Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Nước mắt trái chủ và lời kêu cứu từ doanh nghiệp
Thủy Anh - 13/02/2023 08:25
 
Dự án đình trệ, thủ tục bán hàng ách tắc khiến doanh nghiệp thoi thóp, không thực hiện được nghĩa vụ trả lãi và gốc cho nhà đầu tư.
Dự án Asiana Riverside đã hoàn thành phần móng, hầm, tầng 1, đang thi công các tầng tiếp theo, nhưng chưa được cấp thông báo đủ điều kiện bán
Dự án Asiana Riverside đã hoàn thành phần móng, hầm, tầng 1, đang thi công các tầng tiếp theo, nhưng chưa được cấp thông báo đủ điều kiện bán.

Nước mắt trái chủ

Đại hội trái chủ của Công ty TNHH Nam Land vừa diễn ra với những câu chuyện đầy nước mắt.

Bà Mai, 65 tuổi ở Mễ Trì Hạ (Hà Nội) kể: “Vợ chồng tôi bán căn nhà tập thể cũ được hơn 2 tỷ đồng, đang tìm chung cư, thì được đứa cháu là nhân viên công ty chứng khoán tư vấn mua trái phiếu qua công ty nó với kỳ hạn 3 tháng. Tin tưởng cháu làm ở chỗ đàng hoàng, tin tưởng Công ty Chứng khoán TVSI thuộc Top 10 công ty chứng khoán về vốn trên sàn, 15 năm rồi chưa thua lỗ, lại có hợp đồng cam kết mua lại sau 3 tháng, tôi chuyển hết tiền vào đây. Nào ngờ, giờ Công ty chứng khoán “xù” nghĩa vụ mua lại, bảo tôi phải chờ đến năm 2024, khi đến hạn trái phiếu của tổ chức phát hành. Gốc không thu được, tiền lãi kỳ gần nhất đến hạn ngày 13/1/2023 cũng chưa thấy, vì tổ chức phát hành khó khăn, xin gia hạn thời gian trả lãi. Giờ vợ chồng già vẫn ở nhà thuê tạm bợ”.

Tương tự, vợ chồng ông Hoàng Việt Thắng, 64 tuổi, cũng “mắc kẹt” toàn bộ tiền dưỡng già.

Còn chị Hoa, ở Long Biên, nước mắt lưng tròng kể: “500 triệu đồng tiền tích cóp bị chôn chưa biết đến bao giờ mới nhận được, tiền lãi để cho con đi học giờ cũng không có, chồng thì mới mất việc”.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, vốn trái phiếu đáo hạn có thể lên đến 150.000 - 200.000 tỷ đồng. Nếu để thị trường tự xử lý, thì không chỉ tắc nghẽn dòng vốn, mà có thể dẫn đến những rủi ro hệ thống, lan sang cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ thị trường tài chính.

Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Hơn 300 trái chủ của Nam Land mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều bức xúc và không còn niềm tin với kênh đầu tư này, kể cả những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Lãnh đạo một công ty đầu tư bỏ gần 100 tỷ đồng mua trái phiếu cho biết:

“Khi mua trái phiếu, chúng tôi tham vấn luật sư, được biết dự án đã có giấy phép xây dựng, pháp lý đầy đủ, báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng cho thấy tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng đúng mục đích. Nhưng nay, chúng tôi bị mắc kẹt, biến thành con nợ, phải vay lãi ngày để trả nợ ở nơi khác”.

Huy động 900 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với mục tiêu dùng tối đa 400 tỷ đồng để thanh toán nghĩa vụ tín dụng với VPBank và hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Gotec Việt Nam để phát triển Dự án Asiana Riverside (tên thương mại là Shizen Home), Nam Land dự kiến, tiền thu từ kinh doanh Dự án Shizen Home sẽ được dùng để trả lãi và gốc cho trái chủ. Thế nhưng, mọi việc lại diễn biến bất ngờ theo hướng khác.

Tắc giấy phép bán hàng, tại ai?

Ngày 27/1/2018, UBND TP.HCM có Quyết định số 402/UBND-ĐT chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận Công ty TNHH Gotec Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7.

Ngày 27/8/2018, UBND TP.HCM có Quyết định chấp thuận đầu tư số 3634/QĐ-UBND về việc đầu tư Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7. Dự án cũng được Sở Xây dựng TP.HCM cấp Giấy phép xây dựng số 61/GPXD ngày 13/5/2021.

Hiện tại, công trình đã hoàn thành phần móng, hầm, tầng 1, đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo theo kế hoạch và đã đủ điều kiện để được cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại.

Ngày 24/6/2022, Gotec nộp hồ sơ lần 1 để đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại (thông báo đủ điều kiện bán) theo Biên nhận hồ sơ số 2200038/TNHS-HĐV-TM của Sở Xây dựng TP.HCM.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng không giải quyết thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán, mà trả hồ sơ, kèm theo đó, Sở Xây dựng gửi Công văn số 9558/SXD-PTN&TTBĐS ngày 21/7/2022 để xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện Dự án từ Công ty cổ phần Cảng Rau Quả cho Công ty TNHH Gotec Việt Nam theo ý kiến của Sở Xây dựng tại Công văn số 3091/SXD-PTN&TTBĐS ngày 23/3/2022.

Ngày 18/10/2022, Gotec gửi hồ sơ lần 2 để đề nghị cấp thông báo đủ điều kiện bán. Sở Xây dựng tiếp tục trả hồ sơ, từ chối giải quyết thủ tục và cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đang tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố về kết quả rà soát. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Công ty TNHH Gotec Việt Nam liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm lại tiến độ thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và phối hợp trong công tác rà soát”.

Gần đây nhất, ngày 4/11/2022, Gotec nộp hồ sơ lần 3 để đề nghị cấp thông báo đủ điều kiện bán. Sở Xây dựng tiếp tục từ chối và trả hồ sơ, với lý do “Sở Xây dựng đã có Công văn số 15254/SXD-PTN&TTBĐS ngày 3/11/2022 để đề nghị Công ty TNHH Gotec Việt Nam liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm lại tiến độ thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 7008/VP-ĐT ngày 24/8/2022 và phối hợp trong công tác rà soát. Sau khi UBND Thành phố có ý kiến đối với nội dung rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng sẽ xem xét thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Dự án”.

Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Gotec Việt Nam cho biết, việc Sở Xây dựng từ chối giải quyết thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán cho Công ty đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

“Đã 6 tháng kể từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lần đầu để xin cấp thông báo đủ điều kiện bán, liên hệ đủ nơi, đủ chỗ và chỉ nhận được câu trả lời đợi rà soát và không biết khi nào mới xong.

Trong khi đó, Gotec là bên đi mua, đã thanh toán đủ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, được cấp giấy chứng nhận, đã hoàn thành các thủ tục đầu tư - xây dựng và đang triển khai thi công. Công ty đang phải gánh chịu các thiệt hại trước mắt khoảng 1.052 tỷ đồng cho tổn thất về doanh thu và chi phí. Về lâu dài, nếu không sớm giải quyết cấp thông báo đủ điều kiện bán, chúng tôi sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động”, ông Nguyễn Việt Anh nói.

Gotec Việt Nam đã có đơn kêu cứu khẩn thiết đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM…

Không có nguồn thu, Dự án bị vướng mắc pháp lý, không xoay xở được dòng tiền, Gotec Việt Nam đã không tạm ứng được lợi nhuận theo hợp đồng BCC cho Nam Land. Kết quả là, tổ chức phát hành mất khả năng trả lãi cho trái chủ. Nam Land đã phải tổ chức đại hội trái chủ để xin gia hạn thời gian trả lãi sang ngày 28/2/2023, nhưng với tình cảnh của doanh nghiệp hiện nay, nhà đầu tư trái phiếu lo lắng vô cùng.

Gỡ từ đâu?

Nhận xét về câu chuyện của Gotec Việt Nam, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng, đây là lỗi trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho thị trường và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Nếu Sở Xây dựng TP.HCM không có văn bản trả lời không đủ điều kiện bán hoặc không đặt ra điều kiện gì khác yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng, thì doanh nghiệp đương nhiên được bán nhà một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp này, tốt nhất, cơ quan chức năng cần có thái độ rõ ràng: trả lời doanh nghiệp là được quyền bán nhà và tự chịu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã có công văn gửi các cơ quan quản lý đề nghị “gỡ vướng” cho Dự án Shinzen Home. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vướng mắc pháp lý chiếm tới 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Đây là cái gốc cần xử lý cho vấn đề dòng tiền của doanh nghiệp.

Được biết, lãnh đạo TP.HCM sẽ có cuộc họp với Gotec Việt Nam trước ngày 15/2/2023 để xem xét vấn đề.

Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một cấu phần quan trọng, không thể thiếu đối với mọi thị trường tài chính.

“Chúng ta cần lấy lại niềm tin đối với trái phiếu riêng lẻ, tránh tâm lý tẩy chay, kỳ thị trái phiếu doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Để làm được những gì Bộ trưởng Bộ Tài chính nói, giới chuyên gia cho rằng, không thể để thị trường tự điều tiết. Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, vấn đề trái phiếu đang gây tắc nghẽn thị trường. Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008, ban đầu, Chính phủ nước này để thị trường tự điều tiết và kết quả là Lehman Brothers phá sản, làm rung chuyển toàn hộ hệ thống tài chính và kinh tế Mỹ. Sau đó, Mỹ phải lập tức can thiệp.

Vẫn còn thách thức lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp
Hàng loạt chính sách đã được đưa ra thời gian gần đây đang giúp giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu ứng hỗ trợ cho nền kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư