Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nước Mỹ đối diện nguy cơ "siêu phá sản"
Lê Minh - Song Đức (VTV) - 20/06/2020 10:38
 
Một tương lai ảm đạm đang chờ thị trường lao động Mỹ khi mà các doanh nghiệp của nước này được cho là đang đối diện nguy cơ "siêu phá sản".
Theo tờ Thời báo New York rất có thể một làn sóng phá sản mới đang nổi lên trong nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo tờ Thời báo New York rất có thể một làn sóng phá sản mới đang nổi lên trong nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần qua, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn đang duy trì ở mức cao kỷ lục, với trên 1,5 triệu người.

Báo chí Mỹ nhận định, điều này cho thấy tình trạng sa thải nhân công vẫn tiếp diễn và hậu quả của dịch COVID-19 đối với thị trường lao động nước này vẫn còn rất nặng nề.

"Số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao lịch sử, cho thấy tình trạng sa thải nhân công chưa được cải thiện đáng kể", nhận định của tờ Tạp chí Phố Wall số ra ngày 18/6.

Cụ thể, với 1,5 triệu người mới xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 13/6, giảm 58.000 người so với tuần trước thì đây vẫn là tuần thứ 13 liên tiếp con số này vượt trên mốc 1 triệu, cao hơn rất nhiều so với mức kỷ lục năm 1982.

Số lượng người tiếp tục xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ, xuống còn 20,5 triệu trong tuần kết thúc ngày 6/6. Sự ổn định của số liệu này cho thấy số nhân công được tuyển dụng hay gọi trở lại làm việc không bù đắp được đáng kể số người bị xa thải dù số doanh nghiệp được mở cửa hoạt động trở lại đang tăng lên.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lo ngại trước khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc tuyển dụng lao động, thậm chí tiếp tục có kế hoạch cắt giảm mạnh nhân công trong quá tái cơ cấu do dịch COVID-19. Tình trạng này đã khiến một số lượng lớn người dân Mỹ không có khả năng trả các khoản vay nợ.

Bài viết trên tờ Tạp chí Phố Wall cho biết là tính đến cuối tháng 5 đã có hơn 106 triệu khoản vay học phí, mua ô tô và các loại vay nợ khác đã không được thanh toán đúng hạn, tăng gấp 3 lần so với tháng 4 - một tháng sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Điều này cho thấy làn sóng xa thải nhân công do dịch COVID-19 đã khiến một số lượng lớn người dân Mỹ rơi vào khó khăn. Nhiều người đã tiêu hết số tiền hỗ trợ, trong khi các khoản trợ cấp thất nghiệp không đủ để trả các hóa đơn cần phải thanh toán.

Mặc dù nền kinh tế đang từng bước mở cửa trở lại, song tình trạng khó khăn trên được dự báo là sẽ còn tiếp tục kéo dài. Bởi theo tờ Thời báo New York rất có thể một làn sóng phá sản mới đang nổi lên trong nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo Edward Altman - sáng lập viên Z score - một công cụ được sử dụng rộng rãi để dự báo khả năng thất bại của một doanh nghiệp - năm 2020 sẽ rất dễ đạt kỷ lục mới của tình trạng "siêu phá sản", với nhiều công ty nộp đơn xin phá sản bởi khoản nợ trên 1 tỷ USD. Còn số vụ phá sản với khoản nợ từ 100 triệu USD trở lên có thể vượt quá mức kỷ lục 1 năm sau giai thời kỳ suy thoái năm 2008.

Theo các chuyên gia sự phục hồi hoạt động kinh tế trong những tháng tới sẽ không thể ngăn chặn được làn sóng này bởi những doanh nghiệp bị tổn thương đã ở mức quá lớn và không thể cứu được. Báo chí Mỹ nhận định, viễn cảnh này lại càng khiến cho bức tranh tổng thể của thị trường lao động Mỹ vốn đã ảm đạm lại càng khó có thể sáng sủa hơn trong thời gian tới.

Kinh tế Mỹ sẽ hồi phục vào cuối năm 2021
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đến cuối năm 2021 nền kinh tế Mỹ mới hồi phục, thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư