-
Tăng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2025 từ 10 - 15% -
Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để triển khai kế hoạch 2025 -
Việt Nam cần nhiều nỗ lực và cải cách hơn nữa -
Hợp tác đầu tư của Việt Nam tại Lào tiếp tục đạt kết quả tích cực -
Công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp -
Mức thưởng Tết Ất Tỵ 2025 cao nhất là hơn 1,9 tỷ đồng
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống
Thưa ông, bước sang năm mới, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, những vấn đề gì cần được đặc biệt quan tâm trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua?
Tại Kỳ họp thứ tư, Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua vào chiều 10/11/2022, với 465/466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Mức độ nhất trí rất cao thể hiện sự đồng tình gần như tuyệt đối với mục tiêu tổng quát tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phát biểu kết luận Kỳ họp thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu “phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống”. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động bất lợi, khó lường; trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thì càng khẳng định “ổn định kinh tế vĩ mô” chính là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, không chỉ để thực hiện cho được mục tiêu tổng quát, đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, mà còn là cơ sở cho việc thực hiện, đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đấy là về tổng thể, còn đi vào các vấn đề cụ thể hơn, với nhiều biến động, thị trường vốn, thị trường tài chính đã trải qua nhiều phen sóng gió, niềm tin của nhà đầu tư trong năm 2022 cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian, tập trung thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để Chính phủ điều hành, ổn định thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư, phát triển thị trường lành mạnh và bền vững.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã đưa ra giải pháp để Chính phủ triển khai, đó là tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, đồng thời kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, lành mạnh, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Đây là mục tiêu thách thức trong bối cảnh bức tranh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn màu xám. Hơn nữa, đạt tốc độ tăng trưởng cao trên nền tăng trưởng khoảng 8% của năm 2022 cũng là thách thức lớn.
Bài học thành công cho năm 2023 là giữ vững ổn định vĩ mô, đồng thời tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, lấy duy trì ổn định vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” khó lường của tình hình quốc tế.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, song vẫn tháo gỡ được những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, theo ông, điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ trong bối cảnh của năm 2023 cần có những thay đổi gì?
Để đạt được mục tiêu, thực hiện các nhiệm vụ được Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt ra, chúng ta phải có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, trước hết là tiếp tục tâm thế điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ kết hợp với các chính sách khác một cách chủ động, hài hòa như thời gian vừa qua; tập trung chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển cân bằng thị trường tài chính, tăng mức độ tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào; chú trọng nâng cao chất lượng thể chế (gồm cả thể chế cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn), giải quyết các điểm yếu về xã hội - môi trường (năng lực y tế, chất lượng giáo dục, giảm khí phát thải và tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu…).
Cụ thể hơn, về chính sách tiền tệ, cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%...
Đối với chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nhưng có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả của đầu tư công. Trong chi ngân sách nhà nước, cần tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, cần rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo ý kiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như nhiều chuyên gia, cần nghiên cứu để tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế, giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số mặt hàng; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp…
Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua vào chiều 10/11/2022. Ảnh: Duy Linh |
Năm 2023, các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ phát huy hiệu quả sâu rộng hơn
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vốn được kỳ vọng sẽ tạo năng lực mới cho nền kinh tế, đến nay đã hơn nửa chặng đường, ông nhìn nhận như thế nào về quyết sách lớn này của Quốc hội?
Tại bất thường lần đầu tiên trong lịch sử vào đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với quy mô, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chương trình được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho một số ngành, lĩnh vực với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể; trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm...; đồng thời xem xét, quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế.
Đến nay, Chương trình đã đi được gần nửa chặng đường, Chính phủ đã quyết liệt triển khai, đã đạt được kết quả rất tích cực và có thể nói, Nghị quyết 43/2022/QH15 cùng các quyết sách quan trọng khác của Đảng, Nhà nước đã góp phần để Việt Nam có kết quả toàn diện và nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng cho thấy còn một số hạn chế. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn một số điều kiện bất cập dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng; các thủ tục hành chính, điều kiện để được hưởng chính sách tại một số thời điểm còn chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, theo thống kê sơ bộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến đầu tháng 12/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt hơn 71.500 tỷ đồng. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai còn chậm; ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 30/11/2022 mới đạt 58,33%.
Đáng chú ý là, đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đến cuối tháng 10/2022, các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng.
Nguyên nhân của kết quả hạn chế này được Ngân hàng Nhà nước lý giải là do các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, xác định đối tượng khách hàng “có khả năng phục hồi”. Bên cạnh đó, khách hàng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Rõ ràng, khi ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất này, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về vốn. Đến nay, qua những biến cố lớn trên thị trường vốn, thì khó khăn này thậm chí còn có phần trầm trọng hơn. Chính sách kịp thời, nguồn cũng đã bố trí, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận hoặc không muốn tiếp cận thì cần phải xem xét lại.
Ủy ban Kinh tế cũng đồng quan điểm với một số chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, cần thiết phải xem xét điều chỉnh, hoàn chỉnh một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2%. Việc đánh giá các chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 để kịp thời báo cáo điều chỉnh nguồn lực giữa các chính sách để phát huy tối đa hiệu quả là điều cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, về tổng thể, tôi tin rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức, năm 2023 sẽ là năm các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, nhất là việc giải ngân các dự án trong danh mục dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Kinh tế cũng như các cơ quan khác của Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này cũng như các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... để nhìn nhận rõ được hạn chế, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp hiệu quả để có thể triển khai trong thực tế một cách tốt hơn.
Xin ông chia sẻ dự cảm của mình về năm mới 2023. Theo ông, các nhà đầu tư có thể sớm lấy lại niềm tin sau những cú sốc lớn từ các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... của năm cũ hay không?
Với những biến động khó lường của tình hình thế giới cùng với đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong khi lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, với tính chất nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn trong khi khả năng tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, thì thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta trong năm 2023 là hiện hữu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi đầu tháng 10/2022 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 xuống còn 2,7% so với mức dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 7/2022, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khốc liệt hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa thế giới, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, cũng như tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu.
Đầu tháng 12/2022, khi phát biểu tại Hội nghị Reuters NEXT, Chủ tịch IMF cũng đề cập nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, dưới mức 2% và bày tỏ quan ngại nguy cơ này có thể gia tăng.
Với Việt Nam, giống như nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như tôi đã phát biểu ở Phiên họp tháng 12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, doanh nghiệp vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro. Lãi suất, tỷ giá phải điều chỉnh tăng để ứng phó với những áp lực bên ngoài trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập..., dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.
Trong Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã yêu cầu tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập các tổ công tác để giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều hết sức quan tâm và đã sớm có những chủ trương, định hướng chính sách để sớm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, trong đó có những giải pháp điều hành, có những giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế...
Tôi hy vọng, các giải pháp khi được triển khai, sẽ giúp tháo gỡ hiệu quả để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, mang lại sức sống mới cho doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2023.
“Chúng tôi vẫn rất bận rộn”
Nếu có thể, xin ông chia sẻ một số công việc trọng tâm của Ủy ban Kinh tế trong năm mới?
Như thường lệ, chúng tôi vẫn rất bận rộn. Năm 2022, ngay từ khi Quốc hội đang họp kỳ cuối năm, chúng tôi đã được giao nhiệm vụ vô cùng khó, chưa có tiền lệ là thẩm tra Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, sẽ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến, dự kiến diễn ra ngay đầu tháng 1/2023 tới đây.
Cũng ở thời điểm đầu năm 2023, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến nhân dân. Là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế sẽ phải theo sát việc lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023). Đồng thời, chuẩn bị thẩm tra một dự án luật hết sức quan trọng với thị trường bất động sản là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và tham gia thẩm tra các dự án luật khác khi có yêu cầu...
Đó chỉ là những việc lớn cần được tập trung triển khai ngay những ngày đầu của năm mới, còn để thực hiện toàn diện các mặt công tác của Ủy ban Kinh tế thì rất nhiều đầu việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giám sát việc thực hiện Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023.
Bên cạnh nội dung thẩm tra về kinh tế - xã hội theo thông lệ, năm 2023, Ủy ban Kinh tế còn thẩm tra Báo cáo giữa kỳ của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan Quốc hội trong việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành khảo sát, giám sát các nghị quyết của Quốc hội về nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I...
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.
-
Việt Nam cần nhiều nỗ lực và cải cách hơn nữa -
Hợp tác đầu tư của Việt Nam tại Lào tiếp tục đạt kết quả tích cực -
Công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp -
Công nhận thành phố Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình -
Bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ -
Mức thưởng Tết Ất Tỵ 2025 cao nhất là hơn 1,9 tỷ đồng -
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải cơ sở đặt mục tiêu tăng trưởng cao năm 2025
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả
- Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Doanh nghiệp nhỏ chạy nước rút ăn Tết
- Tổng kho TTC Đặng Huỳnh: Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
- Hội viên Techcombank Inspire tưng bừng chào đón năm mới “cực chất” The Global Celebration Countdown Party