Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
OPEC+ đạt thoả thuận gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 7
 
OPEC+ đã đồng ý gia hạn thêm một tháng cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ thêm cho việc phục hồi của giá dầu.

Theo đó, OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 7, thay vì giảm 7,7 triệu thùng sau tháng này như kế hoạch trước đó.

Ngoài ra, Iraq và Nigeria đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp kiềm chế sản xuất và giảm thêm sản lượng từ tháng 7 đến tháng 9 để bù đắp cho việc không đạt được mục tiêu vào tháng 5 và tháng 6, các đại biểu cho biết.

Thoả thuận này là chiến thắng cho cả Ả Rập Xê Út và Nga khi 2 quốc gia này đã dành cả tuần để thuyết phục các quốc gia thành viên thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đồng thời là Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết, ông đã liên tục thúc đẩy các quốc gia thành viên ngừng gian lận trong áp đặt hạn ngạch kể từ cuộc gặp vào năm ngoái.

Giá dầu đã tăng hơn gấp đôi lên 42,3 USD/thùng kể từ đầu tháng 4 do các trader dự đoán nguồn cung sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn cũng như nhu cầu dầu dần hồi phục trở lại sau khi dỡ bỏ phong toả. Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Sáu (5/6) đã khen ngợi OPEC và các đồng minh của mình đã cứu ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

OPEC+ hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu bằng cách đẩy thị trường vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung vào tháng tới, sử dụng một cơ cấu giá gọi là “backwardation” (bù hoãn bán là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, gợi ý về sự thiếu hụt nguồn cung trong thị trường giao ngay) để giảm dần lượng thùng dầu tích trữ trong suốt mùa đại dịch.

OPEC+ sẽ gặp lại vào nửa cuối tháng 6 để xem xét lại về thị trường dầu mỏ. Các cuộc thảo luận được lên kế hoạch vào ngày 18/6 và dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC). Mục đích của cuộc gặp này có thể đề nghị gia hạn thêm thời gian cắt giảm sản lượng nếu cần thiết và đưa mức cắt giảm tới tháng 8, một đại biểu cho biết.

Thông thường, OPEC thường có truyền thống chậm trễ trong việc cam kết cắt giảm sản lượng, nhưng lần này một số nhà phân tích cho rằng lần này đã khác đi.

“Tất cả mọi người đều xem trọng thoả thuận này. Tuy nhiên, cơ chế thực thi ở đây là gì? Tôi rất muốn biết các tổ chức sẽ làm thế nào để làm cho những quốc gia gian lận sẽ trở nên tuân thủ cam kết hơn”, theo Jan Stuart, chuyên gia kinh tế năng lượng toàn cầu tại Cornerstone Macro LLC.

Bên cạnh đó, còn có một rủi ro khác cho mục tiêu giá dầu của OPEC+ là sự trở lại của Libya. Cuộc nội chiến tại quốc gia này đã làm tạm ngưng nguồn cung hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, giúp OPEC+ tái cân bằng thị trường, nhưng khi cuộc nội chiến dần chấm dứt thì sẽ mở ra cơ hội khôi phục dần dần nguồn cung.

Tại thời điểm hiện tại, các quốc gia thành viên của OPEC+ có thể đang tận hưởng sự tăng giá của giá dầu do thoả thuận cắt giảm sản lượng. Sự hồi phục này đã làm giảm bớt áp lực lên ngân sách của các quốc gia giàu nguồn dầu mỏ và đồng thời cũng khôi phục các công ty năng lượng từ Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil đến các công ty dầu đá phiến như Parsley Energy Inc.

Tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2021
Có thể phải đến nửa sau năm 2021, tùy vào tăng trưởng kinh tế, mới dùng hết lượng dầu dư thừa trên toàn cầu hiện nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư