Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Petrolimex không dễ "đốt cháy" sàn chứng khoán
Chí Tín - 17/03/2017 09:30
 
Hiện tượng bùng nổ của các cổ phiếu đại gia khi mới niêm yết trên sàn chứng khoán gần đây khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu - Petrolimex có thể “đốt cháy” sàn chứng khoán khi chào sàn tháng 4 tới.

Săn lùng PLX

Đến thời điểm hiện tại, những khâu chuẩn bị cơ bản cho việc niêm yết của Petrolimex gần như đã hoàn thành và khả năng giữa tháng 4/2017, Petrolimex sẽ lên giao dịch. Đặc biệt, sự trở lại của thị trường tự do OTC sau nhiều năm “ngủ quên” càng khiến cho các nhà đầu tư phát sốt với những cổ phiếu đại gia trước thềm niêm yết. Từ cuối năm 2016, giới đầu tư bắt đầu thấy xuất hiện động thái săn hàng trên thị trường tự do và tại đó, cổ phiếu PLX cũng tăng giá dần theo lộ trình niêm yết.

Được biết, Petrolimex đã IPO vào năm 2011. Thời điểm đó, mức đấu giá thành công bình quân đạt 15.032 đồng/cổ phiếu. Từ khoảng tháng 11/2016, nhiều nhà đầu tư đã sục xạo tìm kiếm PLX với mức giá khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu và mức giá chào mua vẫn tiếp tục tăng lên trong giai đoạn sau đó. Đến đầu tháng 3/2017, theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn thì mức giá giao dịch OTC của PLX khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sức nóng của PLX có vẻ chưa dừng lại. Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã tham khảo một số kênh môi giới thì được biết, hiện giá để nhập hàng sẽ ở mức 46.000 - 47.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chưa chắc đã mua được.

Thực chất, việc cổ phiếu PLX được giới đầu tư săn lùng cũng có những cơ sở riêng, trong đó đáng chú ý là tình hình kinh doanh đang trong xu hướng đi lên. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex năm 2016 đạt gần 5.200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 1,5 lần so với lợi nhuận năm trước (3.400 tỷ đồng). Điều đáng chú ý là, biên lợi nhuận của PLX đang có xu hướng cải thiện, đạt tới 4,2%, trong khi biên lợi nhuận năm 2015 là 2,3%.

.
Petrolimex mong muốn JX Nippon Oil & Energy sẽ gia tăng lượng cổ phần sở hữu tại đây lên 20% trong thời gian tới.

Trong năm 2016, Petrolimex cũng đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược Nhật Bản JX Nippon Oil and Energy. Đây là một công ty cùng ngành đang chiếm 50% thị phần tại thị trường Nhật Bản. Trong thương vụ này, JX Nippon Oil and Energy đã mua 8% cổ phần của Petrolimex với giá 39.017 đồng/cổ phần. Theo đó, Petrolimex đã thu về số tiền hơn 4.039 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 11.388 tỷ đồng.

Chia sẻ với giới truyền thông, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex tỏ ra hài lòng với đối tác hiện tại khi cho biết, Petrolimex kỳ vọng sẽ chỉ có một nhà đầu tư chiến lược là JX trong lĩnh vực cốt lõi của Công ty. Petrolimex mong muốn JX Nippon Oil & Energy sẽ gia tăng lượng cổ phần sở hữu tại đây lên 20% trong thời gian tới.

Những ẩn số phía trước

Mặc dù tiềm lực của đại gia số một ngành xăng dầu là có thực, nhưng giới đầu tư cũng cần có cái nhìn rõ nét hơn về đại gia này. Bởi lẽ, Petrolimex đã có một năm 2016 khá thuận lợi, nhưng đó đã là quá khứ và con đường phía trước trong năm 2017 và các năm tiếp theo có bằng phẳng hay không là điều không dễ phán đoán.

Petrolimex đã có một năm 2016 khá thuận lợi, nhưng đã là quá khứ, con đường phía trước trong năm 2017 không dễ phán đoán.

Mặc dù lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đã tăng hơn 1,5 lần so với năm 2015, nhưng điều đáng chú ý là, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh, từ mức gần 16.700 tỷ đồng lên hơn 23.000 tỷ đồng (tăng gần 38%). Do đó, nếu tính về tỷ suất lợi nhuận trên vốn năm 2016 là 22,6%, chỉ tăng nhẹ so với con số 20% của năm 2015.

Kể cả về giá trị tuyệt đối, tổng lợi nhuận của Petrolimex trong năm 2016 tuy tăng mạnh, nhưng lợi nhuận gộp của đại gia này hầu như tăng không đáng kể là một trong những điều rất đáng chú ý. Cụ thể, lợi nhuận gộp năm 2016 của Petrolimex đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng đôi chút so với mức 13.000 tỷ đồng của năm 2015. Trong khi đó, chí phí bán hàng lại bị đẩy lên từ mức hơn 6.800 tỷ đồng lên mức hơn 7.600 tỷ đồng năm 2016. Các con số này cho thấy, trong năm 2016, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp không hề được cải thiện đáng kể so với năm 2015.

Lý do chính giúp cho lợi nhuận năm 2016 tăng mạnh không phải đến từ các hoạt động cốt lõi, mà chủ yếu nhờ chi phí tài chính năm 2016 giảm mạnh, còn gần 875 tỷ đồng so với mức gần 2.600 tỷ đồng năm 2015. Với tính chất này, hiện cũng chưa có gì đảm bảo các khoản chi phí tài chính sẽ tăng trở lại trong năm 2017. Đặc biệt, trong tình hình tỷ giá USD có tín hiệu tăng từ đầu năm 2017 đến nay có thể sẽ là một yếu tố gây áp lực lên chi phí tài chính cho Petrolimex trong năm 2017, bởi các sản phẩm do Petrolimex phân phối tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nhập khẩu.

Hé lộ những phi vụ đầu tư bất thường của Petrolimex
Tự ý góp vốn vào các doanh nghiệp con mà không có sự đồng ý của Bộ Công thương và không đúng quy định; trích lập quỹ Bình ổn giá không đúng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư