Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Phát lộ những bất lợi cho xuất khẩu
Hà Nguyễn - 28/05/2022 10:16
 
Xuất khẩu vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng đã bắt đầu xuất hiện các yếu tố có thể gây bất lợi cho thương mại hàng hóa của Việt Nam.
Với sự phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nếu việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, thì có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu giảm tốc, nhập siêu xuất hiện

“Xuất khẩu vẫn đang phục hồi mạnh mẽ”. Đó là nhận định được đưa ra trong bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội mà Chính phủ báo cáo Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Điều này là sự thật, bởi trong đại dịch Covid-19, thương mại hàng hóa chính là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và đóng góp lớn cho sự phục hồi của nền kinh tế. Số liệu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thấy, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Còn con số vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật, tính đến ngày 15/5, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 135 tỷ USD, tăng 15,5%, tương ứng tăng 18,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng 15,5% một lần nữa cho thấy, xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ.

Tuy vậy, không quá khó để nhận ra, tốc độ tăng trưởng đã có sự giảm tốc nhất định. Hơn nữa, một bất ngờ lớn đã xảy ra, đó là sau khi xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng, thì chỉ “đi thêm” có 15 ngày tiếp theo, mà cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều. Trong nửa đầu tháng 5/2022, nền kinh tế đã nhập siêu tới 2,7 tỷ USD, nên tính chung đến giữa tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa đang thâm hụt 233 triệu USD.

Con số nhập siêu không lớn và có thể được bù đắp bằng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 5 và những tháng tới đây, nếu xuất khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy, đã bắt đầu xuất hiện các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động của chiến sự Nga - Ukraine cùng tình hình dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc và điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa của Việt Nam.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Vì vậy, việc quốc gia này vẫn đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Trên thực tế, thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế cũng nhắc nhiều đến điều này, đặc biệt là khi các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc - các bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam - giảm tốc tăng trưởng.

Thậm chí, nhiều ý kiến lo ngại rằng, kinh tế Mỹ sẽ lâm vào “suy thoái kép”. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao khiến sức mua của người dân Mỹ đã chậm lại đáng kể. Tháng 3/2022, tăng trưởng bán lẻ ở Mỹ chỉ ở mức 0,5%, thấp hơn con số 0,8% của tháng 2. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư tại nhiều thành phố đều đối mặt với áp lực căng thẳng đến từ “chiến lược Zero-Covid-19 không khoan nhượng”.

Hóa giải thách thức

Không chỉ là dự báo, xu hướng giảm tốc của kim ngạch xuất khẩu đã phần nào cho thấy những khó khăn trong thương mại hàng hóa của Việt Nam bắt đầu phát lộ. Các con số thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây càng cho thấy rõ điều này.

Tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 33,32 tỷ USD, giảm 4%, tương ứng giảm 1,39 tỷ USD so với tháng trước. Kỳ I của tháng 5, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,82 tỷ USD, giảm 28,6% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2022.

Hầu hết sự sụt giảm nằm ở nhóm hàng điện tử, điện thoại và linh kiện và điều này có thể được lý giải bằng yếu tố mùa vụ. Thông thường, những tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 3, là thời điểm các nhà sản xuất như Samsung tăng tốc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mới, nên sang tháng 4, xu hướng chung là sẽ giảm.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong tháng 4/2022, xuất khẩu hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 4,47 tỷ USD, giảm 15,9% so với tháng trước đó; còn mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 5,79 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, những khó khăn trong thương mại hàng hóa của Việt Nam là có thật. Mặc dù nhiều ý kiến lạc quan về khả năng tăng tốc xuất khẩu của Việt Nam, song ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế vẫn không khỏi băn khoăn khi trong tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện tại mà Việt Nam đạt được thì phân nửa là do giá tăng, trong khi điều quan trọng nhất là lượng cũng phải tăng.

Hơn nữa, điều khiến ông Lực lo lắng là, trong bối cảnh giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, chi phí logistics cũng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, các chuyên gia WB khuyến cáo, với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. “Việt Nam vẫn nên đa dạng hóa đối tác thương mại để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì”, WB khuyến cáo.

Thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng với giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường phục hồi toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu bị đe dọa, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu trên toàn cầu, giá cước vận tải ở mức cao, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

- Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Lấp đầy đơn hàng tỷ đô, xuất khẩu vào đà tăng tốc
Đơn hàng xuất khẩu của các nhóm hàng từ trên 1 tỷ USD tới vài chục tỷ USD được lấp đầy, là những chỉ dấu cho thấy, xuất khẩu trong những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư