Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Nông sản Việt hối hả đi Nhật
Thế Hoàng - 26/10/2022 14:12
 
Gạo thơm, thịt gà, chuối, thanh long...là những nông sản đang được các doanh nghiệp hối hả xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cán cân thương mại của Việt Nam với Nhật Bản đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 10 triệu USD sau 9 tháng 2022.
Xuất khẩu hàng hóa sang Nhật 9 tháng đạt 17,8 tỷ USD, tăng 21,6%, xuất siêu 10 triệu USD.

Lô hàng gà chế biến đầu tiên với số lượng 33,6 tấn của Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food) vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 25/10/2022.

Sản phẩm thịt gà xuất khẩu được doanh nghiệp này chế biến theo chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Bình Phước, là mô hình chuỗi sản xuất, chế biến thịt gà khép kín hoàn chỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng sang Nhật Bản 9 tháng 2022:
Thủy sản: 1,27 tỷ USD, tăng 33%
Gỗ và sản phẩm gỗ: 1,38 tỷ USD, tăng 34,4%
cà phê: 215 triệu USD, tăng 27,7%
Rau quả 128 triệu USD, tăng 7%
Bánh kẹo, ngũ cốc: 58 triệu USD, tăng 44,5%
Trước khi xuất đi Nhật, chuỗi sản xuất của CPV Food đã có những lô hàng thịt gà an toàn xuất sang Hồng Kông và Lào. Sự kiện lô hàng thịt gà chế biến đi Nhật, vốn là thị trường đòi hỏi sản phẩm an toàn rất khắt khe là bước ngoặt rất quan trọng, mở ra nhiều kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào những thị trường khó tính này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga), mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà.

Trong khi đó, CPV có nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà lớn nhất tại Việt Nam, giai đoạn hiện tại có thể chế biến xuất khẩu 1 triệu con gà một tuần (50 triệu con/năm); sang giai đoạn 2, công suất sẽ được nâng lên thành 2 triệu con/tuần (100 triệu con/năm). Cơ hội để tăng sản lượng xuất khẩu thịt gà đã mở ra nhờ đầu tư đúng hướng theo chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại tới bàn ăn.

Cùng với thịt gà, trái cây cũng được xuất sang Nhật nhiều hơn, điển hình nhất là chuối. Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang thị trường này 8 tháng 2022 đạt 5,7 nghìn tấn, trị giá 4,6 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.

Trị giá nhập khẩu chủng loại trái chuối (HS 0803) của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 728,7 nghìn tấn, trị giá 539,3 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, nhưng nước này lại tăng nhập chuối từ Việt Nam.

Đã có những tín hiệu khả quan hơn về xuất khẩu sang Nhật Bản. Thống kê của Bộ Công thương, 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng giá trị giá 17,8 tỷ USD sang thị trường này, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Nhờ xuất khẩu tăng cao, cán cân thương mại 9 tháng qua đã chuyển sang xuất siêu 10 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước nước ta nhập siêu 1,7 tỷ USD.

Tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản năm 2022 hồi tháng 7/2022 do Tập đoàn Aeon tổ chức, chỉ trong 3 ngày,  Aeon đã tiêu thụ khoảng 30 tấn vải tươi và 2,5 tấn chuối tươi.

Ngoài ra, một số sản phẩm mới mang thương hiệu Topvalu của Tập đoàn Aeon (nhãn hàng riêng của tập đoàn Aeon) sản xuất tại Việt Nam như: Tôm tẩm bột chiên xù Topvalu, xoài Cát Chu đông lạnh Topvalu, hạt điều và hạt hỗn hợp Topvalu, rượu Suntory Horuyo vị sơ ri Việt Nam, khoai lang nướng, gỏi cuốn, cá basa ướp gia vị... cũng được tiêu thụ mạnh tại Nhật Bản.

Đối với sản phẩm gạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công gạo ST25 mang thương hiệu "A An". Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Giờ đây, Tập đoàn Tân Long đều đặn xuất khẩu và

Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm: một trong những yếu tố quan trọng để thị trường Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu trái cây Việt Nam là quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật phải đạt chứng nhận an toàn quốc tế. Cùng với đó, vùng nguyên liệu phải được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. 

Theo các chuyên gia, Nhật Bản là một thị trường "khó tính" nhưng khi đã chinh phục được thị trường này, nông sản Việt Nam trong đó có chuối, đủ uy tín để vào các thị trường khác thuận lợi hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư