Niềm vui dù khá ngắn ở cuối phiên sáng nhưng cũng đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều.

Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý thận trọng vẫn đè nặng lên thị trường khiến chỉ số VN-Index lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch ảm đạm, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường đảo chiều thành công.

Thị trường giao dịch cân bằng hơn phiên sáng, cùng sự hồi phục của nhiều mã bluechip đã giúp VN-Index tiến bước trong nửa cuối phiên chiều nhưng do dòng tiền tham gia khá yếu khiến chỉ số này chưa thể lấy lại mốc 920 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 123 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 3,83 điểm (+0,42%) lên 918,12 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 125 triệu đơn vị, giá trị 2.704,4 tỷ đồng, giảm 16,11% về lượng và 14,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15,21 triệu đơn vị, giá trị 580,68 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 12/11
Diễn biến VN-Index phiên 12/11

Tương tự, sàn HNX cũng được kéo lên cao trong nửa cuối phiên chiều. Kết phiên, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,35%) lên 103,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,81 triệu đơn vị, giá trị 380,61 tỷ đồng, giảm 17,5% về lượng và 7,62% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,73 triệu đơn vị, giá trị 24,31 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đã có phần khởi sắc với 14 mã tăng, 12 mã giảm và 4 mã đứng giá. Trong đó, bên cạnh cặp đôi lớn nằm trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE là GAS và SAB tiếp tục nới rộng biên độ tăng 1,68% lên 96.600 đồng/CP và 3,14% lên 233.000 đồng/CP, một số mã bluechip khác đã đảo chiều tăng như VCB, PLX, VRE, NVL, FPT…

Cổ phiếu MWG tiếp tục tăng tốc sau những phiên điều chỉnh liên tiếp bởi tác động của thông tin không mấy tích cực. Đóng cửa, MWG tăng 3,77% lên mức 110.000 đồng/CP và khớp hơn 0,3 triệu đơn vị.

Thêm vào đó, các mã lớn dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn là VNM, VIC, VHM cũng đã lấy lại mốc tham chiếu sau nhịp điều chỉnh ở phiên sáng.

Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP thông qua là thủy sản với hàng loạt các mã tiếp tục cuộc đua tăng trần trong phiên hôm nay. Đáng chú ý, sau 4 phiên liên tiếp khoác áo tím, ACL đã chịu sức ép và nhanh chóng bị đẩy xuống nằm sàn khi mở cửa phiên đầu tuần mới, tuy nhiên lực cầu trở lại khá tốt giúp cổ phiếu này tăng vọt và tiếp tục có thêm 1 phiên tăng trần.

Ngoài ACL, các cổ phiếu khác cùng ngành cũng tăng kịch trần như AGM, ANV, CMX.

Trên sàn HNX, bên cạnh các mã lớn như ACB, SHB, VCG, DGC , PVI lấy lại mốc tham chiếu, các mã VGC, BVS, CEO, DBC… lại nới rộng biên độ tăng, đã hỗ trợ tốt cho cuộc đảo chiều của thị trường.

Đáng kể, cổ phiếu PVS tiếp tục tăng tốc nhờ cầu nội và ngoại tích cực. Kết phiên, PVS tăng 6,18% lên mức giá cao nhất ngày 18.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh cũng dẫn đầu thị trường với 5,82 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương tự như 2 sàn chính khi đảo chiều thành công trong nửa cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,12%) lên 51,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,29 triệu đơn vị, giá trị 134,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,3 triệu đơn vị, giá trị 83,16 tỷ đồng.

Trong khi 2 mã dầu khí POW và OIL vẫn giảm nhẹ 100 đồng/CP thì BSR đã hồi phục thành công với mức tăng 1,27% lên 16.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM khi chuyển nhượng thành công 1,51 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là LPB với hơn nửa triệu đơn vị và kết phiên tại mốc tham chiếu 9.200 đồng/CP.

Đà hồi phục của thị trường nhờ lực kéo chính của một số mã lớn như ACV, MCH, VGT, VEA, VIB…