Sự tích cực trong những phút cuối phiên sáng giúp VN-Index tiếp tục hưng phấn trong phiên chiều, điển hình là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu thị trường.
Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá đã lan tỏa sang những nhóm cổ phiếu khác, sắc xanh theo đó chiếm thế áp đảo và VN-Index thăng hoa trở lại. Về thanh khoản, tuy dòng tiền không còn manh như những phiên vừa qua, song cũng có sự cải thiện.
Đóng cửa, với 198 mã tăng và 83 mã giảm, VN-Index tăng 11,45 điểm (+1,24%) lên 935,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,03 triệu đơn vị, giá trị 3.944,98 tỷ đồng, tăng 9,3% về khối lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên 13/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,76 triệu đơn vị, giá trị 793,25 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 5,735 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 351,94 tỷ đồng và 1,1 triệu cổ phiếu VJC, giá trị 157,3 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 14/12 |
Ngoại trừ VCB đã tăng tốt từ sớm, nhiều mã ngân hàng cũng khởi sắc theo về cuối phiên. Cụ thể, BID đảo chiều tăng 2,3% lên 24,450 đồng, CTG thậm chí còn tăng tới 5,5% lên 22.000 đồng, trong khi VCB tăng 3% lên 45.300 đồng, MBB tăng 3,2% lên 24.000 đồng; STB tăng 4,2% lên 12.500 đồng; VPB tăng 1,5% lên 38.400 đồng…
Dù tăng tốt với 21 mã tăng điểm và tạo lực đẩy chính cho chỉ số, song thanh khoản của các bluechips đã giảm rõ rệt so với phiên gần đây. Trong số các mã có lượng khớp tốt nhất trong nhóm VN30, ngoại trừ VPB, thì cổ phiếu ngân hàng góp mặt đầy đủ, trong đó MBB dẫn đầu với chỉ 2,93 triệu đơn vi, các mã STB, CTG, VCB cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
VNM phiên này tăng mạnh 3,2% và trở lại mốc 201.000 đồng, song khớp chỉ 0,837 triệu đơn vị.
Ngược lại, tạo sức cản lên chỉ số là VRE, SAB, GAS, PVD, NVL, BVH và KDC, trong đó SAB giảm 1,6% về 309.000 đồng. NVL giảm 1,1% về 61.600 đồng trước sức ép của khối ngoại khi bị khối này bán tới hơn 2 triệu đơn vị. VIC cũng chỉ lình xình quanh tham chiếu, thanh khoản khá yếu.
Nhìn chung, ngoại trừ dầu khí, các nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, thép, chứng khoán, săm lốp, dệt may… đều tăng. Sự tích cực từ các mã bluechips nói chung và ngân hàng nói riêng đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp thị trường cải thiện tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Tích cực nhất là các mã thị trường, khi đa phần nhóm này tăng mạnh như FLC, ASM, FIT, HQC, HAI, HAR, SCR, HAG… Sắc tím cũng nở rộ ở nhóm này, tiêu biểu là AMD, VHG, JVC, VOS, DAH, MHC, ASP…
FLC dẫn đầu thanh khoản HOSE với 19,49 triệu đơn vị. AMD giao dịch đột biến với 11,36 triệu đơn vị, đứng thứ 2 và còn dư mua trần tới 10,22 triệu đơn vị. Tương tự, VHG cũng khớp 4,2 triệu đơn vị và dư mua trần khá lớn.