Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 07 năm 2025,
VIMC tăng vốn, đầu tư một loạt cảng và đội tàu
Anh Minh - 13/07/2025 09:42
 
Cùng với việc chưa thực hiện phân phối khoản lợi nhuận năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) dự kiến tăng vốn điều lệ lên khoảng 25.000 tỷ đồng để có đủ nguồn lực thực hiện một loạt dự án cảng biển và đầu tư đội tàu.
Bến cảng số 3 và số 4 cảng Lạch Huyện, do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (đơn vị thành viên VIMC) đầu tư
Bến cảng số 3 và số 4 cảng Lạch Huyện, do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (đơn vị thành viên VIMC) đầu tư.

Chờ dòng hàng hóa xuất khẩu

Được coi là một trong những “phong vũ biểu” của hoạt động xuất nhập khẩu, nên Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC thu hút khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là sau thông tin sơ bộ về mức thuế đối ứng mà Mỹ dành cho Việt Nam.

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT VIMC nhiệm kỳ 2021 - 2025, mức thuế đối ứng của Mỹ có tác động rất lớn tới sự dịch chuyển của các dòng hàng hóa - một trong những yếu tố mang tính quyết định tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty.

“Nếu mức thuế đối ứng của Mỹ tốt như kỳ vọng thì dòng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các cảng biển khu vực Bắc Mỹ trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, với tư cách là doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam, VIMC đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với những rủi ro khách quan để đảm bảo đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm 2025”, ông Sơn cho biết.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC đã thống nhất bầu ông Nguyễn Cảnh Tĩnh từ vị trí Tổng giám đốc giữ chức Chủ tịch HĐQT; ông Lê Anh Sơn từ vị trí Chủ tịch HĐQT được bầu làm Tổng giám đốc VIMC.

Hiện ngành hàng hải thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, trong đó các chỉ số vận tải (BDI, WCI) trong 6 tháng đầu năm 2025 đã giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 do nhu cầu suy yếu, các rủi ro liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ, đồng thời nhiều hãng tàu bắt đầu nối lại các tuyến dịch vụ qua Biển Đỏ.

Dự báo thị trường vận tải thời gian tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu vận chuyển hàng rời của thị trường năm nay chỉ tăng khoảng 1%, trong khi nguồn cung đội tàu duy trì tăng trưởng khoảng 3%, dẫn tới nguy cơ dư cung lớn và gây áp lực lên giá cước vận tải. Hiện tại, Chỉ số BDI (chỉ số đo lường cước phí vận chuyển hàng hóa khô rời trên toàn cầu) chỉ dao động khoảng 700-1.200 điểm (là mức thấp), thấp hơn nhiều mức giả định mà VIMC xây dựng kế hoạch năm 2025 (1.600-2.000 điểm).

Trong khi đó, VIMC tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như: đội tàu suy giảm, tuổi tàu già, tính năng kỹ thuật kém, trong khi yêu cầu của các công ước mới ngày càng cao; hệ thống hạ tầng logistics ở các vị trí không còn thuận lợi, năng lực cạnh tranh giảm sút; nhiều cảng biển lớn phải di dời và chịu ảnh hưởng từ hoạt động xây dựng hạ tầng đầu tư công tại các địa phương.

“Mặc dù đối mặt với bối cảnh đầy khó khăn, thách thức trong năm 2025, nhưng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về quyết tâm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế không thấp hơn năm 2024 và không thấp hơn 8%, VIMC sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025”, ông Lê Anh Sơn chia sẻ.

Trên cơ sở đề xuất của HĐQT, Đại hội đồng cổ đông thường niên của VIMC đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025, với một loạt chỉ tiêu được đặt cao hơn năm 2024.

Cụ thể, sản lượng vận tải biển hợp nhất đạt 21,1 triệu tấn, tăng 9%; sản lượng cảng biển đạt 158,3 triệu tấn, tăng 9%; doanh thu đạt 20.793 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2024. Kết quả này dự kiến mang lại cho VIMC khoảng 3.076 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế.

Công ty mẹ VIMC cũng đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 3.849 tỷ đồng, tăng 692 tỷ đồng, tương đương 22% so với thực hiện năm 2024. Trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải biển là 3.006 tỷ đồng, tăng 1.526 tỷ đồng so với thực hiện năm 2024, thể hiện nỗ lực của VIMC nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

“Mục tiêu sản xuất, kinh doanh nêu trên đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng được Bộ Tài chính giao theo Văn bản số 1073/QĐ-BTC ngày 25/3/2025”, lãnh đạo VIMC cho hay.

Được biết, trong năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhưng kết quả kinh doanh năm 2024 của VIMC vượt xa kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao, trong đó, Công ty mẹ VIMC đạt doanh thu 3.155 tỷ đồng (hoàn thành 131% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 1.353 tỷ đồng (tương đương 145% kế hoạch). Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty cũng rất ấn tượng với doanh thu 19.235 tỷ đồng (đạt 143% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 3.153 tỷ đồng (tương đương 115% kế hoạch).

Trong đó, vận tải biển (doanh thu 9.729 tỷ đồng) và khai thác cảng biển (doanh thu 7.753 tỷ đồng) vẫn là hai trụ cột chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của VIMC năm 2024.

Những cú hích tạo doanh thu mới

Một điểm nhấn quan trọng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VIMC là việc các cổ đông đã thống nhất với đề xuất của HĐQT về việc chưa trích quỹ đầu tư phát triển và chưa chia cổ tức đối với khoản lợi nhuận còn lại của năm 2024 là 1.294,1 tỷ đồng.

Mặc dù chưa làm rõ kế hoạch sử dụng khoản lợi nhuận, nhưng nhiều khả năng khoản tiền này sẽ được Công ty mẹ VIMC sử dụng để tái đầu tư các dự án mua sắm tàu biển và góp vốn vào các liên danh đầu tư những dự án hạ tầng cảng biển nhằm tạo nên cú hích doanh thu lớn hơn trong giai đoạn 2025 - 2030.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC nhiệm kỳ 2021 - 2025 thông tin, trong năm 2025, Công ty mẹ VIMC sẽ dành khoảng 3.240 tỷ đồng để tham gia góp vốn vào liên doanh triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Dự án Đầu tư xây dựng tổng thể bến cảng container Liên Chiểu sau khi được cấp có thẩm quyền lựa chọn theo quy định.

Theo đó, tại Dự án Đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Công ty mẹ VIMC sẽ cùng Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn liên danh với đối tác nước ngoài để tham gia đấu thầu, được lựa chọn là nhà đầu tư Dự án.

Sau đó, các bên tham gia liên danh sẽ thành lập Công ty liên doanh triển khai Dự án với tỷ lệ sở hữu phía Việt Nam tại liên doanh là 51% vốn điều lệ. Giá trị góp vốn của VIMC tạm tính theo tỷ lệ 36% vốn điều lệ tối thiểu của Liên doanh.

“Giá trị góp vốn, tỷ lệ góp vốn cụ thể của các bên tham gia Liên doanh sẽ được VIMC báo cáo tại Phương án thành lập Liên doanh”, đại diện VIMC cho biết.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng tổng thể bến cảng container Liên Chiểu, VIMC sẽ trực tiếp tham gia đấu thầu hoặc cùng với Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng liên danh với đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu để được lựa chọn là nhà đầu tư. Trong trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bên tham gia liên danh sẽ thành lập công ty liên doanh triển khai Dự án, với tỷ lệ sở hữu dự kiến của phía Việt Nam (VIMC, Cảng Đà Nẵng) là 51% vốn điều lệ.

Cũng trong năm 2025, Công ty mẹ VIMC và các đơn vị thành viên sẽ đầu tư 11 tàu chở hàng rời; 6 tàu chở container; 4 tàu dầu với giá trị khoảng 200 - 250 triệu USD theo các hình thức đóng mới, mua lại tàu đóng mới, mua cũ.

Cùng với kế hoạch góp vốn, đầu tư trong năm 2025 nói trên, lãnh đạo VIMC cho biết, Tổng công ty đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm trong 3 lĩnh vực cốt lõi: đầu tư hệ thống cảng biển nước sâu (Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Liên Chiểu, Cần Giờ...), phát triển đội tàu và hạ tầng logistics.

Tổng nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án này khoảng 55.000 tỷ đồng, trong đó, riêng giai đoạn 2025-2030 cần hơn 23.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với quy mô vốn điều lệ hiện tại là 12.005 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư vào tài sản cố định (hệ thống cảng biển và kho bãi, đội tàu) và đầu tư vốn tại các doanh nghiệp, nên VIMC sẽ phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển.

“Chúng tôi sẽ xây dựng và trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên khoảng 23.000 - 25.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ thông qua hình thức giữ lại lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ để bổ sung vốn chủ sở hữu, tạo nguồn tăng vốn điều lệ của VIMC; phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thu hút nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước không góp thêm vốn khi Tổng công ty tăng vốn điều lệ”, lãnh đạo VIMC cho hay.

Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư “siêu” Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Đây là dự án sẽ đưa TP.HCM vào vị thế “mặt tiền” của các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư