Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lợi nhuận TCBS giảm 41% trong quý cuối năm
Thanh Thủy - 22/01/2021 09:32
 
Thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau khi Nghị định 81 có hiệu lực khiến nguồn thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán quý IV giảm 56% so với cùng kỳ.
Ứng dụng mobile của TCBS
Các tính năng trong ứng dụng mobile của TCBS

Hoạt động đại lý phát hành co hẹp, tăng nguồn thu từ môi giới

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế cả năm xấp xỉ 2.692 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và giữ vững vị trí số 1 năm thứ hai liên tiếp trong khối các công ty chứng khoán về chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, tính riêng trong quý IV, kết quả kinh doanh của TCBS đảo chiều tăng trưởng âm. Tổng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 27% và 41%.  Cơ cấu nguồn thu cũng có sự thay đổi khi nguồn thu từ môi giới và hoạt động cho vay tăng lên, trong khi nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán thu hẹp.

Doanh thu môi giới cao gấp 2,5 lần cùng lên vượt 100 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh nguồn thu từ mảng hoạt động này đạt mức cao kỷ lục, đóng góp 38% doanh thu môi giới cả năm. Lãi từ các khoản cho vay (cấp margin và ứng trước tiền bán) tăng lên 76 tỷ đồng từ mức 47,2 tỷ đồng cùng kỳ.

Doanh thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán chỉ bằng 44% quý IV/2019 nhưng vẫn là nguồn đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu (xấp xỉ 297 tỷ đồng).

Hoạt động này đã thu hẹp đáng kể do nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh sau khi Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020. Tuy nhiên, ngay trước “hạn chót”, các tổ chức phát hành cũng đã kịp đẩy nhanh tiến độ huy động vốn qua kênh này. Trong cả năm, TCBS thu về 1.590 tỷ đồng doanh thu từ đây, tăng 37% so với cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh khác tăng trưởng mạnh hơn, trong đó doanh thu  môi giới  tăng 116%, lãi từ cho vay tăng 57%, các khoản lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ tăng 41,4%. Tổng doanh thu hoạt động năm 2020 đạt gần 3.260 tỷ đồng, cao gấp rưỡi cùng kỳ.

Dư nợ margin tăng nhanh trong quý IV

Dưới sự tăng trưởng nhanh của mảng môi giới, TCBS tới đây sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường để trình cổ đông phê duyệt triển khai dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, như môi giới chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh…

Theo Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, để đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên, đồng thời, phải thỏa mãn các điều kiện về tỷ lệ vốn khả dụng, không có lỗ trong 2 năm gần nhất; ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán…

Đến cuối năm 2020, quy mô tài sản của TCBS là 8.759 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 1.124 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối tiếp tục gia tăng do tích lũy thêm lợi nhuận, đạt 4.832 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu đến 31/12/2020 đạt hơn 6.179 tỷ đồng và đóng góp tới hơn 70% tổng nguồn vốn. Các khoản nợ vay ngân hàng và phát hành trái phiếu chiếm khoảng 18,6% nguồn vốn. Trong một năm qua, TCBS cũng tích cực huy động từ nguồn này, từ hơn 1.200 tỷ đồng lên 1.630 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng lên từ tích lũy lợi nhuận và vay nợ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu mở rộng dư nợ margin. Các khoản cho vay đến cuối năm tăng gần 2.590 tỷ đồng lên xấp xỉ 4.383 tỷ đồng, đặc biệt tăng mạnh trong quý IV vừa qua. Tăng cường cấp margin cũng trực tiếp hỗ trợ mở rộng hoạt động môi giới của công ty chứng khoán này.

Phố Wall lập đỉnh mới sau lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng
Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt đi lên trong ngày giao dịch 21/1 sau khi chứng khoán Phố Wall đêm qua lập đỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư