Thứ Hai, Ngày 12 tháng 05 năm 2025,
Ông Trump ca ngợi các cuộc đàm phán với Trung Quốc, giới đầu tư thấp thỏm chờ tin
Đông Phong - 11/05/2025 15:50
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào ngày 10/5, cho biết hai bên đã đàm phán "thiết lập lại hoàn toàn ... theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Hai bên "đã đạt được tiến triển lớn"

"Một cuộc họp rất tốt đẹp hôm nay với Trung Quốc, tại Thụy Sĩ. Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí", Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết thêm: "Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ. Đã đạt được tiến triển lớn!!!"

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc hôm 10/5 đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại đe dọa làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Hai bên tiếp tục các cuộc đàm phán vào ngày 11/5, Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết.

Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng (Hà Lập Phong) đã họp khoảng tám giờ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế quan lên hàng hóa của nhau lên tới hơn 100%.

Không bên nào đưa ra bất kỳ tuyên bố về nội dung thảo luận cũng như không đưa ra tín hiệu tiến triển cụ thể nào hướng tới việc cắt giảm thuế quan khi các cuộc họp tại dinh thự của Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc kết thúc vào khoảng 8 giờ tối, theo giờ địa phương.

Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều tuần căng thẳng leo thang do đòn áp thuế mà Tổng thống Trump kích hoạt vào tháng 2 sau khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng và sau đó là các hành động trả đũa từ Bắc Kinh khiến gần 600 tỷ USD thương mại song phương hàng năm rơi vào tình trạng bế tắc.

Tranh chấp thương mại, cộng với kế hoạch mà Tổng thống Trump công bố vào tháng trước về việc áp thuế đối với hàng chục quốc gia khác, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy các thị trường tài chính rơi vào bất ổn và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.

Phản ứng của giới đầu tư

Các nhà đầu tư hy vọng rằng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và xua tan một số bất ổn đang bao trùm thị trường tài chính.

"Đây là ví dụ điển hình của tất cả các cuộc đàm phán", ông Alejo Czerwonko, giám đốc đầu tư của Emerging Markets Americas thuộc tập đoàn tài chính UBS, nhận xét.

"Có hàng trăm tỷ đô la thương mại đang bị đe dọa, mức thuế 145% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc tương đương với một số loại lệnh cấm vận trên thực tế và những xung đột đã vượt xa vấn đề thương mại", ông Czerwonko nói thêm.

Nhiều nhà đầu tư cho biết họ không mong đợi những đột phá lớn trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào cuối tuần này, bất luận Tổng thống Trump đã hé lộ về mức thuế 80% "có vẻ hợp lý" đối với Trung Quốc trước khi hai bên bắt đầu đàm phán.

"Chúng tôi vẫn hoài nghi rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến một 'sự thỏa hiệp lớn'", ông Thierry Wizman, chiến lược gia ngoại hối và lãi suất toàn cầu tại Macquarie, cho biết.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể muốn, hoặc thậm chí cần, đạt được một thỏa thuận, theo bà Liqian Ren, giám đốc công ty Modern Alpha thuộc WisdomTree Asset Management. Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng ở giai đoạn đầu này, có vẻ như có rất ít động lực để thực hiện điều đó một cách nhanh chóng.

"Mỗi bên vẫn muốn xem bên kia ứng phó với những trở ngại tiêu cực như thế nào", bà Ren nói. "Hiện tại, thị trường có thể hơi lạc quan một chút về những gì Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được và tốc độ diễn biến của các sự kiện", nhà phân tích của WisdomTree Asset Management đánh giá.

Xung đột thương mại giữa hai siêu cường kinh tế tiếp tục leo thang vào tháng trước, khi Mỹ tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên tới 145%, và sau đó Trung Quốc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên 125%.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 đến nay vẫn giảm khoảng 8% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 và giảm khoảng 4% kể từ đầu năm đến nay.

Biến động thị trường vẫn tiếp diễn. Chỉ số Cboe Volatility Index, thước đo mức độ lo lắng của nhà đầu tư dựa trên quyền chọn, dao động quanh mức 22 vào cuối ngày 9/5  - thấp hơn nhiều so với mức cao đóng cửa gần đây là 52,33 vào đầu tháng 4, nhưng cao hơn mức trung bình dài hạn là 17,6.

Một trong những yếu tố hạn chế sự biến động đó cho đến nay là chi phí cao để thiết lập các vị thế bán khống đặt cược vào sự sụt giảm của thị trường trong tương lai, theo đại diện của WisdomTree Asset Management.

"Khi một (bài đăng trên mạng xã hội) duy nhất của Tổng thống Mỹ có thể khiến thị trường biến động 10%, thì việc thiết lập các vị thế đó trở nên rất tốn kém", bà Ren lưu ý.

Tuy nhiên, thị trường vẫn sẵn sàng cho nhiều biến động hơn nữa trong tương lai, theo ông Matt Gertken, trưởng bộ phận phân tích chiến lược địa chính trị tại công ty nghiên cứu đầu tư BCA. Ông Gertken nói rằng lời khuyên tốt nhất lúc này là "bán ra khi thị trường mạnh".

Trong khi đó, ông Andrew Mattock, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews Asia, cho biết bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào trong các cuộc thảo luận ban đầu giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung đều được hoan nghênh và cho phép Trung Quốc dành nhiều sức lực hơn cho các vấn đề kinh tế trong nước.

Sau khi Mỹ tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh - quốc gia mà Washington ghi nhận thặng dư thương mại, ông Claudio Irigoyen, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại công ty chứng khoán BofA Securities thuộc ngân hàng Bank of America, đã cảnh báo rằng các thỏa thuận khác sẽ khó đạt được hơn, trong đó thỏa thuận với Trung Quốc là khó khăn nhất.

"Tôi có thể thấy các thỏa thuận thương mại sắp đạt được với Ấn Độ, Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc", ông Irigoyen nói. "Trung Quốc - đây là trường hợp phức tạp nhất và sẽ là quốc gia cuối cùng", một phần vì mối quan hệ địa chính trị bị vướng vào các mối quan hệ thương mại, đại diện BofA Securities nhận định.

Tổng thống Trump gợi ý giảm thuế trước thềm đàm phán Trung - Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/5 cho rằng, mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc "có vẻ hợp lý". Đây là lần đầu tiên ông đưa ra một giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư