Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/12
Thanh Thuý - 12/12/2013 08:16
 
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 12/12.

1- DQC: Có thể mua vào với giá mục tiêu 38.500 đồng/CP

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Doanh thu của DQC trong 9 tháng năm 2013 tăng 35% so với cùng kỳ lên 632 tỷ đồng. Sản lượng bán hàng trong kỳ ước tăng khoảng 25% cùng kỳ do công ty đưa vào dòng sản phẩm mới là bóng huỳnh quang Maxx 801, và tìm được thị trường xuất khẩu mới sang Châu Phi. Ngoài ra, giá bán trung bình tăng 7% đã giúp lợi nhuận gộp biên cải thiện mạnh từ 24,3% trong 9 tháng năm 2012 lên 31,5% trong 6 tháng năm 2013.

Nhờ công ty đã kiểm soát tốt chi phí hoạt động, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm nhẹ từ 21,7% trong 9 tháng năm 2012 xuống còn 21,5% trong 9 tháng năm 2013. Ngoài ra, doanh thu tài chính ròng không thay đổi ở mức 30 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận ròng của DQC trong 9 tháng năm 2013 tăng gấp đôi so với 9 tháng năm 2012, đạt 60 tỷ đồng. Với kết quả này, DQC đã vượt gần 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013.

cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/12

DQC có một khoản nợ phải thu lớn từ khách hàng Consumimport của Cuba do DQC đã bán hàng theo chương trình hợp tác liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam – Cuba từ năm 2007. Dư nợ cuối năm 2012 khoảng 39 triệu USD. Khách hàng Consumimport trong quý III/2013 chỉ trả nợ khoảng 10 tỷ đồng trong khi trước đó, khách hàng này đã thực hiện trả nợ đều đặn trung bình 15 tỷ đồng/ tháng trong 6 tháng đầu năm 2013.

Tính đến cuối tháng 9/2013, khoản phải thu từ đối tác này đã giảm gần 5 triệu USD so với cuối năm 2012 xuống còn khoảng 34 triệu USD. Phía Cuba cũng đã cam kết sẽ trả dần nợ và sẽ tất toán vào năm 2016. Như vậy nỗi lo không thu hồi được nợ từ đối tác này đang dần được giải quyết. Số ngày phải thu bình quân được cải thiện từ 587 ngày vào cuối năm 2012 xuống còn 333 ngày vào cuối quý III/2013.

Chúng tôi kỳ vọng DQC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 26% cùng kỳ lên 30 tỷ đồng trong quý IV/2013 dựa trên mức tăng trưởng doanh thu 15% cùng kỳ (sản lượng tăng 10% và giá bán tăng 5%) và lợi nhuận gộp biên cải thiện từ 24% trong IV/2013 lên 27% trong quý IV/2013. Lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính đạt 90 tỷ đồng, tăng 87% cùng kỳ so với năm 2012.

DQC đã có những phát triển về sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường mới sau 3 năm hoạt động kinh doanh bị chậm lại (tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân chỉ đạt 4% trong giai đoạn 2010-2012). DQC đang giao dịch ở mức P/E kỳ vọng trong năm 2013 là 7,8 lần trong khi P/E của RAL là 6 lần. Giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu của chúng tôi cao hơn 16% so với giá thị trường của công ty vào ngày 10/12/2013.

2- GSP đang giao dịch với mức P/E khoảng 6,9 lần

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Doanh thu và lợi nhuận năm 2013 dự kiến vượt 24% kế hoạch. 9 tháng đầu năm 2013, GSP ghi nhận mức doanh thu đạt 621,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 35,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 11% so với 9 tháng cùng kỳ năm 2012. Doanh thu có sự tăng trưởng như trên là nhờ vào lượng LPG được GSP vận chuyển từ các Nhà máy ổn định hơn so với năm trước. Tính đến giữa tháng 11, công ty đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2013, doanh thu quý IV kỳ vọng đạt 243,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 14,5 tỷ đồng. Tính chung cả năm, doanh thu hợp nhất ước đạt 865 tỷ đồng, tăng trưởng 25,6% so với năm 2012, trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải tăng xấp xỉ 27%. Do biên lợi nhuận thấp của hoạt động kinh doanh xăng dầu (~0,6%), lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng 17,9% so với năm 2012, tương ứng đạt 50,15 tỷ đồng.

Năng lực của đội tàu tăng 41% nhờ đầu tư tàu mới. Cuối tháng 8/2013, GSP đã tiến hành đầu tư thêm tàu mới (Oceanus 09) với tổng vốn đầu tư là 185,3 tỷ đồng. Hiện tại, đội tàu của GSP được nâng lên 7 chiếc với tổng trọng tải là 17.000 DWT, trong đó tàu Oceanus 09 là tàu có trọng tải lớn nhất (5.000 DWT) do công ty con Nhật Việt làm chủ đầu tư. Tuổi tàu trung bình của đội tàu vào khoảng 21 năm, trẻ hơn nhiều so với độ tuổi trung bình 29 năm các tàu chở LPG của đối thủ cạnh tranh. Trong năm 2013, đội tàu của GSP luôn được vận hành liên tục và ít phải chạy tuyến nước ngoài do hoạt động của nhà máy Dung không bị gián đoạn. Dự kiến năm 2014, GSP sẽ tiến hành đầu tư thêm một tàu vận tải LPG có trọng tải 5.000-7.500 tấn. Tuy nhiên, việc đầu tư mới sẽ tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và khả năng đi vay của doanh nghiệp.

Cơ cấu chi phí thay đổi đáng kể so với năm 2012. Tính đến hết quý III/2013, tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong cơ cấu chi phí tăng mạnh từ mức 37% trong năm 2012 lên 52%. Trong năm 2013, đội tàu của GSP kiểm soát khá tốt chi phí nhiên liệu, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu/doanh thu của công ty mẹ giảm từ mức 27% của năm 2012 xuống còn 24%. Tuy nhiên, chi phí của công ty con gia tăng khiến cho biên lợi nhuận gộp dự kiến sau hợp nhất năm 2013 giảm nhẹ còn 11,3% từ mức 11,76% trong năm 2012.

Kết quả kinh doanh năm 2014 dự kiến không khả quan bằng năm nay. Trong năm sau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành dừng để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, điều này ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng vận chuyển LPG của GSP. Để đảm bảo tàu vận hành thông suốt, GSP phải chọn phương án cho thuê tàu ngoài tương đối khó khăn với tỷ suất biên lợi nhuận thấp hơn. Đồng thời, chi phí tài chính năm 2014 cũng tăng lên do công ty con của GSP đã vay thêm 130 tỷ đồng để mua tàu Oceanus 09.

Năm 2014, GSP dự kiến đặt kế hoạch doanh thu khoảng 800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 70 tỷ đồng, thận trọng hơn nhiều so với kết quả của năm 2013. Theo thông tin chúng tôi được biết, trong năm 2013, công ty đã tiến hành đàm phán tăng giá cước với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, tuy nhiên, việc đàm phán hiện vẫn chưa có kết quả. Do đó, chúng tôi ước tính thận trọng lợi nhuận sau thuế sau khi loại trừ lợi ích của cổ đông thiểu số năm 2014 đạt 45,7 tỷ đồng (trong trường hợp đàm phán chưa xong).

GSP là một trong những công ty hoạt động ổn định nhất trực thuộc PVTrans (Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí). GSP đồng thời cũng là công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả nếu so với các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển do ưu thế gần như độc quyền về vận chuyển LPG cho hai Nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy xử lý khí Dinh Cố.

Kế hoạch đầu tư tàu mới sau hai năm trì hoãn đã được thực hiện trong năm 2013 là một bước tiến giúp GSP gia tăng năng lực vận chuyển. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc áp lực tài chính từ nợ vay của GSP cũng tăng theo.

Khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của GSP phụ thuộc phần lớn vào sản lượng LPG từ hai nhà máy và năng lực của đội tàu chở LPG do GSP hầu như không tham gia vào vận chuyển LPG thương mại.

Giai đoạn 2013-2017 được đánh giá sẽ là giai đoạn bản lề để GSP đầu tư nhằm gia tăng khả năng chuyên chở LPG khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động (dự kiến 2017). EPS năm 2013 ước tính khoảng 1.672 đồng/cp, tại mức giá ngày 10/12/2013 là 11.500 đồng/cp, GSP đang giao dịch với mức P/E forward khoảng 6,9 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E trung bình của các doanh nghiệp vận tải cùng ngành (~17,6 lần).

3- VNS: Lợi nhuận 2014 sẽ đạt 262 tỷ đồng

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

VNS đã phát hành thành công 3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Teal Two Partners để tăng vốn điều lệ từ 405 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng. Điều đáng chú ý ở đây là giá phát hành cho nhà đầu tư ngoại này là 45.000/cổ phiếu, cao hơn giá phát hành dự kiến (44.000 đồng/cổ phiếu), nhưng vẫn thấp hơn 6% so với giá thị trường ngày 11/12/2013 . Số cổ phiếu này bị hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm. Do VNS phát hành vào giữa tháng 12 nên EPS trong năm 2013 gần như không bị pha loãng.

Nguồn vốn 135 tỷ đồng được bổ sung sau đợt phát hành này đã đáp ứng được khoảng 40% vốn dùng để đầu tư 500 xe mới cho mục đích mở rộng thị trường là Nha Trang và Hà Nội. Nha Trang là thành phố du lịch với nhiều du khách đến từ Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nơi đã biết đến chất lượng của VNS. Trong khi đó tại Hà Nội, với số lượng 17.400 taxi toàn thị trường đã đáp ứng nhu cầu tại đây. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng VNS sẽ giành được thị phần từ đối thủ ở Hà Nội nhờ sự khác biệt về chất lượng phục vụ và dòng xe cao cấp hơn (Toyota) so với các dòng xe hiện có tại thị trường này (Kia, Nissan, etc).

Lợi nhuận sau thuế trong năm 2013 được kỳ vọng tăng 43% cùng kỳ lên 216 tỷ đồng dựa trên giả định doanh thu tăng 11% và thu nhập khác tăng hơn 3 lần nhờ số xe thanh lý trong năm 2013 là 250 chiếc so với 55 chiếc trong năm 2012.

VNS đã đưa ra chiến lược kinh doanh 2014-2015 với lãi 2014 là 253 tỷ đồng và 2015 là 305 tỷ đồng. Chiến lược này khá sát với dự phóng của chúng tôi với lợi nhuận 2014 là 262 tỷ đồng và 2015 là 293 tỷ đồng. Ngoài ra, ban lãnh đạo VNS đã dự định sẽ chia thưởng bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% trong năm 2014 và 20% trong năm 2015.

Giá cổ phiếu của VNS đã tăng gần 20% trong 2 tháng sau khi đại hội bất thường thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ vào ngày 27/8/2013 vừa qua. VNS đang giao dịch với P/E kỳ vọng 2013 là 8,8 lần so với mức tăng trưởng EPS trong năm 2014 gần 20%. Tuy nhiên, một điểm trừ cho cổ phiếu này là VNS có thanh khoản khá thấp.

4- HSG: Có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao trong năm 2014

(CTCK SSI - SSI)

cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/12

HSG công bố kết quả kinh doanh tháng 11 với doanh thu và lợi nhuận ròng tăng tương ứng 10,6% và 7,7% so với tháng 10. Trong 2 tháng đầu năm 2014, mặc dù doanh thu tăng, lợi nhuận ròng giảm 5,9%. Chúng tôi cho rằng HSG khó có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao trong năm 2014 như đã làm được trong năm 2013. Chúng tôi dự báo năm 2014 HSG sẽ đạt doanh thu 13.622 tỷ đồng, tăng 15,8% và lợi nhuận ròng 483 tỷ đồng, giảm 16,7% so với năm trước, tương ứng EPS là 4.984 đồng. HSG sẽ tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 8/1/2014.

Phiên 11/12: Tháo chạy
Lực xả hàng ồ ạt, nhất là ở các mã đầu cơ khiến thị trường giảm mạnh, nếu không có “má phanh” VNM, thị trường sẽ còn lao dốc mạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư