Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nước nào mới là nước khoáng?
Hải Hà - 28/07/2013 06:43
 
Dự thảo Thông tư định danh và phân cấp trữ lượng khai thác nước khoáng đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xây dựng.

Nếu dự thảo này được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp khai thác nước khoáng theo chỉ tiêu mới. Tuy nhiên, chính các chỉ tiêu xác định nước khoáng trong Dự thảo đang dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, kèm theo là các tranh cãi khá gay gắt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp khai thác nước khoáng theo chỉ tiêu mới.

Dự thảo này đã quy định chi tiết giá trị yêu cầu để định danh các nguồn nước ở Việt Nam; các chỉ tiêu định danh, gồm 12 yếu tố đặc hiệu cho từng loại nước khoáng, kèm theo con số giới hạn về hàm lượng, mức độ tối thiểu cần đạt để nguồn nước có tác dụng dược lý, có lợi cho sức khỏe…

Ông Nguyễn Mai Quân, Chánh văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia lý giải, Thông tư số 34/2010-TT/BYT ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6213 - 2010 về nước khoáng thiên nhiên đóng chai, song các văn bản pháp quy này chỉ đề cập sản phẩm nước khoáng sau khi khai thác từ nguồn, còn vẫn thiếu định nghĩa chính thức về nguồn nước khoáng.

Do đó, việc xác định nguồn nước nào đạt yêu cầu gọi là nước khoáng là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Tại hội thảo góp ý cho Dự thảo Thông tư này vừa được tổ chức, chỉ tiêu xác định nước khoáng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia.

GS - TS. Hoàng Đình Hòa, Trưởng ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về đồ uống (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), kiêm giảng viên cao cấp Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, trong các văn bản pháp quy hiện hành, Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều đưa ra định nghĩa thống nhất về nước khoáng và nước khoáng thiên nhiên đóng chai. Theo đó, nguồn nước khoáng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, hoặc tiêu chuẩn EU đều được phép sử dụng tại Việt Nam.

Việc Dự thảo quy định chỉ tiêu xác định nước khoáng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, như nhiều sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai sản xuất trong nước không được bán ra thị trường (do không đạt tiêu chuẩn mà Thông tư đưa ra), trong khi nhu cầu của người dân vẫn có. Điều này tạo cơ hội cho việc nhập khẩu các loại nước từ nhiều nguồn, gây bất lợi cho sản xuất trong nước…

Nhìn nhận từ thực tế, ông Bùi Trường Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, phần lớn nước khoáng thiên nhiên đóng chai là nước có hàm lượng khoáng hóa dưới 1.000 mg/l. Đây là một loại sản phẩm đã được thị trường thế giới chấp nhận hàng trăm năm qua. “Vì vậy, cần có tiêu chuẩn định danh dành cho loại nước khoáng có hàm lượng khoáng hóa dưới 1.000 mg/l dùng để sản xuất nước khoáng thiên nhiên đóng chai, vì mục đích uống hàng ngày”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, trên thế giới, 60% các loại nước khoáng đóng chai tại 41 quốc gia trên thế giới thuộc loại nước khoáng có hàm lượng khoáng hóa thấp.

TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) nhận xét, những chỉ tiêu mà Dự thảo Thông tư đưa ra dường như chỉ tập trung vào nước khoáng chữa bệnh, chứ chưa đề cập nước khoáng thiên nhiên đóng chai dùng để uống hàng ngày.

Trước những cách hiểu khác nhau về các chỉ tiêu này, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Dự thảo Thông tư. Thứ trưởng Ngọc cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm một số tiêu chí mà các nước trên thế giới đang áp dụng nhằm tập trung định nghĩa rõ về nước khoáng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư