Bước vào phiên giao dịch chiều, đà tăng của thị trường được nới rộng thêm, vượt qua ngưỡng 1.045 điểm. Tuy nhiên, từ mức điểm nay, VN-Index bất ngờ quay đầu lao dốc không phanh, xuống thẳng dưới tham chiếu theo đà lao dốc của VN30. Tuy nhiên, trên sàn cũng như nhóm VN30, số mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế, trong đó có các mã lớn như VNM, VIC, BID, GAS, PLX, trong khi sắc đỏ xuất hiện tại VCB, SAB, CTG, MSN, nhưng không quá mạnh.

Ngay sau cú lao dốc bất ngờ, VN-Index đã nhanh chóng hồi phục trở lại, hiện đang trên đường về lại ngưỡng 1.040 điểm.

 

Tuy nhiên, sự phân hóa trong nhóm bluechip với nhiều mã vẫn giảm như SAB, VCB, ROS, MSN, HPG, CTG, khiến VN-Index không thể lấy lại mốc 1.040 điểm, dù độ rộng thị trường vẫn nghiêng về sắc xanh với 161 mã tăng và 122 mã giảm. 

Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index tăng 4,55 điểm (+0,44%) lên mức 1038,11 điểm với thanh khoản sôi động đạt 364,33 triệu đơn vị, giá trị 8.980,43 tỷ đồng, tăng 13,72% về lượng và 11,48% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,73 triệu đơn vị, giá trị 888,97 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 10/1
Diễn biến VN-Index phiên 10/1

 

HNX-Index cũng có diễn biến tương tự VN-Index khi bất ngờ lao dốc mạnh, nhưng sau đó cũng hồi dần trở lại. Tuy nhiên, trên sàn HNX, số mã giảm chiếm ưu thế, trong đó có các mã lớn như ACB, VCS, VGC, nên HNX-Index không thể lấy lại sắc xanh.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,18%) xuống mức 83,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 83,28 triệu đơn vị, giá trị 1.225 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,75% về lượng, nhưng tăng 13,17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 5,92 triệu đơn vị, giá trị 163,71 tỷ đồng.

Trụ cột chính VNM đã có phiên giao dịch khởi sắc sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp trước đó. Với mức tăng 1,93%, cổ phiếu VNM kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 211.000 đồng/CP và giao dịch tích cực với hơn 0,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn tiếp theo có phần đuối sức hơn như GAS thu hẹp đà tăng 1,4% và đứng tại mức 103.000 đồng/CP, VIC chỉ còn nhích nhẹ 0,25% lên mức 80.800 đồng/CP, PLX cũng hạ độ cao khi tăng 2,3% lên mức 85.000 đồng/CP, BID chỉ tăng 0,18% lên mức 27.450 đồng/CP.

Còn VCB, CTG đảo chiều giảm sau nhịp hồi phục tích cực trong phiên sáng, SAB và MSN cùng nới rộng đà giảm tương ứng 0,57% và 3,33%, lần lượt đứng tại mức giá gần thấp nhất ngày 259.500 đồng/CP và 87.000 đồng/CP.

Bên cạnh sự phân hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu họ dầu khí và bất động sản cũng có những biến động khi những mã đầu ngành như GAS, PLX hay VIC hạ độ cao, còn các thành viên vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tiến bước và khởi sắc trong phiên chiều.

Ở nhóm dầu khí, sau khi giữ bất thành sắc tím trong phiên sáng, cổ phiếu PVD đã được kéo lên kịch trần với mức tăng 7% và kết phiên tại mức giá 28.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,25 triệu đơn vị, dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Cổ phiếu PVC cũng duy trì sắc tím ổn định với mức tăng 9,76% lên mức giá trần 13.500 đồng/CP; còn các mã khác như PVT, PXS, PVS… vẫn tăng khá tốt.

Ở nhóm bất động sản, lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh giúp SCR bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn. Đóng cửa, SCR tăng 6,9% lên mức 10.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 13,32 triệu đơn vị. Các mã khác như FLC, HQC, ASM, KBC, ITA, OGC… tiếp tục khởi sắc.

Ngoài SCR, nhiều mã thị trường cũng đua nhau tăng trần như HVG, VHG, TTF, VRC, KSA, KSH, TIX, PIT…

Trái với diễn biến thiếu tích cực ở các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn, cổ phiếu STB lại có màn đảo chiều hồi phục khá ngoạn mục nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Ngay khi bước vào phiên chiều, STB đã đảo chiều thành công và tiếp tục nới rộng đà tăng về cuối phiên. Đóng cửa, STB tăng 5,1% lên mức giá 15.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường lên tới 49,56 triệu đơn vị.

Người bạn đồng hành EIB cũng hồi phục và có được phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Với mức tăng 4,2%, cổ phiếu EIB đóng cửa tại mức giá 14.900 đồng/CP và khớp 2,57 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB đã không giữ nổi thăng bằng trước áp lực bán gia tăng và quay đầu giảm 1,2% xuống mức 39.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,64 triệu đơn vị, ngắt nhịp tăng sau 4 phiên liên tiếp trước đó và là tác nhân chính gây cản trở trên con đường hồi phục của thị trường.

Còn SHB vẫn giữ mốc tham chiếu 10.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 19,84 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi cổ phiếu họ P với PVS khớp hơn 9,5 triệu đơn vị và PVX khớp hơn 6,3 triệu đơn vị.

Trái với sự rung lắc mạnh trên 2 sàn chính, sàn UPCoM lại tăng khá vững vàng.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,41%) lên mức 56,91 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 296,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,74 triệu đơn vị, giá trị 285,46 tỷ đồng. Trong đó ngoài SCS thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, giá trị 167 tỷ đồng còn có sự đóng góp của GEX với khối lượng thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 95,47 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng LPB đã khá giằng co trong phiên chiều và kết phiên tại mức giá tham chiếu 14.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch vẫn dẫn đầu sàn UPCoM đạt 2,91 triệu đơn vị.

Trong khi đó, GEX với thông tin chuyển sàn đã tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều khi tăng 8,21% lên mức 30.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 2,69 triệu đơn vị.

Các mã khác cũng có khối lượng giao dịch hàng triêu đơn vị gồm DVN, SBS, HVN và ART.