Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Phấp phỏng chờ mặt bằng xây trạm dừng nghỉ cao tốc
Anh Minh - 02/11/2024 08:58
 
Hiện mới có 2/8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhận được đủ mặt bằng để triển khai thi công, trong khi phải cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu trước ngày 31/12/2024.
Vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.  Ảnh: P.M

Căng thẳng tiến độ

Sự sốt ruột là điều có thể nhận thấy trong Công điện số 47/CĐ-BGTVT vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Hậu Giang, Kiên Giang để thúc tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đây là loạt 21 trạm dừng nghỉ trong số 24 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được Bộ GTVT triển khai, trong đó có 8 trạm đã tìm được và ký hợp đồng với các nhà đầu tư trong tháng 7/2024; 13 trạm đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, 8 trạm dừng nghỉ đã tìm được nhà đầu tư phải cơ bản hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu trước ngày 31/12/2024 và hoàn thành toàn bộ các trạm dừng nghỉ trong năm 2025.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/10, mới có 2/8 trạm nhận được mặt bằng. Số trạm còn lại hoặc chưa được bàn giao mặt bằng, hoặc mới được bàn giao một phần, chưa đáp ứng được tiến độ triển khai thực hiện của các nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.

Trong số này, có 3 trạm vẫn “trắng” về mặt bằng, gồm Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Km144+560); 3 trạm đã bàn giao được một phần mặt bằng gồm Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Phan Thiết - Dầu Giây; 2 trạm đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao mặt bằng gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Km 205+092).

“Bộ GTVT đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 10/2024 đối với 8 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn nhà đầu tư và trong tháng 12/2024 đối với 13 trạm dừng nghỉ đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi nhận được mặt bằng sạch trong nửa đầu tháng 11/2024, tiến độ triển khai xây dựng các công trình thiết yếu tại 8 trạm dừng nghỉ cũng rất căng thẳng bởi các nhà đầu tư chỉ còn khoảng 2 tháng để hoàn thành hệ thống khu vệ sinh, bãi đỗ xe… kịp phục vụ người dân trong dịp cao điểm đi lại cuối năm.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, mặc dù cả 6 trạm đang vướng mặt bằng chỉ có diện tích không lớn (trung bình khoảng 5 ha) và đều đã được các ban quản lý dự án của Bộ GTVT bàn giao cọc giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, nhưng tiến độ triển khai rất chậm.

“Kể từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành (ngày 1/8/2024), các tỉnh chưa thực hiện ngay được việc ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024; chưa ban hành được các bảng giá đất. Vì vậy, các nhà đầu tư chỉ triển khai được các công tác nội nghiệp như công tác thiết kế, lập đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị các thủ tục lựa chọn nhà thầu”, ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết.

Sớm đấu thầu lại 13 trạm

Không chỉ gặp khó đối với nhóm 8 trạm tìm được nhà đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đang chật vật với việc lựa chọn nhà đầu tư cho 13 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Vân Phong - Nha Trang, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (trạm Km77+820 và trạm Km14+620), Quy Nhơn - Chí Thạnh, Hàm Nghi - Vũng Áng, Cam Lộ - La Sơn, Hậu Giang - Cà Mau và Cần Thơ - Hậu Giang.

Đối với 13 trạm dừng nghỉ nói trên, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt thông tin dự án, các ban quản lý dự án đã phê duyệt và tổ chức đăng tải hồ sơ mời thầu trong tháng 7/2024 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhưng quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc khách quan, nên phải hủy thông báo mời thầu theo quy định của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã đề nghị các ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức mời thầu lại, trong tháng 10/2024 sẽ phát hành lại hồ sơ mời thầu.

Bên cạnh đó, các ban quản lý dự án và Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng sẽ nỗ lực để rút ngắn tối đa thời gian trong công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn, đàm phán hợp đồng...).

“Trong trường hợp thuận lợi, công tác lựa chọn nhà thầu đối với nhóm 13 trạm sẽ hoàn thành trong tháng 1/2025. Trong quá trình đàm phán, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ đề nghị các nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tiến độ thi công và phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu khi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc đưa vào khai thác sử dụng”, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.

Tư lệnh ngành Giao thông báo cáo Quốc hội tiến độ triển khai trạm dừng nghỉ cao tốc
Theo kế hoạch, 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư