Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Pháp chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Hưng Anh - 09/10/2024 15:17
 
Công tác pháp chế trong ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xây dựng hệ thống văn bản quản lý điều hành; quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ họat động giáo dục của nhà trường…

Pháp chế trong ngành giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định công tác pháp chế ngành giáo dục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để góp phần hoàn thiện, xây dựng thể chế cho toàn ngành.

Ngoài ra, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Bộ GD&ĐT tiến hành thường xuyên, đúng quy định. Năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế ngành giáo dục năm học 2023-2024. 

Báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành và trình ban hành được tổng số 53 văn bản, bao gồm: 2 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ; 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 27 thông tư, 22 quyết định cá biệt của Bộ trưởng.

Bên cạnh những văn bản đã được xem xét ký ban hành, trong năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đang tập trung nguồn lực để xây dựng các văn bản có tác động lớn đến toàn ngành giáo dục, dự kiến trình ban hành trong năm 2024, 2025, như: dự án Luật Nhà Giáo; dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình giáo dục mầm non và về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi tại một số tỉnh, thành phố…

Năm học 2023 - 2024, các Sở GD&ĐT tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương. Đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác pháp chế theo hướng kiện toàn và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế. Theo báo cáo về Bộ, 63/63 Sở GD&ĐT có bộ phận pháp chế với 55 cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách và gần 30 cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.

Pháp chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Công tác pháp chế đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hạn chế về biên chế, nguồn lực hoạt động, còn phải đối diện với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự biến động liên tục của đời sống và nhu cầu xã hội.

Điều này đòi hỏi cán bộ pháp chế luôn không ngừng trau dồi và cập nhật kiến thức, kỹ năng để thích nghi với sự phát triển, từ đó có thể tham mưu, tư vấn ban hành các quy định pháp luật vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là có tính ổn định cao.

Ngoài ra, đặc thù các nhiệm vụ của công tác pháp chế để có thể hoàn thành một cách thuận lợi và hiệu quả cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, đơn vị khác, do vậy rất cần sự chung tay, góp sức của toàn ngành.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế diễn ra trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quản lý điều hành; thực hiện quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường; thực tiễn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo; xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học…

Liên quan đến việc ban hành các văn bản nội bộ trong các cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng trường ĐH Hải Phòng kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu ban hành hướng dẫn mang tính chất định hướng khung cho các trường thuận lợi để thống nhất thực hiện.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác pháp chế năm học 2024-2025, Vụ trưởng Mai Thị Anh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và biện pháp, giải pháp về chế độ, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức pháp chế/cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở GD&ĐT; các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Đồng thời, tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hoặc thay thế, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập…; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật…; đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về giáo dục để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

Trường đại học xây đựng được pháp chế sẽ giải phóng được nguồn lực

Nhắc tới 4 trụ cột quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục là con người - thể chế - hạ tầng, cơ sở vật chất - chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng con người, cơ sở vật chất, chuyển đổi số đều xoay quanh vấn đề thể chế. Nếu thể chế không thông thoáng, không mở đường, không chặt chẽ đủ để quản lý thì cũng không phát triển được 3 vấn đề còn lại; thể chế yếu kém sẽ không giải phóng được nguồn lực và các yếu tố khác.

Tổ chức pháp chế của các cơ sở giáo dục đại học cũng đã phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, tham mưu những vấn đề pháp lý quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Tính đến tháng 8/2024, có 242/242 cơ sở giáo dục đại học đã thành lập phòng hoặc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế với tổng số 815 người.

Bộ trưởng  Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Một trường đại học nếu xây dựng được quy chế nội bộ thật tốt, sẽ giải phóng được nguồn lực, sự sáng tạo, năng lượng từ bên trong được tốt nhất; sẽ phát huy, định hướng được tốt nhất và có cơ hội phát triển bền vững nhất”,

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, nhờ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã giúp các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn. Hàng năm, Bộ GD&ĐT cũng ban hành công văn hướng dẫn nhiệm vụ về công tác  pháp chế gửi các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, nhờ đó, những người làm công tác pháp chế thuận lợi hơn khi triển khai các nội dung cụ thể.

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, nhờ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã giúp các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn.

Chia sẻ về hoạt động pháp chế của ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang, bà Đào Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Hàng năm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học. Khai thác hiệu quả các trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.  

Nhờ đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong toàn ngành Giáo dục Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học; củng cố và giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh; công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các đơn vị, trường học đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả.

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 2/7/2024 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư