Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Phao cứu sinh” từ gói an sinh xã hội
Thanh Nga - 09/04/2020 16:29
 
Gói an sinh xã hội trị giá trên 61.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người nghèo, người lao động bị mất việc làm, các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid - 19 được đánh giá là giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
.
Gói an sinh xã hội trị giá trên 61.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người nghèo, người lao động bị mất việc làm, các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid - 19.

Hơn 153.000 lao động  mất việc

Dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên khắp cả nước phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm, ngừng việc tạm thời.

Gia đình anh Đào Văn Minh (nhân viên công ty sản xuất bao bì tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và chị Mai Tuyết Hoa (giáo viên tại một trường tư thục tại huyện Đông Anh) thuê trọ tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Hơn 2 tháng nay, chị Hoa phải nghỉ việc do các trường học phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh; còn anh Minh đang phải nghỉ luân phiên. Thu nhập giảm mạnh, 2 con lại đang tuổi ăn, tuổi lớn, cộng với tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, khiến họ phải đối diện với không ít khó khăn.

Vợ chồng anh Đàm Quang Vinh và chị Hà Thị Mến (quê ở Nghệ An), đang thuê trọ tại phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Cả hai người cùng làm tại một công ty lữ hành. Trong 2 tháng đầu năm, Công ty vẫn hỗ trợ mỗi nhân viên nửa tháng lương, nhưng bước sang tháng thứ 3, không thể cầm cự nổi, Công ty phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ không lương.

Trước đây, chị Mến đã từng cộng tác với một số đại lý bán vé máy bay, nhưng du lịch “đóng băng”, nên chị cũng không thể kiếm thêm thu nhập. Thời điểm này, hầu hết cửa hàng, dịch vụ cũng đều đóng cửa, không có nhu cầu thuê người. “Nếu dịch còn kéo dài, gia đình tôi không biết sẽ xoay xở ra sao”, chị Mến thở dài.

Mất việc làm, giảm sâu thu nhập, khó khăn chồng chất đã trở thành câu chuyện không hiếm gặp từ khi Covid- 19 bùng phát. Riêng tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội cho thấy, trong quý I/2020, số người đến trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn theo Tổng cục thống kê, trong quý I/2020, ước tính cả nước có khoảng 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019; hơn 153.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc.

Phao cứu sinh

Trước ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, hoặc thu hẹp sản xuất, số lao động bị mất việc tăng theo, Chính phủ đã xem xét thông qua nhiều giải pháp chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính, quý II/2020 sẽ có khoảng 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng; người lao động ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc nhiều hơn các ngành, nghề khác.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài chế độ, chính sách hiện hành, trong quý II năm nay, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng cho người lao động bị ngừng việc.

Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng…

Gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.000 tỷ đồng cùng nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nghèo, người lao động bị mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid - 19 sẽ được triển khai. Theo đó, có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ trong 3 tháng bằng tiền gồm: người có công với cách mạng (500.000 đồng/tháng); đối tượng bảo trợ xã hội (1 triệu đồng/tháng); lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (1,8 triệu đồng/tháng); lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc (1 triệu đồng/tháng); hộ kinh doanh cá thể (1 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp (vay lãi suất 0%)  để trả lương cho lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng với mục tiêu bao quát nhất là hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu về thu nhập. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: “Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi. Gói hỗ trợ này phải công khai minh bạch trong dân, để nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan giám sát chặt chẽ đồng thời sẽ xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm trục lợi chính sách”.

Cho vay nhà ở xã hội sẽ trở thành một trụ cột của công tác an sinh xã hội
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với báo chí liên quan đến nguồn vốn, lãi suất,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư