Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản để đáp ứng với quy mô hơn 100 triệu dân
Nguyễn Linh - 28/08/2024 21:38
 
Trong 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, đây là lĩnh vực tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Điều này khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên hợp tác xã là nông dân.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Thông tin tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức ngày 28/8, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

“Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 hiệp định thương mại đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”, bà Vân nói.

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản Việt Nam không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt tại hơn 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

Theo đó, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng nhiều vùng trong cả nước, đối với cây lúa, cây ăn trái, chăn nuôi, thuỷ sản… Điển hình phải kể đến TP. Cần Thơ, đối với mô hình cánh đồng lớn, vườn cây ăn trái tập trung chuyên cạnh đạt hiệu quả cao. Doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự, tại Đồng bằng sông Cửu Long, thành quả đạt được khi áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cụ thể là Đồng Tháp đã thành công với mô hình trồng xoài Cát Hòa Lộc với sản lượng 10.000 tấn/năm; nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho năng suất 80 tấn/ha/năm, doanh thu đạt 9,2 tỷ đồng/ha…

Tuy vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. 

Đầu tiên là do cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; bảo vệ môi trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. 

Thứ hai là hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao…

Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.

Thứ trưởng nêu một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng… 

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Bàn thêm về giải pháp, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, ngành nông nghiệp cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng.

Hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giống phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp
Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đề ra 3 nhiệm vụ chính nhằm phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư