Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Danh tính 34 doanh nghiệp Hà Nội sẽ thoái vốn trong năm 2017 và 2018
Kỳ Thành - Thu Trang - 23/08/2017 08:02
 
Nhựa Hà Nội, Interserco, Điện cơ Thống Nhất, Hanel... là những cái tên "sáng giá" trong danh sách các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Theo "Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có 406 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn trong giai đoạn này. Trong đó, Thành phố Hà Nội sẽ phải thoái vốn tại 17 doanh nghiệp trong năm 2017 và 17 doanh nghiệp trong năm 2018.

Trong số này, đáng chú ý có thể kể đến các doanh nghiệp như CTCP Nhựa Hà Nội, CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco), CTCP Điện cơ Thống Nhất, CTCP Kim khí Thăng Long, CTCP Hanel, CTCP Cơ điện Trần Phú, CTCP Thống Nhất Hà Nội...

Danh sách 17 doanh nghiệp thuộc TP. Hà Nội dự kiến thoái vốn trong năm 2017:

STT

Tên doanh nghiệp

Tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái trong năm 2017

1

Công ty CP Điện tử Giảng Võ

65,19%

2

Công ty CP Cấp nước Sơn Tây

95,59%

3

Công ty CP Cơ điện công trình

98,89%

4

Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 1 Hà Tây

51,05%

5

Công ty CP Giầy Thượng Đình

68,67%

6

Công ty CP Xích líp Đông Anh

60,00%

7

Công ty CP Nhựa Hà Nội

81,71%

8

Công ty TNHH Tập đoàn sản xuất hàng dệt may

19,99%

9

Công ty CP In Thương mại Hà Tây

22,59%

10

Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông

25,49%

11

Công ty Liên doanh Norfolk Hatexco

35,09%

12

Công ty CP Mai Động

30,00%

13

Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội

45,00%

14

Công ty CP Sách và thiết bị trường học Hà Nội

37,60%

15

Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế

45,00%

16

Công ty CP Đầu tư khai thác Hồ Tây

41,72%

17

Công ty CP Điện cơ Thống Nhất

46,90%

1. CTCP Điện tử Giảng Võ

CTCP Điện tử Giảng Võ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và mua bán thiết bị văn phòng, máy tính, máy thu thanh thu hình; Cung cấp và lắp đặt hệ thống điện, điện chiếu sáng led, hệ thống điều hòa không khí trung tâm...

Đáng chú ý, công ty có trụ sở tại 168 Giảng Võ - một vị trí mặt đường hết sức đắc địa.

2. CTCP Cơ điện công trình

Công ty cổ phần Cơ điện Công trình tiền thân là một đơn vị hậu cần của ngành giao thông công chính Hà Nội. Sau nhiều lần chuyển đổi, ngày 7/3/2016 Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với ngành nghề kinh doanh chính: xây dựng công trình công ích, chăm sóc và duy trì cảnh quan, kinh doanh bất động sản.

Cổ phiếu của CTCP Cơ điện công trình hiện đã giao dịch trên UPCoM với mã MES. Từ đầu năm đến nay, MES ghi nhận 2 quý kinh doanh thua lỗ với lợi nhuận âm trên 1 tỷ đồng mỗi quý.

3. CTCP Giầy Thượng Đình

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình

Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức CTCP, Công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình. Trải qua gần 60 năm, nhãn hiệu Giầy Thượng Đình đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa thích.

Cổ phiếu của Giầy Thượng Đình cũng đã được giao dịch trên UPCoM với mã GTD. Hiện, cổ phiếu này có giá thị trường 20.000 đồng/cổ phần, tuy nhiên gần như không có giao dịch.

4. CTCP Xích líp Đông Anh

Xích líp Đông Anh (mã DFC - UPCoM) là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời, thành lập từ năm 1974 và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2009.

Theo website của công ty, Xích líp Đông Anh là đối tác sản xuất cho một số thương hiệu lớn như Honda Việt Nam, YAMAHA, Machino auto parts, VAP, VMEP, GOSHI Thang Long, Piaggio Việt Nam…

Ngày 12/1/2017, DFC chính thức đưa 6 triệu cổ phần lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phần. Mặc dù gần như không có giao dịch, nhưng qua một vài phiên với lượng khớp lệnh 100 cổ phần/phiên, cổ phiếu DFC hiện có giá 29.100 đồng/cổ phần.

Theo các Báo cáo tài chính của DFC, năm 2015, doanh thu công ty đạt 1.202 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 36,27 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu của DFC đạt 1.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 34,37 tỷ đồng.

5. CTCP Nhựa Hà Nội

Nhựa Hà Nội là doanh nghiệp thành lập từ năm 1972 và chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2008. Nhựa Hà Nội cũng là đối tác của các hãng xe như Honda, Toyota và còn là đối tác của LG.

Công ty Nhựa Hà Nội có Nhà máy Nhựa cao cấp hoạt động tại phường Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn có nhà máy thứ hai đặt tại Hưng Yên.

Tháng 5/2017, Nhựa Hà Nội đã được cấp mã chứng khoán NHH tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, nhưng chưa giao dịch trên UPCoM.

Đáng chú ý, Nhựa Hà Nội tuy chỉ có vốn điều lệ 65 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 lên tới 163,49 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt 481 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng doanh thu của công ty đạt 977,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 69,53 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính của Nhựa Hà Nội đều rất tốt, ROE (Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) năm 2016 đạt 24,04%.

6. Công ty cổ phần Mai Động

Công ty cổ phần Mai Động (Trước đây là liên xưởng Cơ khí số 1) được thành lập theo Quyết định của UB Hành chính Thành phố Hà Nội ngày 20/6/1960 trên cơ sở hợp nhất 6 xưởng cơ khí của các nhà tư sản sau khi cải tạo công ty hợp doanh.

Từ tháng 8/2016, công ty được cổ phần hóa với tên giao dịch chính thức Công ty cổ phần Mai Động và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Công ty đã phát triển theo chiều sâu với nhiều dự án đầu tư tăng cường năng lực, phát triển cơ khí, đúc chính xác. Sản phẩm chủ lực được xác định cho ngành cơ khí chế tạo, cấp thoát nước, sản phẩm hạ tầng cho ngành điện lực, viễn thông, cầu đường, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy.

Nhà máy của công ty hiện được đặt tại Quốc lộ 3, thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

7. CTCP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội

CTCP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3143/QĐ-UB ngày 05 tháng 08 năm 1989 của UBND Thành phố Hà Nội.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa, kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị thuộc lĩnh vực nghe nhìn, viễn thông, phát thanh truyền hình, các thể loại phim...

Công ty có trụ sở tại số 26 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

8. CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế

CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) được thành lập từ tháng 4 năm 1980, là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội.

Hiện nay, Interserco đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Con với 6 Công ty con và nhiều Công ty thành viên khác. Một trong số các công ty con của Interserco là CTCP Điện tử Giảng Võ. Công ty hiện có vốn điều lệ 360 tỷ đồng.

Interserco được biết đến là chủ đầu tư dự án xây dựng cảng cạn ICD Mỹ Đình tại huyện Hoài Đức.

9. CTCP Điện cơ Thống Nhất

Công ty Điện cơ Thống Nhất được thành lập năm 1965, là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam. Công ty hiện sở hữu thương hiệu lâu đời Vinawind đã khá quen thuộc với người tiêu dùng miền Bắc qua các sản phẩm quạt điện dân dụng. Sau khi cổ phần hóa, Vinawind vẫn tiếp tục tập trung sản xuất đồ điện dân dụng với mục tiêu duy trì và phát triển thị phần trong nước, từng bước vươn gia thị trường quốc tế.

Năm 2015 khi Vinawind IPO, cổ phiếu này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư khi khối lượng đặt mua lên tới 51 triệu cổ phần, cao gấp 9 lần số lượng cổ phần chào bán. Mức giá đấu trung bình thành công là 42.383 đồng/cổ phần, khá cao so với các phiên IPO tại thời điểm đó.

Năm 2016, Vinawind đạt doanh thu 916,92 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 64,11 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu năm 2017 doanh thu đạt 962,87 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 3% so với thực hiện năm 2016.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2017, doanh thu của Vinawind đạt 723,62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 52,24 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 9,3% và 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể lý giải là bởi, 6 tháng đầu năm là thời điểm trước và trong hè nên nhu cầu mua quạt điện tăng mạnh so với 6 tháng cuối năm.

Vốn điều lệ hiện nay của Vinawind vẫn là 143 tỷ đồng, tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2017 là 419,75 tỷ đồng.

Danh sách 17 doanh nghiệp thuộc TP. Hà Nội dự kiến thoái vốn trong năm 2018:

STT

Tên doanh nghiệp

Tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái trong năm 2018

 1

Công ty CP Địa chính Hà Nội

54,20%

 2

Công ty CP Kim khí Thăng Long

66,05%

 3

Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà

51,04%

 4

Công ty CP Bao bì 277 Hà Nội

65,00%

 5

Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội

32,03%

 6

Công ty CP 18-4 Hà Nội

47,48%

 7

Công ty CP Sản xuất dịch vụ XNK Từ Liêm

1,17%

 8

Công ty CP Hanel

29,00%

 9

Công ty CP Giầy Thụy Khuê

35,34%

 10

Công ty CP Thống Nhất Hà Nội

45.00%

 11

Công ty CP Cơ điện Trần Phú

38,88%

 12

Công ty CP Sách Hà Nội

37,34%

 13

Công ty CP Xuất nhập khẩu Haneco

97,50%

 14

Công ty CP Giống gia súc Hà Nội

65,09%

 15

Công ty CP Khảo sát Đo đạc HCGC Hà Nội

45,00%

 16

Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội

73,85%

 17

Công ty CP Đồng Xuân

71,00%

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: "Thắp lửa" hành động
Đúng hẹn, Chính phủ đã ban hành Danh mục Doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Quyết tâm cơ cấu lại danh mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư