Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nữ doanh nhân sáng lập Yoga Trái tim vàng: Tìm đường xuất ngoại cho Yoga Việt
Công Sang - 08/05/2016 08:33
 
Tám năm ròng rã đeo đuổi khát vọng “xuất khẩu” huấn luyện viên người Việt ở bộ môn Yoga đã nhiều lần dồn bà Lê Thị Tố Hải, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trái tim vàng đến bước đường cùng, nhiều lần bị đối thủ đòi mua lại với giá rẻ. Nhưng giờ đây, bà Hải đã có thể trải lòng, vì con đường phía trước đã rõ ràng và bằng phẳng hơn.

Sống nhờ Yoga

Cơ sở nằm trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận, TP.HCM khá rộng và yên tĩnh là “đại bản doanh” của Trái tim vàng. Với khuôn viên rộng 160 m2, các phòng tập được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, Nhà sáng lập của Trái tim vàng đang mải mê với kế hoạch biến nơi đây thành thiền viện đầu tiên ở TP.HCM.

Cái duyên Yoga đến với bà Hải năm 16 tuổi, sau nhiều năm đeo đuổi môn thể dục nhịp điệu, nhưng vẫn không làm cải thiện bệnh xơ hóa cơ Delta, khiến cơ tay bà ngày càng teo lại, lưng gù đi. Để cứu mình, bà Hải đến với Yoga và tập luyện yoga cho đến nay.

.
Nữ doanh nhân Lê Thị Tố Hải, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trái tim vàng 

Nhưng phải đến 8 năm sau, năm 2008, bà Hải mới bắt đầu kinh doanh dịch vụ này, với sự ra đời của Câu lạc bộ Yoga Trái tim vàng. Lý do chính là nhờ Yoga, bản thân bà, rồi cả mẹ và anh trai đều “thực sự sống lại”, phục hồi sức khỏe, hoạt động như người bình thường sau những chấn thương dai dẳng vì tai nạn, bệnh tật bẩm sinh. Bà tin, Yoga cần cho mọi người.

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn, vào thời điểm đó, giáo viên thể dục thẩm mỹ chỉ được trả 35.000 đồng/giờ, trong khi giáo viên Yoga được trả cao ít nhất là gấp 3. Đơn giản, cả TP.HCM lúc đó có không đến 5 người dạy môn này. Đã vậy, vào năm 2008, chưa có câu lạc bộ nào trên thị trường chuyên giảng dạy môn Yoga, cũng chưa có trung tâm nào đầu tư phòng ốc đúng chuẩn của môn học này, giáo viên thì phần lớn là tự học từ những giáo trình cóp nhặt trên Internet.

Là người sinh ra trong gia đình kinh doanh, lại va vấp với kinh doanh từ rất sớm, nên bà Hải khó cưỡng lại sức hút từ mô hình mới này. Tháng 4/2008, Yoga Trái tim vàng khai trương cơ sở đầu tiên. Một năm sau đó, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trái tim vàng trở thành đơn vị đầu tiên đào tạo huấn luyện viên Yoga ở TP.HCM với giáo trình được mua bản quyền từ các trung tâm giảng dạy có uy tín của nước ngoài, được cấp bằng  quốc tế do Yoga Alliance Ấn Độ cấp (hiện nay là Yoga Alliance Mỹ cấp và có giá trị toàn cầu).

Đây là bước đi đầu tiên, nhưng rất quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Trái tim vàng cho tới nay. “Nhu cầu học làm huấn luyện viên là có. Khi mở ra trung tâm đào tạo huấn luyện sẽ để lại nhận thức trong khách hàng là, đã dạy được huấn luyện viên thì chất lượng chuyên môn không thể kém”, bà cười và phân tích chiến lược kinh doanh mà bà xác định từ rất sớm cho Công ty.

Chưa dừng lại ở đó, trong hai tháng 10 và 11/2015, bà Hải quyết định thành lập hai chi nhánh ở nơi được xem là cội nguồn của môn Yoga là Ấn Độ. Một là Học viện Yoga và Thiền Định (Rishikesh) và một là  Yoga Trái tim vàng Ấn Độ (Surat), hợp tác với Tập đoàn J-Korin (Ấn Độ). Hiện có hơn 100 học viên theo học ở đây mỗi tháng.

“Mục tiêu của Công ty là đào tạo, có nghĩa là chúng tôi buộc phải có đủ nguồn giáo viên đúng đẳng cấp và chất lượng. Ấn Độ là nơi chúng tôi thỏa mãn được các yêu cầu này. Hơn thế, khi hoạt động được tại Ấn Độ, uy tín của Trái tim vàng sẽ được công nhận trong giới những người yêu thích môn này trên thế giới”, bà Hải nói.

Cho đến thời điểm này, Yoga Trái tim vàng đang đi đúng con đường người sáng lập dự liệu: đó là đặt chân đến Ấn Độ, huấn luyện viên được xuất khẩu đến nhiều nước Thái Lan, Hàn Quốc, Australia…

Còn ở trong nước, Công ty có 14 chi nhánh trên toàn quốc. 7 trong số đó hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Trung bình mỗi trung tâm tiếp nhận 400 học viên/tháng.

Những bài học từ đồng tiền

Dáng người nhỏ nhắn của bà Hải khiến người mới biết bà không thể hình dung nổi bà lấy đâu sức để 20 năm qua làm việc liên tục bằng mấy người. Ngày làm công sở, chiều tối kinh doanh để thêm thu nhập. Bà cũng đã kinh qua nhiều vị trí công việc, từ thấp nhất đến vị trí điều hành công ty trong và ngoài nước.

Sức làm việc của bà một phần vì gia cảnh. Năm bà 12 tuổi, việc kinh doanh gia đình thất bại. Anh trai lại bị tai nạn giao thông, liệt nửa người, người em út còn nhỏ. Bà nhớ lại, khi đó, mẹ bà gần như suy sụp hoàn toàn. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt lên vai bà từ đó.

Nhưng, dường như số phận cũng có sự sắp đặt. Từ nhỏ, bà đã theo cha đi khắp nơi, làm quen với công việc kinh doanh nên việc bắt nhịp đối với bà Hải không quá khó khăn. Một thời, bà chuyên săn tìm, mua lại các quán cà phê cũ, tân trang lại, tạo phong cách để thu hút khách rồi bán lại. Có cái bà lời vài chục triệu, có cái cả vài trăm triệu đồng.

Năm 2009, bà mở cửa hàng chuyên về nước ép trái cây Fun Fruit World. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên ở TP.HCM làm thương hiệu một cách bài bản cho các loại nước ép. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm quản lý về chuỗi cửa hàng, bà đã phải bán Fun Fruit Wolrd.

Bà bảo tiền kiếm không khó, nhưng chi như thế nào để hiệu quả thì lại không dễ. “Nếu không sử dụng nghiêm túc đồng tiền tạo ra, sẽ có lúc chúng ta phải trả giá”, bà Hải nói.

Nhưng, bài học về đồng tiền  vẫn đang được bà Hải tiếp tục đúc rút từ mô hình kinh doanh Yoga Trái tim vàng.

Bà Hải kể, do quá yêu thích môn này, mong muốn phát triển rộng môn thể thao đã đem lại cho bà và gia đình cuộc sống mạnh khỏe, nên bà đầu tư rất công phu cho phòng tập đầu tiên. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư cao gấp 5 - 6 lần vốn ban đầu, thế là phải vay mượn. Chỉ mấy tháng trước, vào dịp cận Tết, bà lại “đau đầu vì dòng tiền” khi nhu cầu đi tập của học viên giảm, nhưng chi phí cho phòng tập vẫn không thay đổi.

“Nếu làm lại, tôi sẽ đầu tư cuốn chiếu, vì việc vừa làm vừa trả nợ khiến Công ty bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh”, bà chia sẻ.

Trải qua nhiều khó khăn để vận hành, có thời điểm bà phải vay tiền nhân viên, huấn luyện viên để trang trải. Cao điểm, năm 2010, bà bị tố mượn danh học viện đào tạo để lừa tiền nhân viên 105 triệu đồng. Thương hiệu bà dồn sức xây dựng bị chao đảo. Không lâu sau đó, một đối thủ gõ cửa ngỏ ý mua lại với giá rẻ mạt…

Lòng tự trọng bị tổn thương, nhân cách bị bôi xấu, bà Hải muốn buông tay. Nhưng, ý chí bền bỉ của người phụ nữ khởi nghiệp từ 12 tuổi, nhiều năm tôi luyện bằng yoga và thiền đã cho bà thêm sức mạnh vượt qua, điềm tĩnh đối diện khó khăn.

Bà Hải tuyên bố phá sản Công ty,  nhưng vẫn mở cửa dạy học để trả công cho nhân viên. Phần mình, bà ra nước ngoài dạy theo giá chuyên gia để tìm thu nhập đắp vào Công ty.

“May mắn cho đến nay, tôi đã trả hết 90% số tiền nợ từ những năm trước đó. May mắn hơn, trong thời gian qua, những anh chị hợp tác với Công ty luôn tin tưởng tôi, dù người ngoài nhận xét tôi như thế nào. Công ty trở lại vận hành tốt hơn”, bà Hải chia sẻ.

Muốn Yoga là nghề của người Việt Nam

Khó khăn đã tạm lắng, bà chủ Yoga Trái tim vàng đang tập trung vào ước muốn lớn, đó là thành lập Học viện Thiền khí tâm. Dự kiến, tháng 6 năm nay Học viện sẽ ra mắt. Giáo trình do chính bà Hải biên soạn.

Học viện sẽ tập trung giảng dạy dựa trên ba yếu tố là sức khỏe, khoa học và giáo dục trên nền tảng giáo dục tâm thức, từ những nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh.

Mô hình này cũng kết hợp với công nghệ của phương Tây. Các học viên sẽ được kiểm tra thể chất, tinh thần trước khi tham gia và sau mỗi ba tháng để biết được họ tiếp thu giáo trình đến đâu.

Không chia sẻ cụ thể số lượng chi nhánh học viện sẽ mở, nhưng bà Hải cho biết chiến lược của bà là tập trung phủ sóng trong nội thành hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, dự án lớn nhất bà mong muốn sẽ hoàn thành trước năm 35 tuổi là mở Đại học Đông Nam Á về Yoga và Thiền. Bà đang xúc tiến xin thủ tục và thúc đẩy Yoga trở thành một môn học được luật pháp Việt Nam công nhận.

Bà Hải cho biết, mặc dù Yoga xuất phát từ Ấn Độ, nhưng không được chú trọng đầu tư chính ở quê hương của nó. Mặt khác, thể chất người Việt hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu trở thành giảng viên của môn này.

Qua nhiều nước, gặp nhiều đối tác trong và ngoài nước, bà nhận thấy trong mắt họ, người Việt ở nước ngoài nổi tiếng là cộng đồng làm nail  (dịch vụ chăm sóc tay - chân) đông lao động nhất. Bà Hải bảo, với nghề nail, việc tiếp xúc với nhiều hóa chất trong quá trình làm việc khiến sức khỏe người lao động sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài. Yoga không chỉ mang lại cho họ nghề nghiệp an toàn hơn, mà cả vị trí tốt hơn trong xã hội.

“Bằng mọi giá, tôi muốn Yoga phải là nghề của người Việt trong mắt của cộng đồng quốc tế”, bà Hải khẳng định.

Lạnh người xem 3 người đẹp tập yoga trên núi cao 2.000m gây xôn xao
Với những người phụ nữ ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, yoga thậm chí còn là một môn thể thao mạo hiểm, khi lựa chọn ngọn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư