Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phạt nặng website vi phạm bản quyền
Tú Ân - 31/07/2017 08:28
 
Từ nay đến hết năm 2017, các website vi phạm bản quyền truyền hình, phim, Internet… sẽ bị xử phạt nặng.
.
.

Doanh nghiệp số lao đao vì nạn vi phạm bản quyền

“Từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường quản lý trong lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền nội dung trên Internet. Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam phát trên kênh YouTube, Facebook”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền đã kiến nghị Bộ phải có chế tài quản lý vấn đề vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên mạng viễn thông. Theo các doanh nghiệp, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet diễn ra khá nghiêm trọng, nếu không có chế tài xử lý thì các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có nguy cơ phá sản.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, 6 tháng đầu năm, dịch vụ truyền hình MyTV chỉ tăng trưởng bằng  96,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nghiêm trọng hơn, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VTC cho biết, trong nửa đầu năm nay, dịch vụ truyền hình vệ tinh của VTC đã bị suy giảm tới 40% về doanh thu và phát triển thuê bao mới do sự cạnh tranh của dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ và truyền hình OTT.

Về phần mình, ông Hà Văn Minh, Trưởng ban Kiểm tra của VTV cho rằng, VTV đang bị xâm phạm bản quyền nghiêm trọng đối với 2 series phim truyền hình ăn khách là "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng". Những bộ phim này ngay lúc phát sóng đã bị thu trái phép sau đó được tải về và đăng lại bởi các website không thuộc sở hữu của VTV và không mua bản quyền sử dụng sản phẩm của VTV. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của VTV.

Đánh giá của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về tác động của 50 website vi phạm bản quyền nội dung đăng trên www.similarweb.com cho thấy, các website phim trái phép có lượt truy cập trong 6 tháng đầu năm rất lớn.

Trong số đó, phimmoi.net có 45,4 triệu lượt truy cập, trong nước chiếm 91,72%; hdonline.vn có 17,2 triệu lượt truy cập, trong nước chiến tới 97,78%; bilutv.com có 35 triệu lượt truy cập, trong nước 87,3%; phimbathu.com có 29,8 triệu lượt truy cập, trong nước chiếm 91,49%; xemvtv.net có 9,5 triệu lượt truy cập, trong nước chiếm 87,55%; phim14.net có 9,8 triệu lượt truy cập, trong nước chiếm 88,18%; banhtv.com có 9,7 triệu lượt truy cập, trong nước là 83,11%.

Với số lượng lượt truy cập lớn như vậy, nguồn thu từ quảng cáo tới các trang web này là rất lớn.

Tháng 5/2017, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) đã phải ngừng phát sóng UEFA Champions League (UCL), UEFA Europa League (UEL) trên dịch vụ truyền hình của VTVcab và VTV. Nguyên nhân là do hàng loạt website, trang tin điện tử đã vi phạm bản quyền trắng trợn, đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc 2 giải bóng đá trên.

Chặn gấp website trái phép

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng xã hội có hệ thống ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây trở ngại cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật còn hạn chế. Việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục. Trong khi đó, việc triển khai biện pháp kỹ thuật chặn, lọc sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền.

Theo kết quả rà soát, đánh giá vi phạm bản quyền nội dung do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra mới đây, trong số 50 website phim vi phạm thì có 22 website đang sử dụng hosting của các doanh nghiệp Việt Nam; 28 website còn lại sử dụng hosting của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có 6 trang có khả năng sử dụng dịch vụ Cdoanh nghiệp (mạng lưới cung cấp nội dung) trong nước hoặc thông qua kết nối kênh riêng quốc tế tốc độ cao.

Các doanh nghiệp cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp ngăn chặn các website vi phạm bản quyền. Với các website vi phạm bản quyền trong nước, có thể áp dụng các biện pháp như xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tên miền (đối với những trang dùng tên miền .vn), chặn tên miền và địa chỉ IP, hủy dịch vụ Cdoanh nghiệp...

Đối với các website vi phạm bản quyền ở nước ngoài, biện pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp Việt Nam có quảng cáo trên các website này không tiếp tục quảng cáo nữa. Biện pháp chặn tên miền, chặn hoặc giới hạn dung lượng đường truyền đến mạng lưu trữ website đó hoặc thông qua số hiệu mạng cũng cần được áp dụng. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức về quyền tác giả quốc tế để yêu cầu các nước sở tại có mạng lưu trữ đặt website vi phạm can thiệp.

Được biết, mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và đã đạt được thỏa thuận ban đầu là sẽ có giải pháp để chặn kênh thanh toán qua ngân hàng để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp, bao gồm rất nhiều dịch vụ vi phạm pháp luật như vi phạm bản quyền và cung cấp các nội dung xuyên biên giới không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3 website nghe nhạc lớn bị "tố" vi phạm bản quyền nhạc số
Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) vừa có công văn gửi đến Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ TT&TT, Cục bản quyền tác giả cùng các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư