Với sự mạnh dạn của dòng tiền, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ bứt phá tiếp trong phiên chiều để chinh phục lại ngưỡng đỉnh cũ 720 điểm. Kỳ vọng này càng tưởng chừng sẽ trở thành sự thật khi dòng tiền mạnh được duy trì, giúp VN-Index nới rộng đà tăng ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, vượt qua ngưỡng 717,5 điểm.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường đã bị chặn lại do GAS, VIC và BHN đảo chiều, trong khi ROS vẫn không thể hồi phục trở lại, mà lệnh chặn mua khối lượng lớn chỉ đủ sức chặn mã này khỏi xuống mức sâu hơn.
Chốt phiên chiều, VN-Index tăng 4,53 điểm (+0,64%), lên 715,07 điểm với 162 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 175,28 triệu đơn vị, giá trị 4.026,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,9 triệu đơn vị, giá trị 604,5 tỷ đồng, chủ yếu là đóng góp từ giao dịch thỏa thuận VNM và NVL của khối ngoại.
Diễn biến VN-Index phiên 20/3 |
Tương tự, ngay đầu phiên, HNX-Index cũng bứt hẳn lên ngưỡng 89,3 điểm, nhưng cũng bị chặn lại ở ngưỡng này, đóng cửa tăng 0,65 điểm (+0,74%), lên 89,03 điểm với 77 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 46,86 triệu đơn vị, giá trị 586,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận gấp đôi phiên sáng, nâng tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận lên 3,74 triệu đơn vị, giá trị 70,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index dù cũng nới đà tăng khi bước vào phiên chiều, nhưng với sự sụt giảm mạnh từ nhóm cổ phiếu lớn như HVN, MCH, SDI, VEF, WSB, VIB… khiến chỉ số sàn này lao mạnh trở lại, có lúc đã xuống dưới tham chiếu và chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,06%), lên 58,59 điểm với 16 mã tăng và 33 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,36 triệu đơn vị, giá trị 93,67 tỷ đồng.
Trên HOSE, trong khi ROS vẫn quẩn quanh ngưỡng 151.000 đồng nhờ lực cầu chặn dưới khá lớn, chốt phiên giảm 5,37%, xuống 151.500 đồng với 5,89 triệu đơn vị được khớp, thì VJC lại bất ngờ nhảy lên mức giá trần 125.700 đồng với 307.470 đơn vị được khớp.
Ngoài ra, với lực cầu từ khối ngoại, dù chủ yếu trong phiên thỏa thuận, nhưng cũng góp phần giúp VNM hồi dần và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá, xuống 133.900 đồng với 730.260 đơn vị được khớp. Trong khi đó, GAS, BHN, VIC lại đảo chiều giảm dù phiên sáng giao dịch trogn sắc xanh. Mức giảm của các mã này dù không nhẹ, nhưng cũng góp phần cản bước tiến của VN-Index.
Trong các mã thị trường, HQC, FLC và ITA vẫn là những mã có thanh khoản tốt nhất với tổng khớp lần lượt là 18,83 triệu đơn vị, 11,74 triệu đơn vị và 7,8 triệu đơn vị. Cả 3 đóng cửa đều tăng giá với mức tăng lần lượt là 1,85%, 0,78% và 1,51%.
Trong khi đó, TTF sau khi mở cửa với mức trần 9.300 đồng đã nhanh chóng đảo chiều khi lực cung lớn xuất hiện, trong khi lực cầu không nhiều. Chốt phiên, TTF giảm xuống mức giá sàn 8.100 đồng với 832.950 đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn.
Trên HNX, ACB chính là nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng của sàn này khi đóng cửa tăng 2,14%, lên 23.900 đồng với tổng khớp 5,12 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX. Tương tự, SHB cũng tăng 2%, lên 5.100 đồng với 3,39 triệu đơn vị được khớp.
VCG và PVS cũng hỗ trợ cho HNX-Index khi tăng nhẹ 0,61% và 0,57%, trong đó VCG được khớp 3,2 triệu đơn vị và PVS được khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, NTP, PVC, BVS, CEO lại đóng cửa trong sắc đỏ, hãm bớt đà tăng của chỉ số cuối phiên.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi HKB vẫn còn dư mua trần lớn với tổng khớp 2,97 triệu đơn vị, thì KLF, SHN, HUT đóng cửa ở mức tham chiếu.
HHC vẫn giữ ở mức trần 43.700 đồng với thanh khoản thấp do không có lực bán, trong khi bên mua đang treo 13,4 triệu đơn vị giá ATC và 2 triệu đơn vị giá trần.