-
Ngân hàng phải báo công an khi phát hiện ít nhất 5 tờ tiền giả trong một giao dịch -
Tiếp tục chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu trong vài ngày tới -
SHB và Tasco ký kết hợp tác toàn diện -
Chưa có hiện tượng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác -
Giải Eximbank Golf Tournament 2025 - Lần thứ 3 - Chạm vào những khoảnh khắc vàng -
Tín dụng năm 2024 tăng 15,08%, đã bơm ra nền kinh tế 2,1 triệu tỷ đồng
Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải mua lại hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1/2023
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến hết tháng 01/2023 là gần 17.5 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, trong tháng này, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% á trị TPDN đến hạn) và doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Năm ngoái (tính đến ngày 30/12/2022), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi đó, lượng phát hành TPDN mới giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến 30/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Hiện tại, Bộ tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn.
Chuyên gia phân tích VNDIRECT nhận định, thị trường TPDN sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.
Theo VNDIRECT, hiện quy mô TPDN trên GDP của Việt Nam là 15% và 13% đối với TPDN phát hành riêng lẻ, tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Trái phiếu doanh nghiệp: Từ cú sẩy chân của doanh nghiệp đến giọt nước mắt nhà đầu tư
Bom nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát nổ là sự cố chấn động nhất của thị trường tài chính Việt Nam năm 2022, kéo theo sự sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư. Làm thế nào để khôi phục lại thị trường trái phiếu sẽ là câu chuyện nóng nhất năm 2023.
Áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn
Năm 2022, thị trường chứng kiến nhiều “đại gia” bất động sản phải “bán mình” trả nợ trái phiếu. Dẫu vậy, đến cuối năm, số doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, tìm cách giãn, hoãn với trái chủ vẫn tăng. Chỉ tính riêng số doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi trái phiếu cho trái chủ trong quý IV/2022, danh sách đã ngày càng dài, như Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định, Công ty cổ phần Trung Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Đức Việt…
Từ sự cố Tân Hoàng Minh, quả bom trái phiếu loang rộng, đạt đỉnh điểm khủng hoảng khi sự cố Vạn Thịnh Phát xảy ra. Người dân ùn ùn đi bán tháo trái phiếu bằng mọi giá, bất chấp doanh nghiệp phát hành khỏe hay yếu. Làn sóng bán tháo chạy khỏi trái phiếu (bond run) đã lan sang các quỹ trái phiếu (fund run), đẩy nhiều quỹ đầu tư trước nguy cơ mất thanh khoản tạm thời, hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính đến giữa tháng 12/2022, phát hành TPDN giảm tới gần 62% so với cùng kỳ năm 2021. Phát hành trái phiếu gần như đóng băng trong nửa cuối năm 2022.
Điều đặc biệt nhất, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu, năm 2022, là thị trường TPDN chứng kiến sự bất thường khi lượng TPDN mua lại trước hạn trong gần 12 tháng lên tới 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Phát hành thành công thấp, mua lại trước hạn cao, nhiều doanh nghiệp đã “âm” huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Trong khi đó, những năm qua, TPDN đã trở thành nguồn vốn chính của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Đến cuối tháng 11/2022, quy mô thị trường vốn bằng gần 105% GDP năm 2021, trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu mới đạt tương đương 64% GDP. Sau tín dụng ngân hàng, TPDN trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của doanh nghiệp.
Hiện nay, có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn trung, dài hạn. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay, năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 215.000 tỷ đồng TPDN và 50.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022. Lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản 2 năm tới cũng rất lớn (khoảng 115.000 tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi. Có thể thấy, TPDN đã trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản, song cũng đặt doanh nghiệp trước nhiều rủi ro.
Thị trường TPDN gặp khủng hoảng, doanh nghiệp ngấm đòn, song các nhà đầu tư cá nhân cũng bị ảnh hưởng không kém. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ chưa đến 10% trái phiếu riêng lẻ (70% là ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ). Song trên thị trường sơ cấp, 30-40% lượng TPDN lại nằm trong tay cá nhân. Đây cũng là lý do khiến hàng ngàn gia đình trở thành nạn nhân của “bom” trái phiếu năm nay.
“Năm nay, gia đình tôi đón năm mới thật buồn, toàn bộ số tiền xương máu tích cóp được mấy chục năm qua có nguy cơ biến thành giấy vụn. Mấy tháng nay, chồng tôi bỏ công, bỏ việc chạy đôn chạy đáo khắp nơi cầu cứu mà vẫn chưa biết bao giờ mới đòi lại được”, cầm hợp đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, chị Phan Thu Hiền, hiện là giáo viên một trường THPT tư thục ở Hà Nội chia sẻ.
Cũng giống như chị Hiền, hàng ngàn gia đình đã trót mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings và hàng loạt tập đoàn chậm trả nợ trái phiếu đúng hạn khác đang mất ăn mất ngủ.
Sau cú sốc Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, làn sóng bán tháo trái phiếu đã chững lại, thanh khoản thị trường dịu bớt. Mặc dù vậy, áp lực đáo hạn thời gian tới vẫn rất lớn, đồng nghĩa thị trường TPDN năm 2023 sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, lượng TPDN đáo hạn trong 3 năm tới (2023-2025) lên tới 700.000 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi. Nếu đổ vỡ xảy ra, hệ lụy sẽ rất phức tạp, vì mối liên thông ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn. Hiện nay, các ngân hàng không chỉ đầu tư vào TPDN khá lớn (khoảng 284.000 tỷ đồng), mà còn cho vay bất động sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chưa kể bất động sản chiếm tới 65% tài sản đảm bảo của ngân hàng. Điều này có nghĩa, khi thị trường bất động sản và trái phiếu đổ vỡ, ngân hàng cũng không tránh khỏi hệ lụy.
Hiện nay, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn vốn huy động để đảo nợ trái phiếu. Song trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm nguồn vốn mới không đơn giản khi niềm tin suy giảm, tín dụng bị kiểm soát chặt, thị trường chứng khoán không mấy sôi động. Việc bán tài sản bất động sản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng khi giá giảm tới 30-40%. Ngay cả doanh nghiệp tốt cũng phải lao đao tìm vốn.
Điểm sáng của thị trường lúc này là Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều quy định tích cực, trong đó có đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, một số quy định khác cũng được tạm “hoãn” 1 năm thực hiện.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, dự thảo này, nếu được ban hành, sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành có thêm 2 năm để xoay xở nguồn tiền đảo nợ, bán tài sản, tái cơ cấu nợ. Theo đó, các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu trong 2 năm đỉnh nợ (2023-2024), nhưng đang gặp khó khăn về thanh toán có thể đàm phán với nhà đầu tư để gia hạn sang năm 2025-2026. Mặc dù chưa thể giải quyết ngay các khó khăn trên thị trường, song các quy định trên sẽ giúp nhà đầu tư bớt lo lắng, tháo chạy khỏi trái phiếu, cải thiện thanh khoản thị trường.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là giải pháp gỡ khó ngắn hạn về thanh khoản. Để thị trường phát triển mạnh mẽ trở lại, vẫn cần thêm các giải pháp giải quyết tận gốc, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Công Niềm, Giám đốc Tài chính F88 cho biết, những năm qua, F88 chủ yếu huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, năm 2022, thị trường trái phiếu đóng băng, khiến doanh nghiệp không thể huy động. Ông Niềm bày tỏ hy vọng năm 2023, thị trường TPDN sẽ được khơi thông trở lại. Mặc dù vậy, đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi cách thức phát hành trái phiếu theo hướng minh bạch hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách nhất năm 2023. Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết sớm, dứt điểm những vụ việc vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhất để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, cũng là cách để giải quyết vấn đề TPDN đáo hạn 2 năm tới.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, quá trình phê duyệt hồ sơ phát hành TPDN ra công chúng kéo dài nhiều tháng, khiến doanh nghiệp có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội. Các chuyên gia cho rằng, cần phải rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ xuống còn 15-30 ngày để khuyến khích doanh nghiệp tham gia kênh này.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, phát hành trái phiếu ra công chúng là con đường để minh bạch thị trường TPDN Việt Nam. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ngay phát hành TPDN ra công chúng.
“Phát hành TPDN ra công chúng là cần thiết, song cần thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin…, cũng như để Ủy ban Chứng khoán cải tiến quy trình, thủ tục. “Hoãn” thực hiện Nghị định 65 là thời gian vàng để các bên hoàn tất công tác chuẩn bị”, TS. Nghĩa nhận định.
Mặc dù gặp khủng hoảng tạm thời do sự chấn chỉnh của cơ quan quản lý, song các chuyên gia phân tích đều nhìn nhận, sự chấn chỉnh này có lợi cho thị trường về dài hạn.
“Những động thái mạnh tay của Chính phủ trong siết lại thị trường TPDN vừa qua về ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn, nhưng trong trung, dài hạn sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ buộc phải định nghĩa lại câu chuyện phát hành, sẽ phải phát hành chuẩn chỉ hơn”, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS nhận định.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ đang lấy ý kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Về lâu dài, để phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.
TS. Cấn Văn Lực lưu ý, khi hoàn thiện khung pháp lý với TPDN, cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp về phía cầu để tăng dòng tiền mới vào thị trường, cụ thể là cần có cơ chế cởi mở hơn với các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở… để các tổ chức mạnh dạn đầu tư hơn vào TPDN.
Giao dịch rút tiền mặt đã giảm từ 12% xuống còn 6,5%
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2022, thanh toán điện tử tiếp tục tăng nhanh số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.
Năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.
Đặc biệt, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận vì sự thuận thiện, đơn giản và chi phí thấp.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, việc tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt so với tổng các giao dịch và tăng về tỷ trọng xử lý thẻ chip VCCS – tiêu chuẩn thẻ chip nội địa được xử lý qua hệ thống NAPAS.
Phó Thống đốc yêu cầu Napas thời gian tới tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới, đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Công An và ngân hàng Nhà nước triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống. Song song với đó quan tâm tới công tác phòng chống rửa tiền, quản lý rủi ro giao dịch gian lận giả mạo, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước các đối tượng lừa đảo…
Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ra sao trong năm 2023?
Tín dụng toàn ngành dự kiến tăng trưởng ở mức 12%, NIM suy giảm Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với 2022.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, VNDirect Research kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 (so với mức 32% năm 2022).
Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia của VNDirect, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ còn gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, và áp lực lạm phát.
Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới. Lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm do NHNN hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá; doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn; và sự kiện xoay quanh SCB.
Tuy đã hạ nhiệt, dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm. Liên quan đến lãi suất huy động, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 2 điểm phần trăm trong 2 quý cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn.
Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện Techcombank, MBB và VCB là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống.
Trong khi, VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, lần lượt ở mức 87% và 64%. Vietinbank, VPBank, TPBank và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm nay.
Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.
Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Không chỉ áp lực NIM giảm, tăng trưởng tín dụng trong 2023 cũng được giới phân tích dự báo sẽ giảm tốc trong môi trường vĩ mô kém thuận lợi.
VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 11-12% năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
Việc phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng, trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau.
Tín dụng hệ thống ngân hàng vừa được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin đã tăng 14,5% trong 2022, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (13,6%). Tuy nhiên, theo VNDirect, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12, chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
VNDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Xuất khẩu sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao.
Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng,...căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số LDR tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản được giới phân tích tài chính nhận định, không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
VDSC cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Tuy nhiên, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng.
Trong khi đó, VNDirect nhận định, bên cạnh căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Tuy nhiên, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.
Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
Vì thế, NHNN cho biết, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...
Đáng chú ý, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
Một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các Ngân hàng trung ương lớn trên giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chứ không chỉ dừng lại ở đó, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao.
Với gành ngân hàng trong nước, các ngân hàng thương mại sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế trong năm 2023.
Thống đốc: Tín dụng năm 2022 ước tăng 14,5%, ưu tiên nhất năm 2023 là đảm bảo thanh khoản
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 3/1/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 là một năm vô cùng thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ khi cùng một lúc chịu áp lực bởi xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng đô la Mỹ trên phạm vi toàn cầu và những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước.
NHNN đã phải đứng trước ba bài toán khó. Thứ nhất, làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Thứ hai, làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng Đô la tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ...
Thứ ba, làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ.
Với sự bình tĩnh, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách của NHNN, kết thúc năm 2023, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Đó là: góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...
Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, Bộ tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN Việt Nam.
Thống đốc khẳng định, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn.
Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Bởi vậy, lãnh đạo NHNN cho hay, năm 2023, NHNN sẽ tập trung vào một số mục tiêu lớn.
Mục tiêu đầu tiên là tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Thứ ba, điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ tư, phối hợp các Bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.
Gỡ thanh khoản nền kinh tế cần thúc đẩy đầu tư công, điều chỉnh giá bất động sản...
Thống đốc cũng khẳng định, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản...để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế.
“Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”, Thống đốc nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, lãnh đạo NHNN cho biết, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...
Lãi suất - thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023
Năm 2022 đã khép lại với nhiều biến động lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2023, theo dự báo của TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Tuy vậy, dự báo Fed còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024.
"Dù mức độ và tác động do Fed tăng lãi suất sẽ không còn dữ dội, nhanh, mạnh như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế còn dai dẳng trong năm 2023. Ngoài ra, trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại, mức tăng liên tục, mạnh khiến điều hành chính sách tiền tệ đối với 2023 không thể chủ quan", TS. Quang nhận định.
Trong khi đó, nhận định về thách thức chính sách điều hành năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất, áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, dư địa điều hành chính sách tiền tệ giảm dần do các công cụ đã được NHNN sử dụng gần hết, đặc biệt lãi suất điều hành đã tăng 2 lần với mức độ lớn.
Ngoài ra, thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào, hệ số an toàn vốn (CAR) mỏng và nợ xấu có nguy cơ tăng cũng là những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực.
Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng, áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu năm 2023 sẽ giảm dần. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với nền kinh tế nước ta chính là các yếu tố nội tại.
Riêng với chính sách tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thách thức lớn nhất năm tới chính là vấn đề lãi suất.
Mặc dù NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất thực ở Việt Nam hiện nay đang quá cao.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện nay khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân (3,15%) thì đang ở thực dương 6,25%. Còn lãi suất cho vay 1 năm hiện nay trung bình 12,5%, trừ đi lạm phát thì đang trên 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá USD 3,81% thì đang dương 13%. Lãi suất thực (cho vay) trên 13%, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, là mức lãi suất cho vay "cao nhất nhì thế giới", khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.
Với mặt bằng lãi suất này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp nội địa sẽ đuối sức, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài – vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chính vì vậy, theo chuyên gia này, trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất và tăng cung tiền, TS. Phạm Chí Quang cho biết, thời gian qua, Việt Nam liên tục nhận được nhiều cảnh báo từ các Tổ chức quốc tế như World Bank, IMF về mức độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng do tỷ lệ đòn bẩy tài chính quốc gia (tổng dự nợ tín dụng trong GDP) thuộc nhóm cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. Tỉ lệ này ở Việt Nam là 124%. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm thời gian tới, tỷ lệ này sẽ còn gia tăng.
Trong bối cảnh năng lực tài chính của Việt Nam chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế (nhiều ngân hàng chưa đáp ứng đầy đủ quy định về Basel II mà vẫn còn trong lộ trình triển khai) thì tỷ lệ đòn bẩy này tăng dẫn tới nhiều rủi ro.
“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”, TS. Phạm Chí Quang nhận định.
-
Chưa có hiện tượng tiền gửi "chạy" từ ngân hàng này sang ngân hàng khác -
Giải Eximbank Golf Tournament 2025 - Lần thứ 3 - Chạm vào những khoảnh khắc vàng -
Tín dụng năm 2024 tăng 15,08%, đã bơm ra nền kinh tế 2,1 triệu tỷ đồng -
Chinh phục lại mốc 100.000 USD, Bitcoin tăng giá 10% tuần đầu năm mới -
Năm 2024, kiều hối về Việt Nam khoảng 16 tỷ USD, riêng TP.HCM đạt 9,6 tỷ USD -
Dừng cơ cấu nợ, nhiều ngân hàng đối mặt với nợ xấu bất động sản -
F88 ra mắt “Tạp hóa đồng giá 8k" hỗ trợ người lao động mùa Tết
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả
- Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Doanh nghiệp nhỏ chạy nước rút ăn Tết
- Tổng kho TTC Đặng Huỳnh: Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
- Hội viên Techcombank Inspire tưng bừng chào đón năm mới “cực chất” The Global Celebration Countdown Party