Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 12/12: Đua theo khối ngoại
Thanh Thuý - 12/12/2013 16:22
 
Việc nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom hàng đã giúp nhà đầu tư trong nước tự tin hơn và trở lại với thị trường, giúp 2 sàn đảo chiều thành công.

Tiếp đà tăng trong cuối phiên sáng, bước vào phiên chiều, hàng loạt mã lớn nhỏ đều đảo chiều tăng điểm. Sắc xanh đã lấn át bảng điện tử với 129 mã tăng và chỉ còn 71 mã giảm trên sàn HOSE, còn trên sàn HNX có tới 117 mã tăng và 79 mã giảm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,61 điểm (+0,32%) lên 506,92 điểm với tổng khối lượng đạt 80,16 triệu đơn vị, trị giá đạt 2.440,59 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 63% tổng giá trị (tương ứng 1.541,75 tỷ đồng). Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,6%) lên 65,97 điểm với tổng khối lượng đạt 37,83 triệu đơn vị, trị giá hơn 293 tỷ đồng. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 1,12 điểm (+0,22%), lên mức 495,97 điểm.

Phiên giao dịch chiều, nhóm VN30 bật tăng khá mạnh với 15 mã tăng giá và chỉ còn 5 mã giảm giá. Chốt phiên, VN30-Index tăng 1,71 điểm lên 567,4 điểm. Trong đó, các mã có vốn hóa lớn là nhân tốt chính dẫn dắt thị trường gồm BVH, MSN và GAS đang tăng điểm khá tốt. Cụ thể, MSN tăng 1,72%, BVH tăng 1,27% và GAS tăng nhẹ 0,78%.

Phiên 12/12: Đua theo khối ngoại

Bên cạnh đó, DQC cũng tăng khá mạnh. Nếu phiên sáng chỉ dừng ở mức tăng 500 đồng/CP, thì đóng cửa, cổ phiếu đã tăng gần chạm trần với mức tăng 1.500 đồng (+4,48%) lên 33.500 đồng/CP. DQC tăng mạnh sau khi CTCK MBKE đánh giá cao mã này với mức giá mục tiêu cao hơn giá hiện tại 16%.

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013 của DQC khả quan với doanh thu đạt 632 tỷ đồng, tăng 35% cùng kỳ và lợi nhuận ròng tăng gấp đôi cùng kỳ lên 60 tỷ đồng, vượt gần 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm. CTCK MBKE kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận 26% cùng kỳ lên 30 tỷ đồng trong quý IV và lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính đạt 90 tỷ đồng, tăng 87% cùng kỳ so với năm 2012.

DQC đã có những phát triển về sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường mới sau 3 năm hoạt động kinh doanh bị chậm lại (tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân chỉ đạt 4% trong giai đoạn 2010-2012). DQC đang giao dịch ở mức P/E kỳ vọng trong năm 2013 là 7,8 lần trong khi P/E của RAL là 6 lần. MBKE cũng đã ra giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 16% so với giá thị trường của công ty vào ngày 10/12/2013.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay có thể là giao dịch thỏa thuận của VNM. Với tổng khối lượng thỏa thuận VNM đạt hơn 10 triệu cổ phiếu ở mức giá trần 150.000 đồng/CP, tổng giá trị tương ứng đạt 1.509,3 tỷ đồng. Ngoài ra còn có MBB thỏa thuận 1,03 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 12,52 tỷ đồng.

Ngoại trừ giao dịch thỏa thuận, giao dịch khớp lệnh của VNM không có nhiều điểm đáng chú ý. Khối lượng khớp lệnh trên sàn khá thấp, chỉ đạt hơn 65.000 đơn vị. Đóng cửa, VNM không còn giữ được mốc tham chiếu mà quay đầu giảm nhẹ xuống 140.000 đồng/CP, giảm 0,7%.

FLC tiếp tục dậy sóng. Dường như FLC được được một nhóm nhà đầu tư quyết đẩy lên mệnh giá, thậm chí lên bằng mức giá sổ sách, trên 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc đẩy FLC diễn ra khá “khôn ngoan”. Khi diễn biến thị trường không tốt, như phiên hôm qua và phiên sáng nay, FLC được chỉ được giữ ở mức quanh tham chiếu, mà không mạnh tay đẩy trần liên tiếp. Ngay khi diễn biến thị trường có tín hiệu tích cực, ngay tức khắc dòng tiền được bơm mạnh tay, kéo FLC tăng trần.

Phiên 12/12: Đua theo khối ngoại

Có thể nói, đây là những bước đi khá chắc và khôn ngoan của nhóm đẩy giá FLC, vì không tạo ra quá nhiều sự ồn ào khi cố tình đi ngược xu thế chung của thị trường. Chỉ cần 1 phiên tăng trần nữa, FLC sẽ chạm 1 tay vào mệnh giá. Nếu vượt qua mệnh giá, FLC có được kéo lên giá trị sổ sách?

Trong phiên hôm nay, FLC được kéo từ mức tham chiếu trong phiên sáng, lên thẳng mức trần 9.200 đồng/CP trong phiên giao dịch chiều. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 5,7 triệu đơn vị, đứng đầu thanh khoản trên sàn HOSE và vẫn còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Cặp đôi KMR và MCG cũng có dấu hiệu phục hồi khá tốt. MCG có lúc tăng trần nhưng kết thúc phiên mức tăng giảm dưới mức giá trần một bước giá, đứng ở mức 5.900 đồng/CP với khối lượng khớp đạt 2,39 triệu đơn vị.

Còn KMR cũng có thời điểm được kéo lên gần chạm giá tham chiếu nhưng đóng cửa mã này vẫn chạm sàn 6.600 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 1,76 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã đầu cơ nhỏ như VNH, VHG, UDC, HLA tiếp tục đứng sàn với mức thanh khoản cực thấp và treo lệnh dư bán sàn khá lớn.

Vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh trong phiên giao dịch chiều. Nếu phiên sáng, nhà đầu tư nước ngoài gom vào gần 1,5 triệu cổ phiếu thì phiên chiều họ gom thêm hơn 1,1 triệu cổ phiếu nâng tổng lượng cổ phiếu mua vào lên 2,68 triệu cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại tập trung mua mạnh vào các bluechip gồm GMD, PVD, VSH, BVH… Đây cũng là một nhân tố giúp thị trường có phần ấm lên.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu HNX30 cũng nâng đỡ thị trường khá tốt kéo chỉ số HNX-Index bật qua mốc tham chiếu trong những phút cuối phiên giao dịch. Chỉ với 3 mã giảm điểm và có tới 21 mã tăng, HNX30-Index tăng 1,25 điểm (+1,01%) lên 124,76 điểm.

Trong khi SHB, VND, PVX vẫn đứng giá tham chiếu thì các mã có vốn hóa lớn khác gồm SCR, PVS, VSG, KLS, ACB có mức tăng khá tốt. SCR tăng 2,9%, PVS tăng 1,6%, VSG tăng 0,95%, KLS tăng 1,11% và ACB duy trì mức tăng nhẹ 0,64%.

Phiên 12/12: Đua theo khối ngoại

SHN đã lấy lại được sắc tím và vẫn duy trì mức thanh khoản cao nhất trên sàn HNX đạt 4,54 triệu đơn vị. Tiếp sau đó là SCR với khối lượng khớp lệnh đạt 3,18 triệu đơn vị và các mã có khối lượng khớp đạt trên 1 triệu đơn vị gồm PVS, VCG, SHB, KLF, SHS, DCS, KLS, VND.

Trong phiên hôm nay, SHB cũng đã thực hiện giao dịch thỏa thuận 3,8 triệu cổ phiếu đem lại tổng giá trị tương ứng 25,84 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại đã mua vào 1,67 triệu cổ phiếu và bán ra 299.300 cổ phiếu. Trong đó, PVS được mua vào nhiều nhất với 712.200 cổ phiếu, ngược lại bán ra mạnh nhất VIG với 61.000 cổ phiếu.

Trước đó, trong phiên sáng, nhà đầu tư có phen giật mình khi nhìn vào bảng điện tử những phút đầu phiên khi vừa mở cửa mấy phút, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xem nghĩ thì nhà đầu tư mới bắt đầu trấn tĩnh lại, vì giá trị giao dịch khổng lồ đó đến từ giao dịch thỏa thuận 6,8 triệu cổ phiếu VNM ở mức giá trần 150.000 đồng/cổ phiếu.

Điều này cũng không có gì là bất ngờ, bởi trước đó, 2 tổ chức nước ngoài liên quan đến ông Lê Anh Minh, thành viên HĐQT của VNM đã công bố bán ra tổng cộng 13,4 triệu cổ phiếu từ ngày 11/12/2013 đến ngày 9/1/2014 theo phương thức thỏa thuận.

Cụ thể, Vietnam Enterprise Investments Limited đăng ký bán 8,8 triệu cổ phiếu VNM trong tổng số 19.523.620 cổ phiếu VNM đang sở hữu và Amersham Industries Limited đăng ký bán 4,6 triệu cổ phiếu trong tổng số 16.521.710 cổ phiếu VNM đang sở hữu.

Việc bán vốn của 2 tổ chức này đều cùng lý do là tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Ngoài giao dịch thỏa thuận của VNM, diễn biến của phiên sáng khá trầm lắng. Tuy nhiền, nhờ khối ngoại đỡ giá các mã bluechips như GMD (khối ngoại mua chiếm gần 73% tổng khối lượng giao dịch), HPG (chiếm 64,66%), DPM (chiếm 62,7%), PGD (chiếm 60,17%), DPR (chiếm 57,84%), PVD (chiếm 57,23%), VIC (chiếm 47,9%) hay như GAS tỷ lệ này cũng đạt 46,64%... nên thị trường vẫn duy trì được đà tăng.

Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 0,35 điểm (+0,07%) lên 505,66 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,17 điểm (-0,14%) xuống 123,34 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 0,06 điểm (-0,01%), xuống 494,79 điểm.

Khối ngoại bắt đáy phiên giảm điểm
Trong khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt xả hàng, thì khối ngoại lại tranh thủ bắt đáy với giá trị mua ròng khá lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư