Nhìn lại phiên giao dịch sáng nay, dòng tiền hoạt động khá tích cực tại nhóm cổ phiếu bluechips kể từ thời điểm VN-Index test lại mốc 660 điểm. Cầu bắt đáy gia tăng, tập trung tại nhóm cổ phiếu này, mà tiêu biểu là SAB, VNM, HSG, HPG… Theo đó, nhiều mã có được sự hồi phục tốt, kéo VN-Index tăng trở lại về gần mốc 665 điểm.

Và trong phiên giao dịch chiều nay, khi phần nào sự thận trọng được nới lỏng, dòng tiền tiếp tục tìm đến các bluechips, giúp các mã này duy trì được đà tăng, qua đó tiếp tục kéo VN-Index nhẹ nhàng lấy lại mốc 665 điểm đã mất sau phiên giảm sâu trước đó. Không chỉ điểm số, thanh khoản của HOSE cũng tăng mạnh trở lại.

Trong khi đó, HNX-Index chịu sự giằng co mạnh khi một số mã lớn trên sàn này quay đầu giảm điểm trước áp lực chốt lời. Tuy nhiên, trước đà tăng tốt của mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB, hay NTP và VCS, HNX-Index cũng nới rộng được đà tăng trong những phút cuối phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch 21/12, với 126 mã tăng và 111 mã giảm, VN-Index tăng 4,28 điểm (+0,65%) lên 666,94 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 130 triệu đơn vị, giá trị gần 2.968 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 48 triệu đơn vị, giá trị gần 1.138 tỷ đồng. Ngoài các giao dịch thỏa thuận giá trị gần 430 tỷ đồng trong phiên sáng, phiên chiều này xuất hiện thỏa thuận giá trị “khủng” là 524,75 tỷ đồng đến từ 20,2 triệu cổ phiếu STG.

Diễn biến VN-Index phiên 21/12
Diễn biến VN-Index phiên 21/12

Tương tự, với 58 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,48 điểm (+0,61%) lên 80,25 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 30,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 309,49 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 45 tỷ đồng,

Phong độ của nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục giữ ổn định đà tăng của VN-Index.

Các mã VNM, SAB, ROS, MWG, GAS, BVH đều có mức tăng trên 1.000 đồng mỗi cổ phiếu. Riêng SAB tăng mạnh 3.600 đồng lên 200.800 đồng/CP, nhưng chỉ khớp hơn 0,24 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 0,14 triệu đơn vị

Trong khi VNM và ROS tiếp tục được giao dịch mạnh, tổng khớp cả phiên lần lượt đạt 2,363 triệu và 2,687 triệu đơn vị.

Tại VNM, khối ngoại duy trì việc bán ròng với hơn 0,1 triệu đơn vị. Được biết, VNM vửa công bố ước kết quả kinh doanh cả năm 2016 với mức lãi ròng 9.300 tỷ đồng, vượt gần 13% kế hoạch năm.

Với ROS, việc cổ phiếu này tiếp tục tăng giá giúp giá trị tài sản bằng cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục nới rộng so với ông Phạm Nhật Vượng, khi cổ phiếu VIC tiếp tục giảm điểm.

FPT cũng vừa công bố ước lãi ròng 2.260 tỷ đồng sau 11 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ 2015, tuy nhiên cổ phiếu này lại quay đầu giảm điểm khi cung giá thấp gia tăng.

Nhiều bluechips khác cũng có thanh khoản cao là HPG, HSG, STB, SBT, REE, BID và đa phần trong đó là tăng điểm.

HPG và HSG cùng khớp trên 2,4 triệu đơn vị, nhưng đáng chú ý, HSG tăng mạnh lên 51.500 đồng/CP, qua đó thiết lập mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết.

Ngoài HSG và HPG, nhóm cổ phiếu thép với NKG, TLH, VIS, VGS… cũng đều tăng điểm tốt và là một trong những nhóm có giao dịch tích cực nhất trên thị trường. TLH và VGS cùng khớp trên 1,6 triệu đơn vị, song VGS có được mức tăng trần lên 10.800 đồng/CP.

Trong khi đó, ngoại trừ HQC và HAR, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhìn chung vẫn giao dịch khá hạn chế. Các mã thường có thanh khoản mạnh như FLC, ITA, KBC, VHG… thì phiên này chỉ dừng ở mức từ 1-3 triệu đơn vị.

HQC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 7,825 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 0,4% lên 2.370 đồng/CP. HAR bất ngờ tăng trần lên 2.820 đồng/CP (+6,8%) và khớp lệnh 3,395 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn.

Trên sàn HNX, trong số 9 mã có thanh khoản cao, thì có tới 7 mã giảm điểm. SHN dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh, song giảm sàn về 12.000 đồng/CP.

Tương tự, FID cùng giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp về 2.400 đồng/CP và khớp 2,08 triệu đơn vị. FID đã có 6 phiên tăng trần trước đó.

Được biết, ông Đặng Kim Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FID vừa bị bán giải chấp toàn bộ gần 1,7 triệu cổ phiếu FID đang nắm giữ (tỷ lệ 7,18%). Đây là kết quả của chuỗi lao dốc không phanh giai đoạn tháng 10 và 11, trong đó có tới 18 phiên giảm sàn liên tục, khiến giá trị cổ phiếu giảm từ gần 20.000 đồng có thời điểm về dưới mức 2.000 đồng và khiến HĐQT FID đã phải quyết định tạm dừng giao dịch cổ phiếu FID trong một thời gian.