Diễn biến VN-Index phiên 2/4
Diễn biến VN-Index phiên 2/4
Sau phiên giao dịch sáng, với việc VIC tiếp tục thăng hoa, kéo VN-Index đã vượt qua đỉnh lịch sử, lên trên ngưỡng 1.191 điểm, chốt phiên ở mức cao nhất ngày và cũng là đỉnh cao mọi thời đại mới của chỉ số này. Tâm lý nhà đầu tư bớt thận trọng hơn cũng giúp thanh khoản thị trường được cải thiện.

Bước sang phiên giao dịch chiều nay, đà đi lên của VN-Index được giữ vững, mặc dù mức tăng không còn mạnh như phiên sáng, nhưng nhiều mã lớn, cùng sự hồi sinh mạnh mẽ của nhóm ngân hàng, cũng như sự đồng thuận cao của nhóm cổ phiếu bất động sản đã chính thức đưa VN-Index lên mức cao nhất ngày và là đỉnh lịch sử mới khi đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 155 mã tăng và 140 mã giảm, VN-Index tăng 22,15 điểm (+1,89%), lên 1.196,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 235,56 triệu đơn vị, giá trị 7.442,29 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,1 triệu đơn vị, giá trị 984,3 tỷ đồng.

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ còn 2 mã giảm nhẹ là VNM và SAB, còn lại đều tăng, thậm chí còn tăng mạnh.

Cụ thể, VNM giảm 1,63% xuống 199.700 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1,8 triệu đơn vị; SAB giảm 1% xuống 238.000 đồng/cổ phiếu.

Còn lại, VIC tăng mạnh 4,95% lên 123.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,45 triệu đơn vị; GAS tăng 3,6% lên 136.100 đồng/cổ phiếu; MSN tăng 1% lên 114.600 đồng/cổ phiếu; VJC tăng 1,9% lên 228.100 đồng/cổ phiếu.

4 cổ phiếu ngân hàng còn lại trong nhóm là VCB tăng 5% lên 74.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3 triệu đơn vị; BID tăng 3,7% lên 45.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2,6 triệu đơn vị; CTG tăng 4,6% lên 36.200 đồng/cổ phiếu, khớp 7,5 triệu đơn vị; VPB tăng 5,4% lên 68.000 đồng/cổ phiếu, khớp 9,8 triệu đơn vị.

Hòa chung không khí với nhóm ngân hàng, các mã còn lại cũng tăng như STB tăng 1,9% lên 15.800 đồng/cổ phiếu, khớp 8,2 triệu đơn vị; MBB tăng 3,2% lên 35.800 đồng/cổ phiếu, khớp 4,8 triệu đơn vị.

Đáng tiếc là HDB và IEB lại giảm nhẹ. HDB giảm 0,7% xuống 45.600 đồng/cổ phiếu, khớp 2,3 triệu đơn vị; EIB giảm 0,7% xuống 13.900 đồng/cổ phiếu...

Nhóm bluechip tăng điểm đáng kể hôm nay có ROS, khi “game” sàn – trần lại diễn ra, khi bị đẩy xuống mức giá sàn cuối phiên sáng, nhưng đã được kéo nhanh lên mức giá trần trong phiên chiều, đóng cửa tăng 7% lên 144.400 đồng/cổ phiếu, khớp 2 triệu đơn vị.

Hôm nay ROS đại hội, tin tốt là cổ tức lên tới 20% và phát hành thêm cổ phiếu giá chưa bằng 1/10 thị giá hiện tại.

Một số mã tăng khác còn có SSI tăng 4,6% lên 40.800 đồng/cổ phiếu, khớp 6,7 triệu đơn vị; NVL tăng 4% lên 72.000 đồng/cổ phiếu, có 3 triệu đơn vị khớp lệnh; BMP tăng 3,2% lên 71.000 đồng/cổ phiếu; BVH tăng 2,8% lên 97.100 đồng/cổ phiếu; FPT và REE cùng tăng 1,3% lên 61.500 đồng và 38.200 đồng/cổ phiếu...

Nhóm giảm điểm ngoài VNM, SAB thì chỉ còn HPG, GMD, SBT, CTD, MWG, CII, DPM, nhưng mức giảm chỉ từ 1 đến 2,5%, trong đó HPG thanh khoản lớn nhất với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh; SBT có hơn 3,7 triệu đơn vị; GMD có 1,2 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường hôm nay ngoài HAG, HNG giảm điểm, thanh khoản lần lượt chiếm vị trí đầu tiên và thứ 3 HOSE cùng FIT, OGC, QCG, HHS, DLG, EVG, JVC… cũng mất điểm.

Nhóm tăng điểm chỉ còn  FLC, SCR, ASM, IDI và VHG…

Cụ thể, HAG lùi về mức giá sàn 6.150 đồng/cổ phiếu, khớp 22,7 triệu đơn vị, và trắng bên mua. HNG giảm 4,2% xuống 8.480 đồng/cổ phiếu, khớp 10,7 triệu đơn vị.

Ngược lại, FLC và SCR tăng lần lượt 2,4% và 4,5% lên 6.400 đồng và 13.800 đồng/cổ phiếu, khớp 10 triệu đến 13 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản nhờ đầu kéo VIC và NVL đã có nhiều mã bật mạnh như KBC, DXG, DIG, KDH, NLG, HDC…Trong khi VRE, PDR, NBB, LDG, CII lại mất điểm nhẹ.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index liên tục đi lên từ đầu phiên sáng, và đóng cửa tăng hơn 2%, với đà tăng duy trì ở  hầu hết nhóm cổ phiếu lớn và hút dòng tiền thường thấy như SHB, ACB, PVS, VGC, SHS…

Cụ thể, SHB tăng 1,6% lên 13.100 đồng/cổ phiếu, khớp 14,75 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX; ACB tăng 5,4% lên 49.200 đồng/cổ phiếu, khớp 4,3 triệu đơn vị; VGC tăng 3,2% lên 25.500 đồng/cổ phiếu, khớp 3,33 triệu đơn vị; PVS tăng 1,9% lên 21.500 đồng/cổ phiếu, khớp 3,29 triệu đơn vị; SHS tăng 3% lên 23.900 đồng/cổ phiếu, khớp 1,73 triệu đơn vị; MBS tăng 3,2% lên 19.200 đồng/cổ phiếu, khớp 1 triệu đơn vị..

CEO bị đẩy xuống tham chiếu 14.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2,4 triệu đơn vị, tron khi VCG giảm nhẹ 0,4% xuống 23.300 đồng/cổ phiếu; PVI giảm 0,2% xuống 40.300 đồng/cổ phiếu…

Đóng cửa, sàn HNX có 77 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index tăng 2,94 điểm (+2,22%), lên 135,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,55 triệu đơn vị, giá trị 920,79 tỷ đồng, tăng hơn 14% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thảo thuận có thêm 1,51 triệu đơn vị, giá trị 16,35 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, sau khi bị đẩy mạnh xuống quanh tham chiếu, thì sang phiên chiều, chỉ số nhanh chóng tăng trở lại nhờ động lực tâm lý chung trên HOSE và HNX, đóng cửa gần sát mức điểm cao nhất ngày.

POW, LPB, BSR là nhóm cổ phiếu duy nhất thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng BSR lại chỉ đứng tham chiếu 26.300 đồng/cổ phiếu thì POW và LOB lại tăng, nhưng mức tăng cũng khá khiêm tốn so với phần còn lại của thị trường, POW tăng 0,6% còn LPB tăng 1,3%.

Một số mã tăng khác còn có HVN, OIL, DVN, GVR, QNS…thanh khoản từ hơn 200.000 đến 800.000 đơn vị. Trong khi những RCC, VIB, ACV giảm, khớp lệnh tương tự.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,42%), lên 60,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 13,4 triệu đơn vị, giá trị 260,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,23 triệu đơn vị, giá trị 54,7 tỷ đồng.

Về tổng thể thị trường VN-Index đã lập thêm một đỉnh lịch sử mới, còn HNX-Index thì chưa. Một sự "khập khiễng" nhẹ khi đáng ra cả 2 chỉ số này đều phải diễn biễn cùng chiều. VN-Index có nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt gần nửa năm nay, tạo mức tăng "khó tưởng tượng" về giá của một số cổ phiếu lớn, trong bình diện chung là rất nhiều mã có kết quả kinh doanh khá tốt vẫn đứng im hoặc thậm chí giảm giá.
Bản chất thị trường chứng khoán là "vô lý", mọi sự định giá trên kết quả so sánh đều chỉ là tương đối, sự định giá bằng dòng tiền mới là tuyệt đối. Hiện dòng tiền đang hút vào những mã lớn, giá các cổ phiếu này lên hoàn toàn là "hợp lý" chứ không có gì là vô lý. Khi điều này diễn ra, các phân tích về P/E, việc so sánh với các mã nhỏ hay cả thị trường chứng khoán quốc tế mới là sự "vô duyên".
Dòng tiền luôn đúng, và rất ít người biết dòng tiền sẽ đi thế nào ngay phiên ngày mai.