Đà giảm ngày càng nới rộng hơn về cuối phiên đã khiến VN-Index ngậm ngùi chia tay mốc 730 điểm, rơi xuống mức thấp nhất phiên, trong khi HNX-Index cũng thủng ngưỡng 90 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, trong khi lực cầu có phần thận trọng hơn thì áp lực bán vẫn diễn ra khá ồ ạt, khiến thị trường giao dịch tiêu cực hơn. VN-Index lao dốc mạnh hơn và tiếp tục xuyên thủng ngưỡng 725 điểm sau khoảng 20 phút giao dịch. Tuy nhiên, tại đây, lực cầu hấp thụ được đẩy mạnh đã giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm và đã đứng vững tại mốc 725 đến hết phiên.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 169 mã giảm và chỉ 94 mã tăng, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,79%) xuống 725,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 249,51 triệu đơn vị, giá trị 4.334,33 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 36 triệu đơn vị, giá trị 553,3 tỷ đồng. Riêng SAM thỏa thuận 20,98 triệu đơn vị, giá trị 190,93 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 12/4 |
Tương tự, đà giảm mạnh của nhóm bluechip cũng khiến sàn HNX duy trì đà giảm suốt phiên chiều. Kết phiên, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,8%) xuống 89,91 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 53,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 584 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 377.947 đơn vị, giá trị 2,63 tỷ đồng.
Trái với diễn biến của hầu hết các trụ cột như VIC, GAS, MSN đều nới rộng đà giảm, cổ phiếu VNM đã đảo chiều thành công nhưng mức tăng chỉ 0,35%, không đủ sức để gánh đỡ các mã lớn khác.
Bên cạnh đó, cặp đôi lớn cổ phiếu ngành bia SAB và BHN cũng lao mạnh và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau những phiên khởi sắc liên tiếp. Kết phiên, SAB giảm 2,2%, xuống mức giá thấp nhất ngày 203.000 đồng/CP, còn BHN giảm 3,8% xuống mức 84.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng đồng loạt giảm sâu như HSG giảm 3,9%, HPG giảm 0,9%, NKG giảm 3,1%, POM giảm tới 6%, TLH giảm 1,8%, VIS giảm 0,2%...
Trên sàn HOSE, chỉ còn PDR cùng một số mã tí hon như CIG, LCM, HID, ATG, CMX tăng trần.
Nhóm cổ phiếu thị trường quen thuộc chịu áp lực bán khá mạnh, với tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi cha con HAG-HNG. Trong khi HAG thoát giá sàn nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng thì HNG kết phiên trong sắc xanh mắt mèo.
Cụ thể, HAG giảm 5,9% đóng cửa tại mức giá 8.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,34 triệu đơn vị, còn HNG giảm 7% xuống mức giá sàn 10.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, FLC giảm tới 5,5% xuống mức thấp nhất ngát 7.560 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 30,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu ITA cũng có thời điểm lui về mức giá sàn và đóng cửa tại mức giá 3.080 đồng/CP, giảm 5,2% với khối lượng khớp 21,66 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực bán giá thấp đã được tiết chế giúp SHB le lói sắc xanh khi kết phiên tăng nhẹ 1,5% lên mức 6.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 14,43 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của SHB trong tuần này.
Ngược lại, người anh em cùng họ - ACB vẫn chịu áp lực bán ra mạnh và nới rộng đà giảm với biên độ 2,5%, xuống mức giá 23.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 4,19 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu lớn trong nhóm dầu khí cũng đồng loạt quay về mốc tham chiếu hoặc giảm điểm như PVC, PVB, PVS, PLC…, cùng sắc đỏ chiếm phần lớn trong nhóm HNX30 như HUT, LAS, NTP, VCG, VCS…, đóng vai trò là lực hãm chính kéo thị trường đi xuống.
Trên sàn UPCoM, tiếp nhận tín hiệu đỏ từ 2 sàn chính, chỉ số trên sàn này cũng bắt đầu rung lắc khi bước sang phiên chiều và chính thức đảo chiều sau 1 giờ giao dịch.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%) xuống 57,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,39 triệu đơn vị, giá trị 236,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 0,8 triệu đơn vị, giá trị 15,23 tỷ đồng.
Cổ phiếu HNF vẫn là điểm nóng trên sàn UPCoM. Lượng dư mua trần khá lớn đã được hấp thụ gần hết trong phiên chiều giúp thanh khoản của HNF tăng vọt. Kết phiên, HNF giữ sắc tím với mức tăng 14,63% và khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn với 4,58 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trong khi cổ phiếu lớn trên sàn niêm yết là VJC có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp thì HVN vẫn khoác trên mình chiếc áo đỏ trong từng đó phiên giao dịch. Đóng cửa, HVN giảm 3,5% xuống mức thấp nhất ngày 24.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 707.200 đơn vị.