Sau khi thông tin lãi suất USD giảm 0,25 điểm phần trăm chính thức được công bố, nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới ghi nhận phiên đỏ lửa. Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 1/8 trong tâm thế thận trọng. Mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều mã bluechips, nhưng trước sự dè dặt của nhà đầu tư, VN-Index rung lắc mạnh, thậm chí nhiều thời điểm đã lùi qua tham chiếu, trước khi bật trở lại ở cuối phiên sáng.

Trong phiên chiều, diễn biến thị trường đã tích cực hơn khi sự dè dặt dần được cởi bỏ. Dẫu vậy, áp lực ở vùng giá cao liên tục đẩy VN-Index lùi trở lại sau mỗi nhịp tăng. Tuy nhiên, dưới sự nâng đỡ của nhóm bluechips, VN-Index vẫn đứng ở mức cao nhất ngày khi lại bật lên ở cuối phiên, áp sát mốc 1.000 điểm.

Đóng cửa, với 149 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,58%) lên 997,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 222,65 triệu đơn vị, giá trị 5.176 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 31/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 87,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.283 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 1/8
Diễn biến VN-Index phiên 1/8

Nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục là bệ đỡ chính cho VN-Index trong phiên hôm nay khi đồng loạt tăng mạnh, trong đó "hạt nhân" vẫn là nhóm cổ phiếu họ Vingroup. Cụ thể, VIC +2% lên 124.400 đồng, VHM +2,6% lên 90.500 đồng, VRE +0,1% lên 37.000 đồng.

Các mã tăng đáng kể khác như NVL +2,6% lên 59.200 đồng, MWG +1,6% lên 108.500 đồng, PNJ +1,8% lên 78.200 đồng...

Về thanh khoản, ROS dẫn đầu với 10,73 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 0,2% lên 27.200 đồng. Các mã thanh khoản cao khác có HPG, STB khi cùng khớp trên 5 triệu đơn vị, nhưng chỉ HPG tăng điểm lên 22.600 đồng (+0,2%).

Ngược lại, các mã tạo lực cản lớn lên chỉ số có CTG, HVN, POW, EIB, STB, TPB khi đều giảm từ 1,3-1,7%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế trước áp lực bán mạnh. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu bất động sản (PDR, NTL, DLG, IJC, LDG, HDG, HDC...) và khu công nghiệp (ITA, KBC, SZL, SZC, D2D...) vẫn giữ được phong độ, trong đó SZC, D2D còn tăng trần. Thanh khoản tương đối tích cực.

Các mã GAB, ILB, KSB cũng giữ sắc tím. Với GAB, phiên tăng này đã tạm ngắt chuỗi 3 phiên giảm sàn liên tiếp, lên mức 9.490 đồng. KSB tăng lên 21.450 đồng, qua đó cắt chuỗi 6 phiên giảm liên tục. Dẫu vậy, thanh khoản các mã này không cao.

Trên sàn HNX, diễn biến lại không mấy tích cực khi đà giảm có xu hướng tăng dần. Áp lực xả khiến sàn này chìm trong sắc đỏ ở phiên chiều.

Đóng cửa, với 67 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,52%) xuống 103,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,64 triệu đơn vị, giá trị 346,84 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng, nhưng tăng 232% về giá trị so với phiên 31/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 54 tỷ đồng.

Trong các mã bluechips, chỉ còn một số mã tăng tốt như VCS, VCG, PVI, NTP..., trong đó VCS tăng mạnh 6,2% lên 81.100 đồng, nên phần nào hãm bớt đà rơi cho chỉ số, khi mà nhiều mã lớn khác như ACB, PVS, DGC, NVB, VNS, SHS, PLC... đồng loạt giảm mạnh.

Trong đó, ACB -1,3% về 22.500 đồng, khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị; PVS -0,9% về 22.200 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị. SHB khớp 2,95 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, nhưng đứng giá 6.600 đồng. Đây cũng là 3 mã có thanh khoản vượt trội so với phần còn lại.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng khá tiêu cực, nhưng dẫu sao chỉ số sàn này cũng thu hẹp được đà giảm về cuối phiên, thanh khoản gia tăng.

Đóng cửa, với 118 mã tăng và 65 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%) xuống 58,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,16 triệu đơn vị, giá trị 488 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 31/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 8,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 271 tỷ đồng, trong đó có 4 triệu cổ phiếu VLB giá trị 147,6 tỷ đồng.

Phiên này, sàn UPCoM không có mã nào khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Mã khớp lệnh cao nhất là GVR với 0,91 triệu đơn vị, tăng 1,4% lên 14.800 đồng. Nhiều mã lớn khác cũng tăng, song mưc tăng không mạnh như BSR, VGI, VGT, CTR, VIB, VEA...

Ngược lại, các mã lớn giảm có có LPB, QNS, VGG, KDF..., trong đó tân binh VBB đã giảm 1,9% về 20.300 đồng sau phiên tăng trần ngày chào sàn 31/7.

Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.

Với hợp đồng tương lai chỉ số VN30, chỉ duy nhất 1 mã tăng là VN30F2003, còn 3 khác cùng giảm. Mã được giao dịch mạnh nhất là VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với 125.272 hợp đồng được chuyển nhượng, hợp đồng mở 19.749 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã niêm yết, có 5 mã giảm và 8 mã tăng, mức biến động giá không quá lớn. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG1902 với 256.750 đơn vị được chuyển nhượng, tiếp đó là CVNM1901 với 241.550 đơn vị và CMWWG1903 với 220.850 đơn vị.