Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ô nhiễm kéo dài, Hà Nội tiếp nhận hàng chục thiết bị quan trắc chất lượng không khí
Thu Trang - 23/09/2019 16:53
 
UBND TP. Hà Nội đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
1
Chỉ số chất lượng không khí trung bình những ngày này tại Hà Nội luôn ở mức có hại cho sức khỏe

Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, nhận được thư đề nghị của GIZ tại Hà Nội, để tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng không khí, UBND thành phố đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do GIZ hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là đơn vị đầu mối tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hiệu chỉnh dữ liệu 18 thiết bị cảm biến theo các trạm quan trắc cố định của thành phố đảm bảo dữ liệu chính xác; công bố dữ liệu chất lượng không khí của các trạm cảm biến trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng điện thoại thông minh, các bảng thông tin điện tử tại các trụ sở, khu vực công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sau khi các thiết bị đã hoạt động ổn định.

Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (0 - 50), các chuyên gia đánh giá không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình (51 - 100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém (101 - 200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; mức xấu (201 - 300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Cách đây ít ngày, thống kê từ 11 trạm quan trắc đặt quanh Hà Nội được tổng hợp trực tiếp bởi Sở Tài nguyên Môi trường thành phố cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức kém. Theo bảng quy đổi của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, đây là mức không lành mạnh cho sức khỏe nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em, người có bệnh về hô hấp).

Trong khi đó, sáng nay 23/9, theo kết quả quan trắc được cập nhật thường xuyên bởi trang Air Visual, chất lượng không khí ở nhiều nơi tại Hà Nội vẫn chưa cải thiện nhiều khi ở mức có hại cho sức khỏe. Một số điểm quan trắc cho chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tiệm cận với mức xấu (200) như Thành Công (172), Hàng Đậu (175), Minh Khai - Bắc Từ Liêm (180)...

Theo lý giải của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, ô nhiễm bụi thường tăng cao, tập trung vào mùa đông, đầu xuân, thời điểm chuyển mùa. Hiện tượng này vẫn thường xuất hiện theo quy luật.

"Sự thay đổi nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn phát thải, điều kiện khí tượng, tốc độ gió, khả năng khuấy trộn của không khí. Ngoài ra còn tính đến bức xạ mặt trời, độ ẩm và các phản ứng quang hóa", đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay.

[Infographic] Ô nhiễm không khí trong nhà và nguy cơ đối với sức khỏe
Nhiều vật dụng trong gia đình cùng với lối sinh hoạt hiện đại có khả năng gây ô nhiễm không khí trong nhà và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư