Mở cửa phiên sáng nay, VN-Index giảm khá mạnh ngay đầu phiên khi chứng kiến chứng khoán Mỹ và châu Á đồng loạt giảm sâu sau động thái trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, chỉ số sau đó dần hồi phục, thậm chí tăng điểm nhờ cầu bắt đáy nhập cuộc tương đối chủ động, trước khi lùi nhẹ qua tham chiếu khi kết phiên sáng.

Với đà hồi phục ổn định của phiên sáng, thị trường diễn biến tích cực hơn hẳn trong phiên chiều. Bên cạnh sự thuận lợi về tâm lý, lực cầu tốt tiếp tục được duy trì trong phiên, tập trung tại nhóm cổ phiếu dầu khí cũng như các bluechips, kéo VN-Index bật tăng gần 7 điểm và cũng là mức cao nhất ngày. Dù vậy, về thanh khoản, phiên hôm nay vẫn thấp hơn đáng kể so với phiên hôm qua, cho dù sức cầu thị trường là tương đôi tốt.

Đóng cửa, với 144 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index tăng 6,8 điểm (+0,71%) lên 965,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 158,17 triệu đơn vị, giá trị 3.481,83 tỷ đồng, giảm 32% về lượng và 23% về giá trị so với phiên 13/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 23 triệu đơn vị, giá trị hơn 570 tỷ đồng, đáng chú ý có 7,05 triệu cổ phiếu SAM, giá trị gần 53 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 14/5
Diễn biến VN-Index phiên 14/5

Trong phiên tăng này, nhóm cổ phiếu dầu khí chính là tâm điểm, với điểm nhấn là mã POW. Sau thông tin lọt vào rổ MSCI Frontier Makets Index và dự báo sẽ tiếp tục vào FTSE Vietnam Index, cổ phiếu POW đã bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trần 15.200 đồng (+%), khớp lệnh 5,56 triệu đơn vị - đứng thứ 3 sàn HOSE và là mức cao nhất trong gần 2 tháng qua.

Bên cạnh sức cầu nội mạnh mẽ, khối ngoại cũng mua ròng hơn 1 triệu đơn vị POW - mạnh nhất sàn. Sự tích cực từ POW đã lan tỏa ra các cổ phiếu dầu khí lớn nhỏ khác đều tăng mạnh, trong đó GAS tăng 2,3% lên 109.000 đồng; PLX tăng 2,6% lên 62.400 đồng và khớp hơn 1 triệu đơn vị; PVD tăng 5,5% lên 21.200 đồng và khớp được 6,3 triệu đơn vị...

Ngoài nhóm dầu khí, sức cầu tốt còn tập trung vào nhiều mã bluechips khác, rổ VN30 có tới 18 mã tăng điểm, bao gồm các mã lớn như SAB, VNM, VIC, VCB, VJC..., qua đó góp phần tích cực vào đà tăng chung của chỉ số.

Riêng ROS ghi nhận sự hồi phục tích cực nhất, từ mức giảm thấp nhất ngày 30.100 đồng, kết phiên tăng lên 34.000 đồng, tương ứng tăng 6,2% so với giá tham chiếu 32.000 đồng, thanh khoản dẫn đầu HOSE với 11,26 triệu đơn vị được khớp - mức cao nhất trong 1,5 tháng qua.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cùng mức thanh khoản cao cũng lan tỏa ở nhiều mã như ITA, KBC, ASM, AAA, HVG, DLG, LDG..., trong khi các mã như FLC, HBC, DXG, HAG, VHG... giảm điểm.

Đà tăng tích cực của HOSE cũng lan sang sàn HNX, giúp sàn HNX kịp tăng điểm vào cuối phiên, thanh khoản cải thiện mạnh. 

Đóng cửa, với 65 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%) lên 105,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,22 triệu đơn vị, giá trị 524 tỷ đồng, tăng 41% về lượng và 30% về giá trị so với phiên 13/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá khiêm tốn với 3,3 triệu đơn vị, giá trị 42,3 tỷ đồng, trong đó VIX thỏa thuận 1,8 triệu đơn vị, giá trị 14,4 tỷ đồng.

Tương tự HOSE, nhóm cổ phiếu dầu khí và bluechips cũng là lực đỡ chính giúp HNX tăng điểm cuối phiên. PVS đóng góp tích cực nhất với mức tăng 4,7% lên 24.300 đồng, khớp lệnh 5,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Ngoài ra, VCG tăng 1,2%, VGC tăng 1%, PVI tăng 2,7%, NDN tăng 7,6%, SHS tăng 1,7%..., nhiều mã thanh khoản mạnh như VGC khớp hơn 3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HNX; NDN khớp 2,5 triệu đơn vị; SHS khớp gần 1,4 triệu đơn vị...

Ngược lại, các mã ACB -0,3%, VCS -0,5%, SHB -1,4%, NTP -0,6%, NVB -2,2%..., tạo sức ì lớn cho chỉ số. ACB và SHB cùng khớp trên 1,3 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà hồi phục đã đuối dần về cuối phiên khi sức cầu giảm sút, cũng như thiếu lực đỡ của các mã lớn, nên không thể tăng khi kết phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%) về 55,15 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 10,54 triệu đơn vị, giá trị 168,44 tỷ đồng, tăng 41% về lượng và 29% về giá trị so với phiên 13/5. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 42,55 tỷ đồng.

BSR, OIL, VGT, GVR và VGI là 5 mã có thanh khoản cao nhất sàn, đồng thời cùng tăng điểm. Trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất, đạt 3,36 triệu đơn vị, tăng 2,2% lên 14.000 đồng; VGT khớp 1,02 triệu đơn vị và tăng 5,3% lên 12.000 đồng.

Ngược lại, nhiều mã lớn khác giảm điểm, tạo lực cảnh mạnh lên chỉ số là LPB, QNS, CTR, VEA, DVN, MSR, KDF...