Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Ông Hồ Đức Phớc: “Nói phải củ cải cũng nghe”
Nguyễn Lê - 07/04/2021 10:00
 
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, với công việc của một Tổng Kiểm toán Nhà nước 5 năm qua, ông không gặp bất cứ áp lực gì, vì “nói phải củ cải cũng nghe”.

Liên quan đến công việc của Kiểm toán Nhà nước, 5 năm qua, tranh luận gay gắt trên nghị trường cũng có, gửi công văn phản ứng kết quả kiểm toán cũng có, tỏ thái độ không đồng tình khi trao đổi với báo chí cũng có, song nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (vừa được Quốc hội miễn nhiệm) khẳng định, ông không gặp bất cứ áp lực gì, vì “nói phải củ cải cũng nghe”.

Nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: Duy Linh

Nhận trọng trách Tổng kiểm toán Nhà nước 5 năm trước, qua một nhiệm kỳ nhiều sóng gió của nền kinh tế, đến nay nhìn lại, ông có thấy công việc phức tạp, nặng nề hơn so với hình dung ban đầu không, thưa ông?

Tôi cũng thấy bình thường. Điều có thể khẳng định qua một nhiệm kỳ công tác là kiểm toán là một thiết chế độc lập hết sức cần thiết và quan trọng; là công cụ rất hữu hiệu của Đảng và Nhà nước để ngăn chặn sai phạm, uốn nắn những lệch lạc; là công cụ phòng chống tham nhũng và đặc biệt là phòng tham nhũng rất tốt.

Thứ nhất, thông qua hoạt động kiểm toán, các đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công hay các đơn vị phải kiểm toán sẽ biết được hạn chế, nhược điểm, sai phạm và những vấn đề chưa làm được; được cảnh báo những vấn đề sai hoặc sẽ dẫn đến sai phạm.

Hai là, kết quả kiểm toán là cơ sở để xử lý những vấn đề sai phạm đã xảy ra, truy thu lại tiền cho Nhà nước, chống thất thoát.

Vấn đề thứ ba cực kỳ quan trọng là hoàn thiện luật pháp, vì luật pháp có những quy định xung đột với nhau, hoặc các văn bản dưới luật cũng có những quy định xung đột, vướng mắc, khiến các đơn vị lúng túng; hoặc văn bản đó không phù hợp quy định chung, không phù hợp thực tiễn, thì Kiểm toán Nhà nước kiến nghị để các cơ quan quản lý tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành để sửa các thông tư, nghị định cho phù hợp.

Đó chính là tháo gỡ những “nút thắt” cho phát triển kinh tế đất nước, tháo gỡ “nút thắt” cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiệm kỳ này, Kiểm toán Nhà nước cũng mở rộng các lĩnh vực kiểm toán, tức là không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán việc tuân thủ pháp luật, mà còn đi vào kiểm toán hoạt động để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của một nội dung, hoạt động kinh tế hay một chuyên đề nào đó để xác định trách nhiệm, hiệu quả công tác của người đứng đầu. Điều này cực kỳ quan trọng.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kết quả kiểm toán, nhất là việc kiến nghị sửa đổi văn bản, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra một “bước lùi” là nhiệm kỳ này thực hiện kiến nghị liên quan đến hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản còn thấp (136/786 văn bản kiến nghị), thấp hơn so với nhiệm kỳ trước. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Về phía Kiểm toán Nhà nước, phát hành báo cáo kiểm toán là hoàn thành trách nhiệm chuyên môn cao nhất. Báo cáo đó có nêu những kiến nghị yêu cầu các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện; sau đó Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại. Tuy nhiên, việc sửa đổi văn bản phải có thời gian, phải qua quy trình chặt chẽ, nên không theo kịp mong muốn. Nhiệm kỳ này sửa 136 văn bản là cố gắng lớn, nhưng tới đây phải đẩy nhanh tốc độ việc sửa đổi này.

Khi thảo luận tại hội trường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và đại biểu đều đề nghị, cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý. Theo ông, đây có phải là giải pháp hữu hiệu không?

Kiểm toán Nhà nước đã gửi văn bản đến Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nêu rõ cơ quan ban hành, nội dung cần sửa và đã gửi thông tin rất cụ thể.

Thưa ông, trong những vấn đề được Kiểm toán Nhà nước nêu tại nhiệm kỳ, thì hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua lại bắt buộc được các đại biểu rất quan tâm. Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo, việc tái cơ cấu các ngân hàng mua lại bắt buộc được đánh giá là chậm, chưa triệt để. Thực trạng tài chính của các ngân hàng mua lại bắt buộc không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn. Cá nhân ông khi thảo luận cũng cảnh báo, các ngân hàng này mỗi năm lỗ hàng ngàn tỷ đồng, phải tập trung giải quyết càng sớm càng tốt. Vậy đến nay, tình hình các ngân hàng mua lại bắt buộc thế nào, có nguyên nhân từ chậm sửa đổi quy định liên quan không?

Vấn đề của các ngân hàng này, Chính phủ đang tập trung xử lý, chắc chắn sẽ tốt. Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán một lần vào năm 2017, thông tin cập nhật hơn phải hỏi Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm toán là công việc không tránh được những “va chạm”, thực tế đã có người đứng đầu cơ quan được kiểm toán phản ứng khá gay gắt về kết quả kiểm toán. Để hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, ông có “bí quyết” gì?

Trong bất cứ tình huống nào cũng phải tôn trọng sự thật, chấp hành đúng quy định của luật và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Ông cha ta có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”. Đưa ra kết quả công bằng, khách quan là hết sức quan trọng, đòi hỏi người làm kiểm toán phải có đủ bản lĩnh.

Dù có thể có va chạm, nhưng vẫn bảo vệ kết quả kiểm toán theo đúng thực trạng đã phát hiện, có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng, thì vẫn phải thực hiện để uốn nắn các sai sót có thể xảy ra.

Để bảo vệ sự thật, ông có gặp khó khăn, áp lực gì không?

Không. Tôi không bị bất cứ áp lực hay khó khăn gì. Tôi nghĩ, công việc là công việc, còn tình cảm với anh em, đồng chí là chân thành, hòa đồng. Trong công việc, mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ, thì mỗi người cần hoàn thành công việc của mình và mọi người phải hiểu, thông cảm cho nhau.

Sáng nay (7/4), Quốc hội đã phê chuẩn người kế nhiệm ông. Ông có đúc kết gì qua cả nhiệm kỳ về công việc của Tổng kiểm toán Nhà nước và nhắn nhủ đến người kế nhiệm mình?

Độc lập, liêm chính, khách quan, chuyên nghiệp, đó là những điều cần có để hoàn thành nhiệm vụ.

Ông tự đánh giá mình đã đạt được mức độ nào của các yêu cầu nói trên?

Tôi luôn nỗ lực hết mình, còn kết quả thế nào do mọi người đánh giá.

Ông Trần Sỹ Thanh chính thức gánh vác trọng trách Tổng Kiểm toán Nhà nước
Sáng 7/4, Quốc hội đã bỏ phiếu kín bầu ông Trần Sỹ Thanh giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư