Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nông thủy sản, hàng tiêu dùng Nhật Bản chinh phục khách hàng Việt Nam
Thế Hải - 18/09/2019 13:13
 
Thị trường Việt Nam đã trở thành điểm đến đáng mơ của nhiều doanh nghiệp cung ứng nông thủy sản, hàng tiêu dùng… đến từ Nhật Bản.
Nông thủy sản, hàng tiêu dùng Nhật Bản ngày càng sẵn tại Việt Nam khi các đoàn DN Nhật đến Việt Nam tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
Nông thủy sản, hàng tiêu dùng Nhật Bản ngày càng sẵn tại Việt Nam bởi nhiều doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam tìm kiếm đối tác xuất khẩu

Thị trường hấp dẫn của hàng Nhật

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa tổ chức thành công chương trình “Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản, thực phẩm Nhật Bản 2019” với sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay của gần 40 doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Đại diện JETRO, cho hay, doanh nghiệp Nhật rất coi trọng thị trường Việt Nam, bằng chứng là sự kiện đã thu hút lượng doanh nghiệp cao nhất từ trước tới nay, với tâm điểm là các sản phẩm trọng tâm, có nhu cầu cao như: Thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến; Thực phẩm chức năng; Thực phẩm chế biến (bánh kẹo...); Thực phẩm cho trẻ em và thịt bò Nhật (Wagyu).

Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, tại Việt Nam đã hình thành một xu hướng chuộng hàng tiêu dùng Nhật Bản. Nhìn vào thống kê hàng hóa nhập từ Nhật Bản sẽ thấy điều này. Nếu như xuất khẩu nông sản, thủy sản của nước ta sang Nhật Bản năm 2018 đạt 1,77 tỷ USD, tăng 2,2% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu lớn nhất là thủy sản đạt 1,39 tỷ USD, tăng 6,4%, nhưng ở chiều ngược lại, lượng hàng hóa Nhật xuất sang Việt Nam cũng tăng nhanh chóng.

Số liệu từ Cẩm nang Xuất nhập khẩu 2018, năm 2018, Việt Nam nhập hàng hóa từ Nhật trị giá 19 tỷ USD. Ngoài máy móc, thiết bị, sắt thép, phụ tùng ô tô… các sản phẩm hàng tiêu dùng, nông thủy sản, thịt… cũng tăng khoảng 16%.

Tâm lý yên tâm khi sử dụng hàng hóa Nhật Bản đã hiện diện trong đại đa số người dân Việt là yếu tố hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp nước này gia tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng, thực phẩm. Nền kinh tế tăng trưởng cao, bộ phận người tiêu dùng trung lưu gia tăng nhanh và yêu thích ẩm thực xứ Phù tang, cộng với gần 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh, thông qua hàng tỷ USD vốn FDI… mang đến Việt Nam là những điểm cộng để việc xuất khẩu hàng tiêu dùng, các sản phẩm chăn nuôi trở nên hanh thông.

Các nhà xuất khẩu thịt, thực phẩm và thủy hải sản nước này kỳ vọng, những hợp đồng xuất khẩu sẽ được ký kết sớm bởi điều kiện bắt buộc mà phía Việt Nam đưa ra là khi xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến, wagyu từ Nhật phải được chế biến tại các cơ sở gia công cuối cùng, cơ sở sản xuất sản phẩm thịt xuất khẩu đều đã được cấp phép sang Việt Nam.

Nhiều đơn vị "bắc cầu"

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam năm 2018 đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay 45,7 tỷ Yên (gần 430 triệu USD), tăng 15,9% so với năm 2017, đồng thời cũng là lần đầu tiên vượt mức 40 tỷ Yên.

Xét riêng theo từng quốc gia thì kim ngạch này đứng thứ 6 sau Hàn Quốc. Xét theo từng mặt hàng, thì các mặt hàng thực phẩm chế biến tăng mạnh so với năm trước (xấp xỉ 1,5 lần).

Mặt khác, các mặt hàng thủy sản chiếm tỷ lệ kim ngạch lớn nhất, trong đó kim ngạch của mặt hàng cá saba, cá hồi cũng tăng lên, với mức tăng tổng thể là 6,4%, cho thấy một sự tăng trưởng vững chắc.

Riêng với các sản phẩm thịt bò cao cấp như Wagyu, dù giá cả khá đắt đỏ nhưng cũng được bán nhiều tại thị trường Việt Nam. Giờ đây, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia mạnh mẽ vào kinh doanh các nhóm hàng tiêu dùng, thủy hải sản và thịt nhập khẩu từ Nhật Bản. 

Công ty TNHH Thương Mại Quốc tế FBC, với 3 cơ sở bán lẻ tại Hà Nội hiện đang bán các sản phẩm thịt bò Wagyu trên gofood.vn với giá 4,599 triệu đồng/kg thịt sườn rút xương, 6,349 triệu đồng/kg thăn ngoại, 8,499 triệu đồng/kg thăn nội bò Wagyu…

“Giá sản phẩm cao, nhưng chúng tôi có lượng khách hàng ở phân khúc cao, ưa chuộng và tin dùng dòng sản phẩm bò Wagyu nhập khẩu từ Nhật Bản”, đại diện Công ty FBC nói.

Hàng Nhật ngày càng đổ bộ vào thị trường Việt Nam do các đơn vị “bắc cầu” như JETRO khi liên tiếp có các chương trình tiếp cận khách hàng Việt rầm rộ. Hồi đầu năm nay, JETRO tổ chức chương trình Japan Fair để bán thử các sản phẩm thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu của Nhật Bản tại các cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại Japan Fair 2019 có 74 sản phẩm của 33 công ty tại Nhật Bản được tuyển chọn để đưa hàng bán tại khoảng 160 cửa hàng Family Mart ở Việt Nam.

Ngoài ra, các sản phẩm này cũng được đưa vào bán ở 4 trung tâm thương mại AEON (Nhật Bản) ở TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội với số lượng công ty tham gia lớn nhất từ trước đến nay, nhằm hướng đến bước phát triển mới tại thị trường Việt Nam và mở rộng kênh bán hàng.

Việt Nam sẽ tiếp tục ở trong tầm ngắm của các nhà sản xuất hàng hóa Nhật Bản trong thời gian tới. Bởi, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng là Hàn Quốc đã giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng từ nước này.

Hãng thông tấn Yonhap cho hay, nhập khẩu bia Nhật Bản vào Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh 99,9% trong tháng 9 do xu hướng tẩy chay các mặt hàng của nước láng giềng trong bối cảnh tranh cãi thương mại giữa hai nước gia tăng. Trong tháng 8, nhập khẩu hàng tiêu dùng Nhật Bản vào Hàn Quốc, bao gồm thực phẩm chế biến, mỹ phẩm, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh trong cửa hàng tiện lợi
Doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại gần 73.000 cửa hàng tiện lợi trong khu vực Đông Nam Á đạt tăng trưởng đạt mức 8,3% trong năm 2018....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư