Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Ông Bruno Jaspaert: Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn
Thanh Sơn - 24/08/2023 11:27
 
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...) tiếp tục mang lại các lợi ích và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư.

Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng 6 - 7% trên tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, với mức tập trung lớn nhất là 44% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trình bày bài tham luận về Triển vọng dòng vốn mới nhìn từ thực tiễn tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ: “Ngày hôm nay, chúng ta đang nói về thu hút dòng vốn mới, đặc biệt dòng vốn từ nước ngoài mà chúng ta có được là dòng vốn tốt nhất hiện nay. Thực sự, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn”.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C trình bày bài tham luận về Triển vọng dòng vốn mới nhìn từ thực tiễn
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C trình bày bài tham luận về Triển vọng dòng vốn mới nhìn từ thực tiễn.

Đầu tư tại Việt Nam là một vấn đề phức tạp, tuy nhiên, nhà đầu tư luôn có được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong chính sách đầu tư, cũng như sự hỗ trợ rất cụ thể từ phía chính quyền địa phương trong kinh doanh tại Việt Nam.

Và đâu là giữ động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Theo ông Bruno, thứ nhất, Việt Nam đang là quốc gia cởi mở nhất khu vực Đông Nam Á nhờ vào các FTA. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...) tiếp tục mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, đó là giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN.

Thứ ba, xu hướng Trung Quốc +1 trở thành kênh quan trọng đối với Việt Nam, góp phần thu hút khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất chuyển ra nước ngoài.

Cuối cùng, đó là việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển thì tự động những thứ còn lại sẽ đi theo. Đầu tư công vào đổi mới cơ sở hạ tầng quốc gia chiếm 52% kế hoạch chi tiêu công 2021 - 2025 (Quyết định 29/2021/QH15) và khi đó, khu vực công nghiệp sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.

Chia sẻ tại phiên thảo luận “Nhận diện các dòng vốn mới”, ông Bruno Jaspaert cho rằng, nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng tăng. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo do áp dụng thuế carbon.

Các diễn giả tham gia Phiên 1 tại Diễn đàn
Các diễn giả tham gia Phiên 1 tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2023.

Việt Nam ngày nay thực sự trở thành một địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Việt Nam có nhiều lợi thế như vị trí địa lý, môi trường đầu tư có sức hút, ổn định chính trị, đặc biệt là về mặt tăng trưởng kinh tế, nhưng việc các nhà đầu tư có thể tận dụng được điều đó hay không, một phần lại tùy thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. 

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ gặp phải 2 vấn đề lớn trong tương lai cần lời giải từ hôm nay, gồm lao động và năng lượng. Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dân số dưới độ tuổi lao động đang ít dần. Trong tương lai, Việt Nam sẽ có ít lao động hơn và có thể nhiều người sẽ không đồng ý làm việc với mức lương thấp. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc những nhà đầu tư đến chỉ vì chi phí lao động rẻ.

Vấn đề thứ hai là năng lượng. Dự đoán trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi có quá nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay.

“Tôi kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và Việt Nam có dư địa rất lớn để thực hiện điều đó”, ông Bruno nhấn mạnh.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ ý kiến tại Phiên 1 của Diễn đàn
Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ ý kiến tại Phiên 1 của Diễn đàn.

Theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng của Việt Nam sẽ có tác động đến dòng các nhà đầu tư thứ cấp do các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ bị giảm bớt.

Đối với khí thải carbon, các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hiện được yêu cầu đo lường và cải thiện lượng khí thải carbon của họ. Điều này là do một số tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính mới đã được áp dụng trong những năm gần đây. Các nhà đầu tư thứ cấp trong tương lai trong khu công nghiệp sinh thái có thể hưởng lợi từ các ưu đãi bổ sung sẽ bù đắp tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Chia sẻ về hiệu quả kinh doanh của DEEP C tại Việt Nam, ông Bruno cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp sinh thái như DEEP C trong hoạt động thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Với mô hình kết hợp khu công nghiệp chất lượng cao với hạ tầng cảng nội khu và các tiện ích xanh, bền vững, DEEP C được coi là một dự án đầu tư thành công điển hình của châu Âu và Việt Nam.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C.

Đánh giá xu hướng thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Bruno cho rằng, các tỉnh phía Bắc đang có được ảnh hưởng đầu tư và dư địa tăng trưởng lớn nhất trong cả nước. Điều này hoàn toàn không phải thị trường phía Nam ít hấp dẫn hơn.

"Tôi tin rằng, thị trường miền Nam có rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, mặt bằng ở miền Nam đang ngày càng bị giới hạn, tiền công lao động cao hơn và giá cả sinh hoạt cũng cao hơn so với miền Bắc. Nếu ta so sánh việc kinh doanh buôn bán giữa miền Nam và miền Bắc sẽ thấy miền Bắc có thể có các yếu tố tốt hơn. Tuy nhiên, chắc chắn miền Bắc không phải là nơi duy nhất để các nhà đầu tư lựa chọn, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng thích hợp hay cơ sở sản xuất nằm gần chuỗi cung ứng của chính các nhà sản xuất”, ông Bruno nhận định.

Các diễn giả của Phiên 1 “Nhận diện các dòng vốn mới” của Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 nhận kỷ niệm chương của Ban Tổ chức
Các diễn giả của Phiên 1 “Nhận diện các dòng vốn mới” của Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 nhận kỷ niệm chương của Ban Tổ chức.

Tương lai của bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam rất nhiều triển vọng. “Theo dự đoán cá nhân, trong khoảng 7 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tôi cũng tin rằng, các khu công nghiệp sinh thái sẽ ngày càng mở rộng”, ông Bruno nói.

Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới của DEEP C, DEEP C luôn có kế hoạch tiếp tục mở rộng tại Việt Nam khi tìm được địa điểm và đối tác thích hợp cũng như cơ sở pháp lý thuận lợi. DEEP C không loại trừ việc vẫn có thể tiếp tục mở rộng thêm ở khu vực miền Bắc, miền Trung, hoặc là miền Nam.

"DEEP C đang phân tích nhiều dự án khác nhau trên cả nước. Không phải tất cả các dự án đều khả thi, nhưng DEEP C vẫn đang tích cực tìm kiếm địa điểm thích hợp để xây dựng. Mục tiêu của DEEP C trong năm 2023 và những năm tới chính là phát triển nhanh hơn, xanh hơn và khác biệt với tất cả những KCN khác tại Việt Nam", ông Bruno chia sẻ.

Việt Nam cần thêm chương trình tín dụng để thu hút nhà đầu tư quốc tế
Đây là kiến nghị của ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial khi đề cấp cách thức thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư