Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu
Nguyễn Lê - 20/06/2021 09:18
 
Với hàng loạt khó khăn, thách thức của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải xác định ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu.
Dù Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Ảnh: Đức Thanh

Áp lực lạm phát trong dài hạn rất lớn

Sau một năm rưỡi chống chọi với sự hoành hành khủng khiếp của đại dịch Covid-19, hết tháng 5/2021, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, Chính phủ nhấn mạnh, kết quả nổi bật đầu tiên là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

“Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Ghi nhận nhiều điểm sáng của 6 tháng đầu năm, như dịch bệnh dù có những diễn biến phức tạp, song cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trưởng rất tốt, đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng rất tích cực..., song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, thách thức.

Thách thức đầu tiên, là dịch bệnh trên toàn thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp. Chiến lược vắc-xin gặp nhiều thách thức và cũng có rủi ro là có thể lỗi nhịp, phải chạy đua với thời gian thì Việt Nam mới khắc phục được rủi ro này.

Vấn đề thứ hai, là rủi ro bong bóng tài sản trên toàn thế giới, do hệ quả từ chính sách siêu nới lỏng của các nước trên thế giới, nhất là châu Âu và Mỹ, kể cả tài khóa và tiền tệ, để ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế theo chu kỳ và hạn chế hậu quả của đại dịch Covid-19. Giá bất động sản trên thế giới, nhất là tại Canada, Mỹ, Hàn Quốc trong 4, 5 tháng đầu năm tăng 20 - 25%, có những thời điểm tăng lên 35%; giá dầu thô tăng cao, giá nguyên - nhiên, vật liệu tăng cao; nông sản cũng tăng và chứng khoán bùng nổ trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam.

“Chỉ số của chứng khoán ngày càng đi lệch so với nền kinh tế thực, nó không phải là hàn thử biểu của kinh tế thật. Thời kỳ tôi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, một phiên chỉ giao dịch được khoảng 1.500 - 1.800 - 2.000 tỷ đồng. Bình quân thời gian vừa qua khoảng 17.000 - 20.000 tỷ đồng, cá biệt có những phiên 30.000 - 34.000 tỷ đồng, nghẽn cả mạng. Bất động sản cũng đã tăng trong quý I rất mạnh, rất nhiều nơi, sau đó bắt đầu lan sang chứng khoán. Nếu chứng khoán bắt đầu chốt lời, thì lại quay sang bất động sản. Vòng xoáy này sẽ xảy ra, làm áp lực lạm phát trong dài hạn rất to lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến kinh tế vĩ mô”, Chủ tịch Quốc hội cảnh báo.

Một số thách thức khác ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô cũng được Chủ tịch Quốc hội đề cập, như nợ xấu ngân hàng có xu hướng tiếp tục tăng và áp lực gia tăng vốn điều lệ. Trong khi đó, việc xây dựng các khung khổ, thể chế cho 5 năm còn rất khó khăn; quy hoạch sử dụng đất chưa có, gây ách tắc vì không có căn cứ lập kế hoạch đường cao tốc, đường sắt, đường bộ, các dự án đầu tư lớn; nhiều năm không có luật thuế nào được sửa đổi…

Lưu ý năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nhiệm kỳ của Đại hội XIII, mở đầu cho chặng đường 10 năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải xác định ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, trong bối cảnh đang bất định như hiện nay, thì vĩ mô là quan trọng nhất.

Nêu một số quan ngại trong chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội nhận định, nhiều vấn đề đang tác động đến kinh tế vĩ mô. Vì thế, nếu không đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên hàng đầu, thì nhiều chính sách “trật” hết.

“Cần tận dụng tối đa chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy phát triển, nhưng vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng của vĩ mô mà ta đã dày công bao nhiêu năm mới được như thế này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Có giải pháp kịp thời cho chỉ tiêu bất ổn

Nhìn vào kết quả của năm nay cũng như hệ thống chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm tới, Chủ tịch Quốc hội nêu ra không ít băn khoăn, nhất là về an toàn nợ công, tỷ lệ trả nợ.

“Các anh tính thế này, tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách đã hơn 27% rồi, tức là quay lại năm cao nhất - năm 2015, lúc khủng hoảng về nợ công. Thế thì căn cứ đâu mà chúng ta đề xuất những chính sách như thế”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Hồi âm ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Trung ương, của Quốc hội, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì còn rất nhiều hạn chế”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận và cho biết, Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến những hạn chế trong thời gian qua.

Về những giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có báo cáo đầy đủ về việc này để xem sắp tới cần phải có những giải pháp gì.

“Trong đánh giá 6 tháng, lãi suất vẫn ổn định, tỷ giá vẫn ổn định và lạm phát vẫn kiểm soát được. Tuy nhiên, cuối năm, áp lực cũng rất lớn, kể cả những gói hỗ trợ của các nước cũng như nhu cầu sau khi kiểm soát được dịch, thì lạm phát rất cao, song hiện nay chúng ta vẫn kiểm soát được”, Phó thủ tướng khẳng định.

Về chính sách tài khóa, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính phải có số liệu cụ thể để biết được những chỉ tiêu/nội dung bất ổn, nhằm có giải pháp kịp thời.

“Ví dụ, trả nợ hiện nay chiếm bao nhiêu trên tổng chi ngân sách, có ảnh hưởng gì không, hay do đỉnh nợ mà sau khi chúng ta đã có những hợp đồng vay thỏa thuận vay đến thời điểm năm 2021 phải trả cao. Năm 2022 - 2023 như thế nào thì phải có báo cáo cụ thể để có những chính sách kịp thời. Nói như Chủ tịch Quốc hội, để vấn đề này không ổn định thì nguy cơ rất lớn là chúng ta không kiểm soát được tình hình”, Phó thủ tướng cảnh báo.

Sốt ruột vì giải ngân đầu tư công ì ạch

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời kỳ dịch bệnh, yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp và người dân đều giảm, Nhà nước phải đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công.

Hiện nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành vẫn còn rất chậm. “Đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời đề xuất những

giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa. Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm, ách tắc như vừa qua, thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được”, ông Cường nhìn nhận.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tiền vẫn đổ vào ngân hàng, xuất hiện nỗi lo bong bóng chứng khoán
Bất chấp dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, huy động vốn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn tăng mạnh. Đáng chú ý, đã bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư