Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phân bón, xăng dầu sẽ bị siết chặt quản lý trong năm 2017
Thế Hải - 22/12/2016 14:22
 
Phân bón và xăng dầu là 2 mặt hàng sẽ bị siết chặt quản lý trong năm 2017 nhằm giảm tình trạng bát nháo trên thị trường phân bón cũng như gian lận về kinh doanh xăng dầu.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế mỗi năm.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế mỗi năm.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chú trọng kiểm tra thường xuyên tập trung quản lý 2 mặt hàng đó là phân bón và xăng dầu.

Việc làm này nhằm đấu tranh hạn chế nạn phân bón giả, kém chất lượng và gian lận về xăng dầu diễn ra trong thời gian qua.

Theo đó, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch kiểm tra thường xuyên của lực lượng Quản lý thị trường năm 2017 chính là tập trung quản lý 2 mặt hàng phân bón và xăng dầu.

Theo kế hoạch này, các đối tượng nằm trong diện trọng điểm phải kiểm tra thường xuyên gồm: Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón vô cơ: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ; việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định và các quy định khác của pháp luật trong kinh doanh phân bón vô cơ.

Cụ thể, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối; kiểm tra hợp đồng đại lý, hóa đơn chứng từ hàng hóa; kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh xăng dầu và các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh, việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện trạm nạp, điều kiện trạm cấp; hợp đồng mua bán hàng hoá, hoá đơn, chứng từ; việc thực hiện các quy định về hệ thống phân phối (đối với khí dầu mỏ hoá lỏng) và các quy định của pháp luật trong kinh doanh khí theo Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV đã có nhiều Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, lập lại trật tự thị trường phân bón. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc quản lý nhà nước trong đấu tranh chống hàng lậu, đặc biệt là mặt hàng phân bón, tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống hàng giả; sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý đặc biệt về quy chuẩn, tiêu chuẩn để phát triển bền vững ngành hàng này.

Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, tuy nhiên, vẫn không ngăn nổi tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn ngập thị trường.

Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại trầm trọng tới sản xuất nông nghiệp và cho cả nền kinh tế, ước chừng khoảng 60.000 tỷ đồng. Sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp bởi không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh mà còn xuất hiện cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định, gây thiệt hại lớn chưa giải quyết được.

Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Hóa chất xuống tận địa phương dẹp phân bón giả
Ngày 2/12, tại cuộc họp về các giải pháp chống hàng giả, kém chất lượng đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Phó Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư