Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến Covid-19
An Nguyên - 14/09/2020 09:11
 
Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, trong đó nổi lên một số loại tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19.
.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày báo cáo.

Sáng 14/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến ngày 31/7/2020).

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Với phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu báo cáo cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.

Chính phủ nhận định, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề cập nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước. Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để “né thuế” có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế, ông Vương báo cáo.

Các vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn xảy ra nhiều, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông... Chính phủ nhận định.

Trong  lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nổi lên là hành vi lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật để giả mạo giấy tờ, chứng từ có giá để trục lợi. Đặc biệt, các vi phạm trong hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán với lãi suất cao, nhưng không ký hợp đồng ràng buộc, dẫn đến việc sử dụng vốn không đúng mục đích, gây thua lỗ, không có khả năng thanh toán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 586 trường hợp với tổng số tiền là 25,257 tỷ đồng.

Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi, ông Vương cho biết. 

Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can.

Theo Chính phủ, việc kịp thời phát hiện vụ án, vụ việc đã góp phần ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước.

CDC Hà Nội câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua máy xét nghiệm Covid-19
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) và đồng phạm đã nâng khống 4,7 tỷ đồng khi mua hệ thống máy xét nghiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư