Chỉ trong 3 phiên giao dịch của tuần này (từ ngày 20-22/11), VN-Index đã lần lượt đột phá ngưỡng kháng cự trên 900 điểm và chính thức vượt mốc 930 điểm khi kết phiên 22/11.

Bước sang phiên giao dịch 23/11, thị trường tiếp tục tiến bước dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip. Sự đồng lòng của nhóm VN30 đã giúp VN-Index bứt mạnh, vượt qua ngưỡng 940 điểm, lên mức cao nhất khi chốt phiên sáng.

Tuy nhiên, sau hơn 30 phút cầm cự trong phiên chiều, áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh và tập trung vào các nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường đột ngột lao dốc, chỉ số VN-Index chính thức đảo chiều giảm điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Lực cầu gia tăng hấp thụ về cuối phiên giúp VN-Index hồi trở lại và may mắn có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Đóng cửa phiên 23/11, VN-Index tăng 1,04 điểm (+0,11%) lên 933,7 điểm với khối lượng giao dịch đạt 223,22 triệu đơn vị, giá trị 5.482,34 tỷ đồng, tăng 6,22% về lượng, nhưng giảm hơn 15% về giá trị so với phiên hôm qua.

Diễn biến VN-Index phiên 23/11
Diễn biến VN-Index phiên 23/11

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,79 triệu đơn vị, giá trị 827,75 tỷ đồng, trong đó NVL thỏa thuận 3,43 triệu đơn vị, giá trị 206,57 tỷ đồng, MSN thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 197,55 tỷ đồng; CTD thỏa thuận 600.000 đơn vị, giá trị 139,92 tỷ đồng.

Tương tự, nhận tín hiệu đỏ trên sàn HOSE, sàn HNX cũng lao dốc mạnh về dưới mốc tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch, tuy nhiên lực cầu gia tăng mạnh đã giúp một số mã lớn hồi phục, tiếp sức kéo chỉ số sàn vượt qua mốc tham chiếu và lấy lại sắc xanh khi đóng cửa.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,82%) lên 110,18 điểm với khối lượng khớp lệnh đạt 80,68 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.057 tỷ đồng, tăng mạnh 64% về lượng và 57,13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,24 triệu đơn vị, giá trị gần 28 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi VNM, MSN trở lại mốc tham chiếu, còn VIC thu hẹp biên độ chỉ còn tăng nhẹ 0,7% và đứng ở mức giá 76.500 đồng/CP.

Cặp đôi cổ phiếu lớn dầu khí cũng giao dịch thiếu tích cực và nới rộng đà giảm như PLX giảm 2,3% xuống 60.500 đồng/CP, GAS giảm 2,5% xuống mức 80.600 đồng/CP.

Tương tự, ở nhóm ngân hàng, sau phiên tăng trần hôm qua, BID đã đảo chiều giảm 1,6% và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 25.300 đồng/CP; VCB cũng quay đầu giảm nhẹ 0,2% về mức 47.900 đồng/CP sau 3 phiên tăng liên tiếp; STB giảm 0,4% xuống 12.350 đồng/CP.

Trong khi đó, CTG cũng không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt 4,6% lên mức 23.700 đồng/CP và khớp gần 5 triệu đơn vị; còn MBB tăng 2,1% lên mức 24.700 đồng/CP và tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất của dòng bank với hơn 11,42 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng đóng vai trò là lực đỡ, giúp VN-Index hồi nhẹ về cuối phiên như SAB, ROS, VRE, VJC…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC cũng có những nhịp rung lắc do áp lực bán chốt lời, tuy vậy cổ phiếu này vẫn giữ được sắc xanh và ghi nhận phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp. Kết phiên, FLC tăng 1,2% lên mức 6.850 đồng/CP và khớp hơn 26 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE.

Trên sàn HNX, các mã lớn tiếp sức giúp thị trường hồi phục và khởi sắc về cuối phiên như PVC, VCG, VCS, VGC…

Trong đó, PVC và VGC cùng tăng trần với mức tăng tương ứng 9,9% và 9,6%, lần lượt đóng cửa tại mức giá 11.100 đồng/CP và 25.100 đồng/CP. Cùng với đó, giao dịch của cặp đôi này khá sôi động với lượng khớp lệnh tương ứng PVC đạt 1,98 triệu đơn vị, còn VGC gần 2,6 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, SHB sau 3 phiên liên tiếp đứng giá tham chiếu đã giao dịch tích cực với mức tăng 2,5%, kết phiên tại mức giá 8.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch khủng đạt 28,98 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn cũng đã hồi nhẹ và đóng cửa trong sắc xanh sau nhịp điều chỉnh giữa phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,03%) lên 54,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,59 triệu đơn vị, giá trị 169,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,34 triệu đơn vị, giá trị 16,97 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về giao dịch với 2,18 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,76% lên mức 13.200 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi lớn DVN và HVN với khối lượng giao dịch đạt 1,1 triệu đơn vị. Hai mã này tiếp tục duy trì sắc xanh dù đà tăng hãm mạnh so với phiên hôm qua, trong đó DVN tăng 1,59% lên mức 19.200 đồng/CP, HVN tăng 1,23% lên mức 33.000 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 23/11 có 17.132 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.677,97 tỷ đồng, tăng 5,75% về lượng và 6,71% về giá trị so với phiên hôm qua.