Trong khi dòng tiền tiếp tục tham gia hạn chế, áp lực bán nhanh chóng xuất hiện và gia tăng khiến thị trường trường quay đầu giảm điểm, lần lượt các chỉ số đều trở lại trong sắc đỏ.
Sang phiên chiều, sau gần 1 giờ duy trì trạng thái đi ngang, lực bán bất ngờ gia tăng mạnh, đặc biệt trong đợt khớp ATC đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Trong đó, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm bluechip đều suy giảm khiến thị trường mất lái, các chỉ số đều rơi xuống mức thấp nhất ngày.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 178 mã giảm/96 mã tăng, VN-Index giảm 6,55 điểm (-0,85%) xuống 761,86 điểm. Thanh khoản xấp xỉ phiên hôm qua với khối lượng gần 180 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.622 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 17,5 triệu đơn vị, giá trị 397,4 tỷ đồng. Đáng kể BWE thỏa thuận 5,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 94 tỷ đồng và 5,9 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 62,8 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 21/7 |
Tương tự, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,7%) xuống mức thấp nhất ngày 97,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 54,39 triệu đơn vị, giá trị 490,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,32 triệu đơn vị, giá trị 115,24 tỷ đồng, trong đó NTP thỏa thuận 1,47 triệu đơn vị, giá trị 89,96 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 3 mã là VIC, SBT và SSI tăng điểm, còn lại có tới 23 mã giảm, VN30-Index giảm tới 8,17 điểm (-1,11%) xuống mức 728,47 điểm; còn HNX30-Index cũng giảm 2,29 điểm (-1,25%) xuống 180,56 điểm.
Dòng bank lần lượt đua nhau giảm sâu như BID giảm 1,79%, CTG giảm 2,1%, VCB giảm 1,2%, STB giảm 0,8%, MBB giảm 2,4%; trên sàn HNX có ACB giảm 0,8%, SHB giảm 2,5%.
Trong khi VNM vẫn diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ 0,3% thì GAS lao dốc mạnh với mức giảm 3,2%, xuống mức giá thấp nhất ngày 60.000 đồng/CP. Thêm vào đó, hàng loạt mã lớn như BVH, DHG, MWG, HPG, HSG… cũng nới rộng đà giảm điểm.
Trái với giao dịch tiêu cực ở nhóm cổ phiếu bluechip, bộ ba được thêm vào rổ VN30 là ROS, NVL, SAB tiếp tục duy trì đà tăng, là các má phanh góp giúp thị trường giảm bớt phần nào đà lao dốc.
Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu lớn, các mã thị trường cũng trở nên phân hóa mạnh bởi áp lực bán gia tăng. Trong khi HAR, HAI, AMD tiếp tục tăng trần thì hàng loạt mã quen thuộc lại quay đầu giảm điểm như FLC, DXG, ITA, HAG, HNG, SCR…, thậm chí giảm kịch sàn như HHS, FIT, TSC…
Những tưởng HAX đã thoát khỏi mức giá sàn nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến cổ phiếu này kết phiên trong sắc xanh mắt mèo, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Với mức giảm 6,87% xuống mức 35.900 đồng/CP với khối lượng khớp 1,45 triệu đơn vị.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, không có cổ phiếu nào có khối lượng khớp lệnh tới 10 triệu đơn vị, trong đó cổ phiếu FLC dẫn đầu khi chuyển nhượng thành công 8,96 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, SHB là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 6,53 triệu đơn vị; tiếp đó KLF khớp lệnh 5,95 triệu đơn vị.
Cũng giống sàn HOSE, nhiều mã thị trường trên sàn HNX cũng kết phiên trong sắc đỏ như KLF, TIG, DPS, CVT…, hay DCS, HKB giảm sàn.
Tuy nhiên, các cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính lên thị trường, như ACB, DBC, HUT, PVS, VCS, VCG, LAS…
Trên sàn UPCoM, diễn biến khá lặng sóng và sắc xanh được duy trì đến hết phiên giao dịch.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,11%) lên 56,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,18 triệu đơn vị, giá trị 96,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,6 triệu đơn, giá trị 55,87 tỷ đồng.
Sau 6 phiên liên tiếp giao dịch thiếu tích cực, cổ phiếu GEX đã hồi phục với mức tăng 1%, kết phiên tại mức giá 19.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 94.000 đơn vị.
Trái lại, HVN vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 0,4%; còn người anh em ACV duy trì đà tăng với biên độ 1,4%, lên mức 50.800 đồng/CP.
Cổ phiếu tí hon TOP vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,5 triệu đơn vị. Các mã có thị giá thấp là NTB, ATA, AVF cũng chuyển nhượng thành công từ 1,2-1,4 triệu đơn vị.