Đà tăng khá mạnh trong 1 tháng qua khiến hầu hết giới phân tích đều nhận định thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời và sớm quay đầu điều chỉnh. Không nằm ngoài dự báo trên, trong phiên hôm qua (ngày 14/8), áp lực bán ồ ạt tung ra trong phiên chiều khiến thị trường lao dốc mạnh. Chỉ số VN-Index mất gần 17 điểm, về mức thấp nhất ngày và tiệm cận mốc 960 điểm.

Điểm đáng chú ý là bên cạnh giao dịch trong nước mua vào khá thận trọng, nhà đầu tư nước ngoài cũng khá dè dặt trong những phiên gần đây với lượng mua bán liên tục giảm mạnh. Trong đó, phiên hôm qua có lượng mua bán của khối ngoại đạt thấp nhất kể từ đầu năm.

Trong phiên giao dịch sáng nay 15/8, lực bán vẫn duy trì khá mạnh khiến sắc đỏ bao trùm, chỉ số VN-Index có thời điểm lùi sâu dưới mốc 950 điểm. Mặc dù đã lấy lại được ngưỡng 955 điểm nhưng tâm lý muốn bán thoát hàng của nhà đầu tư khiến thị trường vẫn chìm sâu trong sắc đỏ, VN-Index vẫn mất tới hơn 10 điểm khi tạm chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu có dấu hiệu gia tăng, nhất là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, kéo nhiều mã quay đầu tăng giá, giúp VN-Index đảo chiều và bứt qua tham chiếu, đóng cửa với sắc xanh nhạt. 

Đóng cửa, sàn HOSE có 133 mã tăng và 128 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 2,91 điểm (+0,3%) lên mức 964,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 173,83 triệu đơn vị, giá trị 4.358,64 tỷ đồng, giảm 7,89% về lượng và hơn 2% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 17,84 triệu đơn vị, giá trị 592,23 tỷ đồng. Trong đó, GEX thỏa thuận 5,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 151,4 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 1,39 triệu đơn vị, giá trị hơn 87 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 16/8
Diễn biến VN-Index phiên 16/8

Nếu trong phiên sáng nay, các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí là tội đồ chính đẩy thị trường giảm sâu thì sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu trở thành điểm tựa chính giúp thị trường “lật ngược thế cờ”.

Hầu hết các mã dòng bank hồi phục khá tốt như BID tăng 2,4% lên mức 30.000 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị; CTG tăng 3,8% lên mức 26.150 đồng/CP và khớp 11,23 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE; MBB tăng 1,7% lên mức 23.700 đồng/CP và khớp 7,55 triệu đơn vị; HDB tăng nhẹ 0,4% lên mức 36.650 đồng/CP và khớp 1,18 triệu đơn vị; các mã VCB, STB, VPB cũng lấy lại mốc tham chiếu.

Thêm vào đó, các mã lớn khác như VNM, VIC, SAB, PLX, MWG, VRE… cũng đều lấy lại sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu dầu khí PLX tăng 2,9% lên mức 64.600 đồng/CP và khớp lệnh 1,44 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã quen thuộc cũng đảo chiều bật tăng như FLC, DXG, TTF, OGC, DLG, QCG… Trong đó, OCG tăng 6,6% lên mức giá trần 2.250 đồng/CP và khớp lệnh 2,47 triệu đơn vị.

Mới đây, Tập đoàn Đại Dương (mã OCG) vừa công bố thông tin về việc liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm và các đồng bọn. Theo đó, tài sản bị kê biên bao gồm 68,78 triệu cổ phiếu đứng tên doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (Hà Văn Thắm là chủ doanh nghiệp) tại CTCP Tập đoàn Đại Dương và hơn 3,33 triệu cổ phiếu đứng tên Hà Văn Thắm tại CTCP Tập đoàn Đại Dương.

Trên sàn HNX, dòng tiền chảy mạnh cũng đã giúp thị trường đảo chiều hồi phục sau hơn 1 giờ giao dịch. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index đã kém may mắn hơn khi thiếu sự đồng thuận của một số mã lớn.

Đóng cửa, HNX-Index giảm nhẹ 0,1 điểm (-0,1%) xuống 107,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,52 triệu đơn vị, giá trị 662,19 tỷ đồng, giảm 21,94% về lượng và 20,12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 30.855 đơn vị, giá trị hơn 178 triệu đồng.

Trái với sự hồi phục tích cực của dòng bank trên sàn HOSE, các mã trong nhóm này trên sàn HNX vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Trong đó, ACB giảm 0,5% xuống mức 36.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh hơn 6,7 triệu đơn vị; còn SHB giảm 1,2% xuống mức 8.300 đồng/CP và khớp hơn 9 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác như VCG, VGC, PLC… vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng có phần tích cực hơn trong phiên chiều khi chỉ số sàn bật lên và diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu.

Kết phiên, UPCoM-Index đứng ở mức tham chiếu 51,38 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Các mã lớn vẫn giao dịch trong sắc đỏ nhe BSR giảm 4,5% xuống mức 16.800 đồng/CP, POW giảm 1,5% xuống mức 13.000 đồng/CP, HVN giảm 0,3% xuống mức 39.300 đồng/CP, LPB giảm 1,1% xuống mức 9.400 đồng/CP…

Trong đó, BSR, VEA và LPB là 3 mã giao dịch tốt nhất sàn với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 2,59 triệu đơn vị, 2,23 triệu đơn vị và 1,88 triệu đơn vị.