Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Ngành quỹ đang thu hút dòng tiền, cần "tiếp sức" bằng cơ chế hỗ trợ
Ngành quỹ đang đón nhận những thông tin tích cực trong 6 tháng đầu năm 2019 khi tăng cả về số lượng và giá trị tài sản ròng (NAV). Tuy vậy, để có thể phát triển mạnh mẽ hơn, ngành này cần thêm cơ chế hỗ trợ.
Nửa còn lại của năm nay, thị trường ngành quỹ dự báo sẽ vẫn sôi động khi dòng tiền tiếp tục hướng đến các quỹ đầu tư
Nửa còn lại của năm nay, thị trường ngành quỹ dự báo sẽ vẫn sôi động khi dòng tiền tiếp tục hướng đến các quỹ đầu tư

6 tháng, tổng NAV đạt 30.000 tỷ đồng...

Một điểm đáng chú ý trên thị trường ngành quỹ 6 tháng đầu năm nay, theo một lãnh đạo Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đó là số lượng các quỹ mới được thành lập tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước khi có 6 quỹ được thành lập thêm, bao gồm 1 quỹ thành viên và 5 quỹ mở. Tính đến hết tháng 6/2019, trên thị trường có tổng cộng 46 quỹ đầu tư chứng khoán, gấp 2,3 lần so với năm 2013 (có 19 quỹ), trong đó chiếm áp đảo là 30 quỹ mở, tiếp đến là 11 quỹ thành viên, 2 quỹ đóng, 2 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản.

Đáng nói là trong những quỹ mở mới ra đời, nhiều quỹ do công ty quản lý quỹ có vốn ngoại thành lập như Quỹ đầu tư trái phiếu mở rộng Chubb có vốn điều lệ hơn 60,9 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Chubb Life thành lập, Quỹ đầu tư tăng trưởng DFVN có vốn điều lệ trên 75,1 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam thành lập…

Cùng với số lượng quỹ, tổng giá trị NAV của các quỹ đầu tư cũng tăng cao trong 6 tháng qua, đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cuối năm 2017 (15.300 tỷ đồng). Tính đến cuối tháng 6/2019, số lượng các quỹ đầu tư có NAV tăng và đạt từ 500 tỷ đồng trở lên xuất hiện ngày một nhiều, chăng hạn NAV của Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) do CTCP Quản lý quỹ Kỹ thương quản lý đạt 11.426 tỷ đồng; NAV của Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1), Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) và Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) đều do CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý lần lượt đạt 1.004,4 tỷ đồng, 771,3 tỷ đồng và  539,9 tỷ đồng…

Lý giải nguyên nhân các quỹ tăng cả về số lượng và giá trị, đại diện UBCK cho rằng, đó là bởi hiểu biết của nhà đầu tư về quỹ mở ngày càng tăng cao nên họ tham gia mua chứng chỉ quỹ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, quá trình cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán và thành lập các quỹ đầu tư được Bộ Tài chính, UBCK tiếp tục thúc đẩy đang tạo thuận lợi cho thế hệ quỹ mới ra đời...

Mặt khác, cùng với tính chuyên nghiệp dần được cải thiện, hiệu quả đầu tư sau thời gian bước đầu được kiểm chứng, nhiều công ty quản lý quỹ dần tạo được niềm tin trên thị trường, nên dần tăng thu hút nhà đầu tư rót vốn. Xu hướng này được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới khi mà các sản phẩm có độ khó đang được thúc đẩy triển khai theo hướng ban đầu chỉ giới hạn nhà đầu tư tổ chức tham gia, như gần đây là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, nên để đa dạng hóa cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đã tìm đến các quỹ đầu tư.

... Dự báo sẽ khả quan trong nửa cuối năm

Theo dự báo của UBCK, trong nửa còn lại của năm nay, thị trường ngành quỹ sẽ vẫn sôi động khi dòng tiền tiếp tục hướng đến các quỹ đầu tư. Thực tế, từ đầu tháng 7 đến nay, bên cạnh một số quỹ mới đã được thành lập, còn có một số quỹ mở đang trong giai đoạn chào bán, nhiều công ty quản lý quỹ đang xây dựng hồ sơ đăng ký chào bán quỹ ETF mới, dự kiến mô phỏng chỉ số VN100.

Đơn cử, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 7 này, ngoài cấp phép thành lập Quỹ đầu tư cân bằng tuệ sáng VinaCapital cho CTCP Quản lý quỹ VinaCapital, UBCK đã cấp phép thành lập Quỹ đầu tư trái phiếu VND (quỹ mở), vốn điều lệ 50,3 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A. Bên cạnh đang quản lý hai quỹ mở gồm Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF - BCF), Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) vừa kết thúc đợt IPO để gọi vốn cho lập Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF (VCBF - FIF), tuy nhiên số vốn huy động thành công vẫn chưa được công khai.

Bên cạnh loại hình quỹ truyền thống, trong tháng 5/2019, Bộ Tài chính lần đầu tiên đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện cho VFM, mở đường cho sự ra đời của loại hình quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư của VCBF cho rằng, nếu có các chính sách hỗ trợ như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với phần đóng góp vào quỹ, đồng thời cho phép doanh nghiệp lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như hiện tại, hoặc tham gia bảo hiểm qua các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, loại hình quỹ này sẽ phát triển mạnh trong tương lai, góp phần giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội.

“Với kinh nghiệm quản lý đầu tư cho các cá nhân, tổ chức, quỹ hưu trí, quỹ tín thác hơn 70 năm từ Tập đoàn mẹ là Franklin Templeton
Investments (Mỹ) và kinh nghiệm quản lý quỹ gần 14 năm tại thị trường Việt Nam, VCBF tự tin trong quản lý các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện khi loại hình quỹ này được hình thành...”, bà Nga nói.

Chờ cơ chế tiếp sức

Tuy dòng tiền gần đây chảy vào hệ thống các quỹ đầu tư mạnh hơn, nhưng theo con số mới nhất vừa được UBCK công khai, trong tổng số tài khoản của nhà đầu tư đến hết tháng 6/2018 đạt hơn 2,28 triệu tài khoản (tăng 4,7% so với cuối năm 2018), chiếm áp đảo vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Thực tế này cho thấy, hành trình gia tăng nhà đầu tư tổ chức còn nhiều gian nan.

Một chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư cho biết, kinh nghiệm phát triển ngành quỹ ở các nước trên thế giới cho thấy, ưu đãi thuế là công cụ trọng yếu được nhà quản lý sử dụng để tạo động lực phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán. Ngay ở các thị trường có ngành quỹ phát triển như Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Australia, Luxembourg…, công cụ thuế vẫn được sử dụng thông qua áp dụng cơ chế: Các quỹ được miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, các nhà đầu tư tham gia vào quỹ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lợi tức nhận được từ quỹ. Trong khi đó, hệ thống thuế của Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi thuế để phát triển ngành quản lý quỹ, cho dù ngành quỹ mới ở giai đoạn phát triển ban đầu và quy mô còn khiêm tốn.

Trên thực tế, thu nhập mà nhà đầu tư được chia từ lợi nhuận ròng của các quỹ đầu tư phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế thu nhập. Hiện kênh đầu tư vào tiền gửi ngân hàng vẫn được nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam lựa chọn do lãi suất ngân hàng tương đối cao và ổn định, tạo ra sự cạnh tranh không cân sức với kênh đầu tư qua quỹ đầu tư, khiến cho nỗ lực gọi vốn để thành lập các lớp quỹ đầu tư mới gặp nhiều thách thức. Chính điều này đang tạo ra sự mâu thuẫn, khi một trong những trụ cột trong tái cơ cấu thị trường chứng khoán là tái cơ cấu nhà đầu tư theo hướng gia tăng nhà đầu tư tổ chức gặp nhiều trở lực.

Ngoài ra, tuy lĩnh vực chứng khoán đã quy định về ngân hàng thương mại được làm đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, nhưng vẫn cần có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán nhằm tạo điều kiện cho các quỹ phát triển mạng lưới phân phối chứng chỉ quỹ, qua dó dễ đưa sản phẩm này đến gần hơn với công chúng đầu tư...

Vận hành quỹ đầu tư bất động sản "tắc" vì thuế và niềm tin
Dù đã có khung pháp lý, song hiện chỉ có một quỹ quy mô 50 tỷ đồng được cấp phép khiến quỹ đầu tư bất động sản vẫn trong giai đoạn khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư