Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo: "Liều mình" với điện thoại thương hiệu Việt
Hồng Phúc - 29/06/2017 07:23
 
Mặc dù điện thoại Việt chưa có được ấn tượng tốt trên thị trường, song Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tự tin vào lựa chọn của mình và kỳ vọng điện thoại thương hiệu Asanzo sẽ chiếm 1 - 5% thị phần.

Liều với sản phẩm điện thoại

Tháng 7/2017, Asanzo sẽ tổ chức họp báo ra mắt dòng điện thoại đầu tiên mang thương hiệu của mình sau hơn một năm chuẩn bị. Ông Phạm Văn Tam kỳ vọng, thương hiệu này sẽ chiếm 1 - 5% thị phần của thị trường có quy mô khoảng 7 tỷ USD này.

“Ai cũng nghi ngờ về một thương hiệu điện thoại Việt Nam vì đã từng có ấn tượng chưa tốt với một vài tên tuổi đi trước. Đây sẽ là một trở ngại để Asanzo có thể xóa đi rào cản về tâm lý, nhưng từ đây, chúng tôi sẽ biết cách để tránh gặp những tình huống, sự cố truyền thông... tương tự. Cứ liều đi”, Phạm Văn Tam chia sẻ.

Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.
Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Marketing sẽ là kênh tiêu tốn nhiều tiền nhất trong tổng chi phí đầu tư cho nhóm sản phẩm điện thoại của Asanzo. Nhưng theo ông Tam, đây là kinh phí để xây dựng và phát triển cho thương hiệu Asanzo nói chung, chứ không phải chỉ riêng một dòng điện thoại, bởi lẽ, Asanzo còn 3 nhóm sản phẩm khác là điện tử, điện lạnh và điện gia dụng. Đây cũng là lý do để ông dùng thương hiệu Asanzo cho các dòng điện thoại của mình.

“Thương hiệu Asanzo đã có mặt và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng hơn 3 năm qua. Những dòng sản phẩm khác sẽ là bệ đỡ, hỗ trợ cho điện thoại. Asanzo có nhiều sản phẩm và điện thoại cũng không phải là trụ đỡ duy nhất”, ông Tam cho biết.

Được biết, điện thoại thương hiệu Asanzo có giá từ 5 triệu đồng trở xuống, có cấu hình khá mạnh với RAM 4 GB, hỗ trợ selfie... Trước mắt, Asanzo tự thiết kế mẫu mã, nhưng sản xuất tại nước ngoài.

Luôn trong trạng thái “khởi nghiệp

Thành lập Asanzo từ cuối năm 2013 và mọi kế hoạch đều vượt kỳ vọng của ông Tam. Với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, thời gian qua, bình quân mỗi ngày, thương hiệu thuần Việt này tiêu thụ khoảng 1.500 tivi. Mục tiêu trong năm nay của Asanzo là đạt doanh số bán trên 1.900 tivi/ngày.

Dòng đời các sản phẩm công nghệ rất ngắn, nên Asanzo luôn chuẩn bị cho các sản phẩm chủ lực kế tiếp. Điện thoại thông minh Asanzo được xác định là sản phẩm kế tiếp cho điện lạnh. Hiện tại, điện lạnh được xác định là mặt hàng sẽ thay thế cho nhóm sản phẩm tivi của Công ty trong thời gian tới. Cụ thể, năm 2016, Công ty này đã thử nghiệm và bán ra gần 10.000 bộ máy điều hòa công suất 9.000 BTU. Đây là sản phẩm mang thương hiệu Việt, nhưng lõi được đặt và nhập từ Toshiba (Nhật Bản).

Ông Tam cùng đội ngũ gần 1.000 nhân viên luôn trong trạng thái “khởi nghiệp”, nghĩa là luôn thay đổi, sáng tạo, tìm cái mới để áp dụng cho sản phẩm phù hợp hơn với người dùng.

Hiện Asanzo có 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và Tân Bình. Trong tương lai, Asanzo có thể mở nhà máy tại miền Bắc để giảm chi phí vận chuyển và đáp ứng nhu cầu nhiều hơn của người dân, bởi hiện nay, Asanzo luôn trong tình trạng “cháy hàng” tại khu vực này.

Dù tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Asanzo mới khoảng 30%, nhưng Asanzo đặt mục tiêu chậm nhất đến giữa năm 2018 sẽ đạt mức nội địa hóa 60%.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam  hợp tác thực hiện chuyên mục này.

Trao đổi ngắn với Phạm Văn Tam

Trong bao lâu để biết sản phẩm điện thoại của Asanzo có thành công không, thưa ông?

Trong một năm.

Hiện hệ thống phân phối của Asanzo gồm những kênh nào?

Thứ nhất là kênh bán hàng online như Lazada, Tiki...

Thứ hai là các siêu thị bán lẻ như Thegioididong.com, VienthongA...

Thứ ba là các cửa hàng điện máy, điện thoại nhỏ lẻ ở tỉnh, hiện mang lại 50% doanh thu cho Công ty. Năm nay, 25.000 điện thoại của Asanzo cũng “theo chân” các sản phẩm khác để vào các kênh này.

Cách kinh doanh của Asanzo đối với các dòng sản phẩm thế nào?

Tất cả đều phải phổ thông hóa, bình dân hóa dựa trên công nghệ cao và sự sáng tạo, thay đổi linh hoạt để mọi người Việt đều có thể sở hữu những sản phẩm công nghệ với giá thành hợp lý nhất và chất lượng tối ưu.
Samsung và Nokia "giết" các hãng điện thoại Việt?
Trong buổi ra mắt smartphone thương hiệu Việt Bavapen, ông Nguyễn Quốc Bảo, Tổng giám đốc của Thành Công Mobile cho rằng, Nokia và Samsung đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư