Trong phiên giao dịch sáng, dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, nhưng nhờ SAB trở lại tham chiếu, BHN đảo chiều tăng, cùng sự hỗ trợ của một số mã lớn, VN-Index bật ngược trở lại và kịp chớm xanh khi chốt phiên.
Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường chung tiếp tục xu thế giằng co trong biên độ hẹp và sắc xanh nhanh chóng biến mất. Sự phân hóa của các mã cổ phiếu lớn khiến VN-Index quanh quẩn quanh ngưỡng 768 điểm và thiếu chút nữa kịch bản của phiên sáng đã được lặp lại. Tuy nhiên, thiếu một chút may mắn, VN-Index đóng cửa giảm nhẹ phiên đầu tuần.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index giảm 0,18 điểm (-0,02%), xuống 768,79 điểm với 117 mã tăng và 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,7 triệu đơn vị, giá trị 3.347,27 tỷ đồng, tương đương với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,4 triệu đơn vị, giá trị 553,73 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 21/8 |
HNX-Index sau khi bứt tốc trong nửa cuối phiên sáng, cũng đã hạ nhiệt trở lại trong phiên chiều theo đà của HNX30. Tuy nhiên, may mắn hơn VN-Index, HNX-Index lại có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp khi chốt phiên hôm nay.
Cụ thể, HNX-Index tăng nhẹ 0,3 điểm (+0,3%), lên 101,13 điểm với 40,09 triệu đơn vị được khớp, giá trị 538 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.
Như đã đề cập, sự phân hóa của các mã lớn khiến thị trường diễn biến giằng co. Trong đó, những mã có sắc xanh là MSN, VJC, MWG, PLX, ROS, GAS, SAB, BHN, VIC, FPT, trong khi VNM, VCB, BID, CTG, VPB, MBB, NVL, HPG, PVD, BVH đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, biến động giá của các mã này cũng rất hẹp, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất trong nhóm này là PVD và ROS với hơn 3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, diễn biến tại nhóm cổ phiếu thị trường lại có nhiều điểm đáng chú ý. Sau thời gian trầm lắng, cổ phiếu FLC lại sôi động trở lại trong phiên hôm nay khi được khớp tới 23,21 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8; đóng cửa tăng 0,42%, lên 7.140 đồng.
FIT cũng có giao dịch tích cực với 5,74 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 5,05%, lên 10.400 đồng. HQC và OGC cũng được khớp trên 4 triệu đơn vị và cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là giao dịch tại HAI và TSC. Trước đây, 2 mã này đã gây chú ý lớn khi song hành tăng trần liên tiếp, nhưng HAI là mã có sức dẻo dai hơn. Trong phiên hôm nay, 2 mã này đã có diễn biến trái ngược nhau.
Sau chuỗi 7 phiên giảm sàn liên tiếp và đang hướng tới phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp trong phiên cuối tuần trước, HAI đã được nâng đỡ và được kéo thẳng lên mức trần khi chốt phiên. Trong phiên nay, “cuộc chiến” đưa đẩy giá tại HAI lại tiếp tục diễn ra, khiến mã này một lần nữa có biên độ dao động giá từ trần đến sàn (14,7%).
Cụ thể, tiếp nối phiên trước đó, HAI mở cửa với mức tăng mạnh và nhanh chóng lên mức trần 15.600 đồng. Tuy nhiên, lực cung diễn ra ồ ạt đã đẩy mã này lùi về tận giá sàn 13.600 đồng. Không chịu chấp nhận để “game” mới kết thúc chóng vánh chỉ trong 1 phiên, dòng tiền đã nhanh chóng được tung vào, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo HAI tăng trở lại và lên thẳng mức giá trần trong phiên chiều.
Chốt phiên, HAI được khớp 9,86 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC và còn dư mua giá trần tới 3,6 triệu đơn vị. Cũng có mức giá trần như HAI là TDG, HDC, ATG, VDP, PLP.
Trong khi đó, dù mở cửa cũng có sắc xanh, nhưng lực cung gia tăng đã đẩy TSC quay đầu giảm giá. Không may mắn như HAI, TSC đã bị “bỏ mặc” khiến mã này lao về mức sàn 4.930 đồng khi chốt phiên với 3,8 triệu đơn vị được khớp. Ngoài TSC, các mã như IJC, QBS, CCL cũng đóng cửa với mức giá sàn.
Trên HNX, ACB sau khi nhích thêm 1 bước, lên 26.800 đồng, đã hạ nhiệt trở lại và đóng cửa phiên ở mức 26.200 đồng, tăng 1,95% với 4,4 triệu đơn vị được khớp, đứng sau SHB (4,44 triệu đơn vị). Tuy nhiên, SHB đóng cửa giảm 1,28%, xuống 7.700 đồng.
Trong khi đó, VCG cũng không còn giữ được sắc xanh, PVS vẫn giảm, thậm chí LAS dù có thông tin tốt về việc được hưởng lợi lớn nhất khi thuế VAT với mặt hàng phân bón về 0%, nhưng cũng đóng cửa giảm 4,29%, xuống 15.600 đồng.
Trong khi các mã như SVN, VAT, CMI, MST và tân binh DS3 vẫn duy trì được sắc tím khi chốt phiên do không có lực cung.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên chiều và đóng cửa với mức giảm 0,25 điểm (+0,46%), xuống 54,26 điểm với 4,46 triệu đơn, giá trị 79,4 tỷ đồng được chuyển nhượng. Giao dịch thỏa thuận phiên hôm nay không đáng kể.
Trái ngược với xu thế chung của thị trường ART vẫn một mình một nựa phi nước đại và chốt phiên ở mức trần 21.000 đồng với 1,14 triệu đơn vị được chuyển nhượng, còn dư mua giá trần 822.900 đơn vị.
Chứng khoán phái sinh hôm nay có 3.226 hợp đồng được giao dịch, giá trị 240,35 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với phiên cuối tuần trước.