Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phát hành trái phiếu quốc tế, thời điểm chưa chín muồi
Mạnh Bôn - 04/03/2016 09:04
 
Nghị quyết 99/2015/QH13 cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (trái phiếu quốc tế -TPQT) trong năm 2015 và 2016. TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi về việc có nên phát hành TPQT trong điều kiện lãi suất huy động USD của hệ thống ngân hàng hiện là 0%.

Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi Quốc hội cho phép phát hành TPQT, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái gì, thưa ông?

Khối lượng TPQT trị giá 3 tỷ USD chỉ được phát hành trong 2 tháng cuối năm 2015 và năm 2016, nhưng không phải cứ được Quốc hội cho phép là phát hành, mà phải dựa trên cơ sở so sánh, phân tích nhiều yếu tố bảo đảm lợi ích quốc gia. Có lẽ, Bộ Tài chính đang theo dõi diễn biến thị trường và thấy thời điểm phát hành chưa thích hợp, nên chưa phát hành.

.
 TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Nếu phát hành TPQT, Việt Nam phải trả cả lãi lẫn phí vào khoảng 5%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi USD trong nước là 0%. Về mặt kinh tế, theo ông, có nên phát hành TPQT?

Năm 2014, lãi suất tiền gửi USD rất thấp, chỉ trên dưới 1%/năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết định phát hành 1 tỷ USD TPQT với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,8%/năm (chưa kể phí trả cho tổ chức bảo lãnh phát hành). Đợt phát hành TPQT này rất thành công bởi lãi suất phải trả thấp hơn dự kiến là 5,125%/năm, thấp hơn rất nhiều so với đợt phát hành TPQT năm 2005 và 2010 (6,875%/năm và 6,755/năm). Nhờ đó, chúng ta đã giảm được lãi suất, kéo dài thời gian vay vốn của 2 đợt huy động trước đây thông qua cơ cấu lại nợ.

Từ những thành công này, tôi cho rằng, khi điều kiện chín muồi, Bộ Tài chính cần phải phát hành TPQT.

Nhưng vấn đề là lãi suất ngoại tệ ở trong nước chỉ có 0%, thấp hơn rất nhiều lần so với phát hành TPQT?

Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định không trả lãi cho cá nhân gửi USD vào ngân hàng, chắc chắn người dân có tiền sẽ để vào két sắt. Vì vậy, cần có giải pháp huy động nguồn vốn khổng lồ này trong dân chúng để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo tôi, cách tốt nhất là phát hành trái phiếu ngoại tệ ở thị trường trong nước, đồng thời vẫn phát hành TPQT nếu nền kinh tế cần vốn hoặc cần phải cơ cấu lại nợ.

Phát hành trái phiếu ngoại tệ ở trong nước bằng cách nào vì không thể bán lẻ trái phiếu cho từng người dân và không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng bất lợi đến thành quả chống đô-la hóa, thưa ông?

Việc phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước sẽ tận dụng được nguồn vốn ngoại tệ khổng lồ đang nằm trong két sắt của người dân. Nguồn vốn này chắc chắn rẻ hơn so với phát hành trái phiếu bằng nội tệ và TPQT, vì lãi suất ngoại tệ hiện tại là 0% trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện là 6-7%/năm và không phải trả chi phí cho khâu trung gian như phát hành TPQT. Để chống đô-la hóa, Nhà nước cam kết, khi đáo hạn, sẽ trả vốn bằng ngoại tệ còn lãi hoặc cả gốc cũng được trả bằng ngoại tệ nhưng quy đổi ra VND theo tỷ giá tại thời điểm đó.

Không thể bán lẻ từng tờ trái phiếu ngoại tệ cho người dân được, vì thế phải phát hành qua định chế trung gian, đặc biệt là các quỹ tín thác.

Nhưng để phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước thành công, chắc chắn cũng cần điều kiện?

Thứ nhất, phải thành lập các quỹ tín thác để người dân có ngoại tệ đầu tư vào quỹ này. Quỹ tín thác với đội ngũ chuyên gia tài chính có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, am hiểu thị trường sẽ thay mặt nhà đầu tư mua trái phiếu ngoại tệ cũng như đầu tư vào các sản phẩm tài chính phái sinh khác và trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Thứ hai, phải xây dựng được tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu ngoại tệ. Dù lãi suất hấp dẫn, nhưng tính thanh khoản không có thì phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước cũng sẽ thất bại. Nếu trái chủ “ôm” trái phiếu có kỳ hạn ít nhất là 3 năm, thông thường là 5 năm trở lên, nhưng khi cần tiền lại không giải phóng được lượng trái phiếu đã mua, thì cũng rất ít nhà đầu tư tham gia.

Để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu ngoại tệ trong điều kiện thị trường tài chính chưa kịp xây dựng cho sản phẩm này, thì nên cho phép trái chủ được cầm cố, thế chấp trái phiếu vay vốn ngân hàng; được chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu theo giao dịch dân sự. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, hoàn toàn có thể thực hiện được ngay.

Sắp chuẩn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ hoàn thành Đề án Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư