Mặc dù VN-Index đã có được sắc xanh nhưng giao dịch khá hạn chế, thanh khoản toàn thị trường khá thấp và lực cung giá thấp vẫn chiếm ưu thế khiến sắc đỏ áp đảo bảng điện tử. Chính diễn biến không mấy bền vững này đã khiến VN-Index tiếp tục đón nhận nhịp rung lắc ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Dường như mốc 760 điểm đang là ngưỡng hỗ trợ khá tốt. Cũng giống phiên sáng, ngay khi thủng mốc này, lực cầu hấp thụ gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh và tiếp tục bật cao về cuối phiên nhờ một số mã lớn, đặc biệt là SAB.
Đóng cửa, sàn HOSE cân bằng hơn với 128 mã tăng/138 mã giảm, VN-Index tăng 4,72 điểm (+0,62%) lên mức cao nhất ngày 765,98 điểm. Thanh khoản vẫn thấp với khối lượng giao dịch hơn 158 triệu đơn vị, giá trị 2.754,53 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 5,53 triệu đơn vị, giá trị 220,87 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 23/8 |
Tương tự, sàn HNX cũng khởi sắc và leo lên mức cao nhất ngày sau những nhịp rung lắc. Cụ thể, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,41%) lên 101,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,18 triệu đơn vị, giá trị 360,21 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,95 triệu đơn vị, giá trị 36,79 tỷ đồng.
Nhóm VN30 khởi sắc với 18 mã tăng, 7 mã giảm và 5 mã đứng giá, VN30-Index tăng 4,9 điểm (+0,66%) lên 743,1 điểm. Trong đó, cổ phiếu lớn SAB đã lấy lại gần hết số điểm đánh mất trong phiên giảm sâu hôm qua và là nhân tố hỗ trợ tốt cho đà hồi phục của thị trường khi tăng 3,5% lên mức 254.700 đồng/CP.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng có những tín hiệu khởi sắc như BID tăng 1,3%, VCB tăng 0,3%, VPB tăng 0,6%, STB tăng 0,9%, còn CTG và MBB trở lại mốc tham chiếu.
Ngoài ra, các mã lớn khác cũng kết phiên trong sắc xanh như GAS, MSN, BVH, VIC, ROS, NVL…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC đã giao dịch bùng nổ trong phiên hôm nay sau thông tin Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã mua thành công 20 triệu cổ phiếu và dành lại vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán từ tay ông Phạm Nhật Vượng. Cùng với mức tăng vọt 4,5%, cổ phiếu FLC đã có khối lượng giao dịch sôi động với 39,16 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Còn HAI và HAR tiếp tục giảm sàn và dư bán sàn khá lớn, TSC đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn giảm khá sâu 5,2%.
Trái lại, QCG đã lấy lại sắc tím và tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Kết phiên, QCG tăng 6,9% lên mức 18.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 658.850 đơn vị và dư mua trần 6.250 đơn vị.
Cổ phiếu nóng KHA đã hạ nhiệt trong phiên chiều với thanh khoản chỉ nhích nhẹ so với phiên sáng, đạt 4,07 triệu đơn vị được khớp lệnh và không còn giữ sắc tím, thu hẹp biên độ tăng 2,29%.
Trên sàn HNX, trong khi SHB vẫn đứng giá tham chiếu thì ACB đã bật tăng 0,76%. Trong đó, SHB vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 3,38 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là KLF với khối lượng khớp 3,31 triệu đơn vị; còn lại PVX, PVS, SHN, CEO có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh ACB, các mã lớn khác như HUT, LAS, PVS, VCG, PGS… cũng đảo chiều tăng điểm, đóng vai trò là lực đỡ chính giúp thị trường hồi phục sắc xanh.
Trên sàn UPCoM, trái với diễn biến khởi sắc ở 2 sàn chính, chỉ số trên sàn này vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 54,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 64,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 2 triệu đơn vị, giá trị 52,28 tỷ đồng.
Cổ phiếu LTG tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp mặc dù có thông tin tích cực từ việc tạm ứng cổ tức 15% bằng tiền mặt. Với mức giảm 4,5%, LTG lùi về mức giá 49.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 66.600 đơn vị.
ART bảo toàn sắc tím với mức tăng 14,9% và khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 821.800 đơn vị. Tiếp đó, DVN có khối lượng giao dịch 360.300 đơn vị; DRI đạt 310.500 đơn vị được chuyển nhượng thành công.