sản. Vì chiến tranh thương mại toàn cầu, nên các quốc gia đều muốn phát triển nông sản tại chỗ, đây là một áp lực cho những nước xuất khẩu, trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu rất lớn về nông sản.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó giao cho ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu nông sản khoảng 41,5 - 42 tỷ USD, chúng tôi đã vào cuộc với quyết tâm cao nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, người dân, ngành nông nghiệp sẽ đảm bảo xuất khẩu nông sản đạt mức cao nhất như chỉ tiêu đã được giao.

4 tiêu chí xác định dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Công nghệ ứng dụng trong dự án phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hay sản phẩm phải phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư