Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
PCI 2022: Cuộc đua giữa các thực tiễn tốt
Khánh An - 12/04/2023 09:24
 
Cuộc cạnh tranh thứ hạng của chính quyền các địa phương trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang tạo nên những mô hình cải cách thực chất ở cấp cơ sở.
,
Các địa phương Top 10 PCI năm 2022

Cuộc đua không ai đứng ngoài

Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông đứng ở phía dưới Hội trường khi Lễ vinh danh Top 10 địa phương có điểm số PCI 2022 tốt nhất đang diễn ra vào sáng 11/4 tại Hà Nội. Năm nay, với cách điểm danh Top 30 trong Báo cáo PCI, thay vì xếp hạng 63 tỉnh, thành phố, các địa phương ở nửa phía sau gần như không được nhắc đến nhiều.

“Tôi vừa lên chúc mừng lãnh đạo Bắc Giang lần đầu tiên vào Top 2 sau khi vượt gần 29 bậc. Song, chúng tôi cũng chia sẻ với nhau, vui nhưng mà lo, áp lực rất lớn khi địa phương nào cũng đang nỗ lực hết sức”, ông Danh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Trong báo cáo PCI 2022, Đắk Nông cũng là một điểm sáng khi đạt được mức tăng 14 bậc, lên thứ 38/63, với rất nhiều nỗ lực của địa phương có mặt liên tục ở 3 thứ hạng cuối cùng trong nhiều năm qua. Năm 2022, tỉnh ghi điểm ở chỉ số minh bạch đạt 6,34 điểm, xếp thứ 17/63 và tăng 43 bậc so với năm 2021; chi phí thời gian xếp thứ 6/63; tính năng động của chính quyền tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành...

Tuy vậy, Bí thư Đăk Nông thừa nhận, không dễ để lọt vào nhóm đứng đầu PCI khi các điều kiện về địa lý, cơ sở hạ tầng của Đăk Nông không thể so sánh với nhiều địa phương, khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp vì thế sẽ cao. Những năm đầu tái lập tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã vượt hàng trăm cây số từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đăk Nông tìm hiểu, nhưng rồi không ở lại vì các điều kiện hạ tầng, giao thông kém phát triển.

“Dù chúng tôi có thể sẽ rất khó có mặt trong tốp đầu PCI, nhưng chúng tôi tự tin về môi trường đầu tư thân thiện, sự cầu thị của đội ngũ công chức địa  phương”, ông Danh chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên ông Danh đề cập đến việc này. Trong khảo sát PCI 2022, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành, cấp huyện đang nổi là điểm nóng, khi có tới 45,2% doanh nghiệp đánh giá các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương của lãnh đạo tỉnh, thành phố, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 31,9% trong khảo sát PCI 2021. Tương tự, có tới trên 50% doanh nghiệp cho rằng chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 36% của năm 2021...

Song, cũng phải thẳng thắn, nguyên nhân không chỉ đến từ cấp cơ sở. Sự phức tạp, chồng chéo trong nhiều quy định khiến cấp thực thi ngần ngại trong quyết định. Trong khảo sát PCI 2022, điểm sáng về sự minh bạch trong tiếp cận thông tin, lần đầu tiên đạt mức 3,15 trên thang điểm 5 – mức cao nhất từ trước tới nay, có thể thấy cấp cơ sở đã có thay đổi đáng kể trong sự chia sẻ với các doanh nghiệp.

“Tôi động viên anh em cứ làm đúng trách nhiệm, trừ phi cố tình làm sai, còn đúng chúng tôi sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện. Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc cà phê doanh nhân để tiếng nói của doanh nghiệp đến được các cấp lanh đạo. Nếu các cán bộ công chức mà sợ trách nhiệm thì Đăk Nông không thể có sự thăng hạng như vậy đâu”, ông Danh thẳng thắn.

Kế hoạch của "ngôi sao" mới

Trong báo cáo PCI 2022, Bắc Giang được nhắc đến là một điểm sáng nối bật khi “bỏ qua” giai đoạn quá độ, chưa từng có mặt trong Top 10 PCI, đã ghi điểm ngay ở ngôi Á quân.

Thực tiễn tốt của Bắc Giang được ghi nhận ở điểm số tốt nhất cả nước trong chỉ số Chi phí không chính thức (đồng hạng với Bến Tre) và chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Bắc Giang đứng thứ hai về Chỉ số cạnh tranh bình đẳng, đứng thứ 3 về Tính năng động và tiên phong.

Có thể thấy Bắc Giang đã chạm được vào những điểm vẫn được coi là khó giải nhất của môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngay trong Báo cáo PCI 2022, tình trạng chỉ trả chi phí không chính thức dù duy trì xu hướng giảm nhưng vẫn có tới 42,6% doanh nghiệp buộc phải thực hiện điều này; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến lên tới 71,7%, cao hơn rất nhiều tỷ lệ 57,4% của kỳ báo cáo 2021.

Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI đã nhắc tới cuộc thi trực tuyến tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Bắc Giang tổ chức trong 2 năm 2021-2022. Năm 2022, trong danh sách các đơn vị đoạt giải cao, có Ban quản lý khu công nghiệp giải Nhất; Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt giải Nhì...

“Cách làm này đã thay đổi rất lớn nhận thức của toàn hệ thống chính quyền về cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Trong đánh giá của khu vực doanh nghiệp FDI, Bắc Giang cũng ở vị trí thứ 7/63 có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng sản xuất cao trong vòng 2 năm tới”, ông Tuấn nhận xét.

Hơn thế, Bắc Giang là địa phương duy nhất đứng đầu nhiều chỉ số thành phần nhất trong Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) mà VCCI lần đầu công bố.

Trong các cuộc trao đổi bên lề, khá nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, Bắc Giang là ứng cử viên sáng giá cạnh tranh thứ hạng số 1 của PCI các năm tới đây, nhất là quý I/2023, Bắc Giang đang đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ thu hút đầu tư... 

Song, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lại không muốn chia sẻ nhiều về thứ hạng mới.

“Địa phương nào cũng cố gắng để có được vị trí cao hơn, vượt qua chính mình, nhưng mục tiêu không phải là thứ hạng mà là để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế. PCI là công cụ để chúng tôi thực hiện được điều này. PCI có 141 chỉ số, còn nhiều chỉ số chúng tôi phải cải thiện tốt hơn”, ông Dương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi nhận cúp vinh danh Top 2 PCI 2022.

Ông Dương cũng chia sẻ, áp lực của thứ hạng PCI không hề nhỏ, khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng. “Quyết tâm của cả hệ thống chính trị là điều mà chúng tôi tự tin khi chia sẻ về các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư”, ông Dương nói.

Không có tới hạn về cải cách  

Lễ công bố PCI hàng năm thường là điểm bắt đầu lịch làm việc của nhóm nghiên cứu PCI và các địa phương, để mổ xẻ chi tiết từng chỉ số thành phần trong PCI. Nhưng năm nay, công việc này có vẻ đến sớm hơn.

“Chúng tôi đã nhìn thấy điểm cần cải thiện, phải thay đổi và đã bắt đầu thực hiện, dù ngắn hạn chưa thể cải thiện ngay, nhưng trung và dài hạn rất rõ ràng”, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bắc Ninh nói.

Trong bảng xếp hạng PCI 2022, Bắc Ninh vẫn giữ vị trí thứ 7 như kỳ xếp hạng trước, nhưng trong bối cảnh rất khác so với mọi năm. Quý I/2023, Bắc Ninh là địa phương đứng cuối bảng về tốc độ tăng trưởng, có mức – 11,85%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm tới 18,7%, trong đó mảng trọng điểm là điện tử, vi tính, quang học giảm trên 19%.

Việc phụ thuộc vào sức khỏe của kinh tế thế giới là bài học cho Bắc Ninh trong quá trình phát triển, nhưng cũng là cơ hội để Bắc Ninh chọn con đường phát triển đa dạng hơn.

“Chúng tôi đã xác định cần đa dạng hóa các nguồn lực phát triển, kênh phát triển, phân tán rủi ro theo nghĩa nếu có khó khăn thì an toàn hơn nhưng trong phát triển thì sẽ tạo ra nhiều động lực phát triển. Để thực hiện được, để thu hút được các nhà đầu tư đi cùng sẽ là bài toán mà chúng tôi phải giải”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhưng cũng có nghĩa bài học thành công giai đoạn vừa qua sẽ chỉ là nền tảng để Bắc Ninh và nhiều địa phương tìm kiếm cách tiếp cận mới.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: "Long An cần doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp cần Long An".
"Sự vượt bậc của Bắc Giang và nhiều địa phương là áp lực khiến chúng tôi nhìn lại mình, quyết tâm hơn. Trong dịp tổng kết PCI 2022 tới của tỉnh, chúng tôi sẽ công bố các mô hình, cách thức mới để cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đi cùng với doanh nghiệp để khi họ chọn Long An để đầu tư, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ maast1 ngày.
Để làm được, chúng tôi xác định rõ phần nào nằm trong thẩm quyền thì xử lý, phần nào thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, Trung ương thì đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát để có hương giải quyết.
Long An cần doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp cần Long An. Long An không có doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được, không thể phát triển tiếp được; nhưng doanh nghiệp không có Long An thì vẫn có địa phương, địa điểm đầu tư khác. Đây là thông điệp của chúng tôi ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong hệ thống chính trị đã quán triệt điều này và kinh tế Long An đi lên nhờ việc quán triệt tư tưởng này".

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bắc Ninh: "Sẽ không tới hạn trong thu hút đầu tư". 

 "Thế giới luôn vận động, các nhà đầu tư sẽ tìm đến địa chỉ mà họ thấy thuận lợi, vấn đề là chúng ta có định hướng rõ ràng không, có thu hút được các nhà đầu tư cần, có đi cùng với họ được không...
Riêng với Bắc Ninh, chúng tôi sẽ khai thác hướng mới, là thế mạnh, tiềm năng và có sức hút lâu dài, công nghệ mới. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này trên thế giới để đến Bắc Ninh, có thể quý III/2023. Cùng với đó sẽ khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất Đông Nam Á tại Bắc Ninh, sẽ có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư các lĩnh vực mới, sản xuất bán dẫn, chip,
Bắc Ninh sẽ thu hút các trường đào tạo mang tính chất quốc tế để sẵn sàng đáp ứng lao động cho các nhà đầu tư bán dẫn, công nghệ cao. Chuẩn bị sẵn sàng để mời gọi nhà đầu tư
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung cao nhất thu hút đầu tư vào xã hội hóa văn hóa và thương mại dịch vụ, để tạo ra sự phát triển".

Nhiệt kế PCI 2022: Niềm tin kinh doanh ở mức thấp
Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh đang khá thấp, từ cả góc độ các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư