Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group: Dự án trồng đậu đỏ xuất đi Nhật là cơ duyên lớn
Thế Hải - 20/10/2022 11:35
 
Dự án bắt tay với đối tác Nhật Bản sản xuất đậu đỏ đến với Mia Group là một cơ duyên lớn, đồng thời cũng là tín hiệu cực kỳ tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mia Group đầy tự tin với kế hoạch mở rộng vùng trồng đậu đỏ tại nhiều tỉnh, thành phố
Mia Group  tiếp tục mở rộng vùng trồng đậu đỏ tại nhiều tỉnh, thành miền núi phía Bắc.

Lô hàng 100 tấn đậu đỏ đầu tiên theo kế hoạch sẽ được Mia Group xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 12 tới đây. Đáng nói là kể từ khi ký thoả thuận hợp tác dài hạn với Công ty Endo Seian (Nhật Bản) để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ, thời gian để tổ chức sản xuất, có thành phẩm xuất khẩu chỉ diễn ra trong vòng 1 năm, rất "thần tốc".

Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, CEO Mia Group, Nguyễn Ngọc Huyền nói: "Dự án bắt tay với đối tác Nhật Bản sản xuất đậu đỏ đến với Công ty chúng tôi vào cuối năm 2021 là một cơ duyên lớn, cũng là tín hiệu cực kỳ tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung".

Nhật Bản là thị trường tiêu thụ đậu đỏ lớn trên thế giới, mỗi năm tiêu dùng khoảng 40 triệu tấn đậu đỏ, nhưng trong nước chỉ có thể cung ứng được 20 triệu tấn, 50% sản lượng còn lại phải nhập từ nước ngoài (Trung Quốc, Nam Mỹ và một số nước châu Á). 70% thị phần đậu đỏ của Nhật Bản nhập khẩu hiện từ Trung Quốc.

Nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền.

Tuy nhiên, trong vòng 2 năm tới, thuế quan nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ tăng lên, chính vì vậy, các doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ rất “đau đầu” và tính chuyện dịch chuyển vùng trồng. 

"Sau 9 năm làm việc với đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực trái cây, đối tác Nhật có hỏi tôi rằng: “Việt Nam có thể trồng đậu đỏ xuất khẩu không, chúng tôi rất mong muốn nhập”. Đó là lý do tại sao Mia Group đang kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối trái cây mà chuyến sang sản xuất đậu đỏ xuất khẩu", bà Huyền kể.

Tháng 12/2021, Mia Group đã ký hợp đồng trồng thử nghiệm đậu đỏ hữu cơ đầu tiên với Nhật. Việt Nam có thể trồng được 2 vụ chính vào tháng 3 và 9 hàng năm, toàn bộ giống đậu đỏ được phía Nhật cung cấp, quy trình sản xuất cũng được chuyên gia Nhật hướng dẫn, đào tạo trực tiếp. Doanh nghiệp đã trồng thử nghiệm tại Sơn La và Hà Giang, tháng 12 này, Mia Group sẽ thu hoạch vụ thứ 2, sau khi sàng lọc, đánh giá, phía đối tác đã đồng ý mua toàn bộ sản lượng.

Thông tin từ Mia Group, hiện phía Nhật đã ký chốt  sản lượng xuất khẩu hàng năm từ 500 - 1.000 tấn.

Có thâm niên gần chục năm làm việc với Nhật Bản, bà Huyền cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường Nhật Bản thì không chỉ là chất lượng mà quan trọng là khách hàng luôn yêu cầu về sự ổn định, bền vững từ phía nhà cung cấp. Nhiều thị trường tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ cũng không ngoại lệ. 

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch...

"Do đó, dự án trồng đậu đỏ xuất đi Nhật được tôi tâm huyết không chỉ bởi Mia Group bán được hàng số lượng lớn mà trong quá trình thực hiện còn có thể đóng góp được nhiều về giá trị cho chương trình chống hiệu ứng nhà kính mà Thủ tướng Việt Nam đã cam kết về giảm khí thải nhà kính vào 2050 tại COP 26", bà Huyền chia sẻ.

Bởi theo nghiên cứu của Mia Group, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp xanh, đất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc góp phần cải thiện được hiệu ứng nhà kính.

Quay lại câu chuyện vì sao đất lại tác động trực tiếp vào hiệu ứng nhà kính, vì khi đất bị trơ, bị xói mòn, không có độ phủ thì đất sẽ tiết ra Co2 rất nhiều và ngay cả việc chăn nuôi bò với nhiều chất thải độc hại cũng làm gia tăng Co2. Do đó, đất rất cần được che phủ xanh và sạch, và không có loại cây nào có họ rễ tốt bằng họ nhà đậu.

"Ngày xưa ông bà ta đã trồng đậu xen canh với các loại cây khác để cải thiện đất, giờ quay về với sự thuận tự nhiên, tôi cảm thấy cây đậu đỏ rất phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Bắt đầu từ đậu đỏ, sau này sẽ tăng thêm các loại đậu như đậu trắng, đậu xanh, tạo ra cơ hội việc làm đáng kể cho người nông dân vùng núi phía Bắc", bà Huyền kỳ vọng.

Điều quan trọng, rồng đậu đỏ thì thời gian thu hoạch rất nhanh, chỉ khoảng 3 tháng, trong quá trình đó, Mia Group không đi vào các tỉnh đã phát triển mà hướng đến những địa phương vùng sâu xa, vừa tạo được sinh kế cho bà con nông dân.

Ấn tượng hơn cả với bà Huyền trong hành trình đi gieo những hạt đậu đỏ đầu tiên ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang là hình ảnh bà mẹ địu con trên lưng. Bà tâm niệm: "Tôi thấy nếu muốn làm từ thiện, ngoài việc phát trâu bò cho bà con thì tạo được công ăn việc làm ổn định mới là giải pháp căn cơ, bền vững".

Trong dự án này, Mia Group sẽ cung cấp toàn bộ giống, đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản, hướng dẫn quy trình trồng và thu mua toàn bộ cho bà con nông dân. Với những điều đó, Ceo Mia Group mong mỏi, dự án trồng đậu đỏ xuất khẩu ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Khi sản lượng lớn, cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Nhật Bản cũng tạo thêm cho các mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng nhiều giá trị hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư