Diễn biến phân hóa tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch chiều khiến động lực chẳng thể cải thiện. Cùng với đó, lực cầu của thị trường đã tỏ ra thận trọng hơn hẳn so với phiên sáng, khiến hoạt động giao dịch khá tẻ nhạt.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn chứa đựng những bất ngờ. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), dù lực cầu không mạnh, nhưng cũng đủ giúp kéo nhóm VN30 tâng, qua đó giúp VN-Index vọt lên theo, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, với 141 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index tăng 5,2 điểm (+0,63%) lên 825,24 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 180,44 triệu đơn vị, giá trị 6.222,82 tỷ đồng, giảm 14,34% về khối lượng, nhưng tăng tới hơn 39% về giá trị so với phiên 23/10. Có sự đột biến này chủ yếu là nhờ giao dịch thỏa thuận với hơn 32 triệu đơn vị, giá trị gần 3.439 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ thỏa thuận của VNM như đã nêu trên. Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận, giao dịch khớp lệnh trên thị trường phiên này thực sự yếu.
Diễn biến VN-Index phiên 24/10 |
Ngoài điểm nhấn thỏa thuận, VNM cũng là cổ phiếu đóng góp lớn trong phiên tăng này của VN-Index, cùng với GAS và ROS. Trong khi ROS và GAS đã tăng mạnh từ đầu phiên, với sắc tím của ROS và mức tăng 2,3% của GAS, thì VNM chỉ tăng trong thời điểm cuối phiên.
Bên cạnh sự ổn định của GAS và ROS, việc mã vốn hóa lớn nhất thị trường được kéo tăng 0,7% cùng với một loạt mã vốn khác như SAB, VIC, VCB, HPG phần nào lý giải cho cú “bốc đầu” cuối phiên của VN-Index.
VNM phiên này khớp hơn 0,676 triệu đơn vị, mức cao nhất trong 5 phiên gần đây, đồng thời chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó.
Ngược lại, các mã BID, CTG, PLX, NVL, VPB, HSG, DHG, SSI, KBC… đồng loạt giảm điểm, tạo sức cản cho chỉ số. SSI và KBC cùng khớp trên 3 triệu đơn vị; HSG, MBB và HPG cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị; ROS, VIC, VCB, NVL khớp trên 1 triệu đơn vị.
Sự tích cực cũng trở lại với nhiều cổ phiếu bất động sản xây dựng như FLC, HQC, HAR, LDG, HBC…, trong khi sắc tím đã xuất hiện tại LCG, IJC. FLC dẫn đầu thanh khoản HOSE với 25,5 triệu đơn vị được sang tên, vượt trội so với mã đứng sau HQC với chỉ hơn 5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, HAI lại tiếp tục có phiên giảm sàn xuống mức 9.630 đồng với 3,89 triệu đơn vị được khớp, trong khi HAR đã hồi phục từ mức sàn của phiên sáng, đóng cửa tăng 3,11%, lên 11.600 đồng với 2,49 triệu đơn vị được khớp.
Với cú “bật nhảy” của HOSE, sàn HNX cũng được “thơm lây” khi cũng kịp tăng trước khi đóng cửa. Trong phần lớn thời gian, HNX giao dịch dưới tham chiếu, thanh khoản yếu.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,42%) lên 106,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30 triệu đơn vị, giá trị 455,65 tỷ đồng, giảm 40% về khối lượng và 28,86% về giá trị so với phiên 23/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,69 triệu đơn vị, giá trị 40,4 tỷ đồng.
Phiên này, nhóm cổ phiếu thanh khoản đa phần có được sắc xanh. Trong 10 mã thanh khoản cao nhất, chỉ có PVS giảm điểm, SHB và CEO đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng điểm, trong đó có ACB, VCG, SHS, HUT.
KLF dẫn đầu sàn về thanh khoản với 5,6 triệu đơn vị được khớp và tăng nhẹ. Đứng sau là SHB với 5,2 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu. ACB, VCG, PVS và PVX cùng khớp trên 2 triệu đơn vị.
Khác với 2 sàn niêm yết, sàn UPCoM chìm trong sắc đỏ. Sức cầu rất yếu khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,92%) xuống 53,29 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 7,03 triệu đơn vị, giá trị 134,85 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 64,3% về giá trị so với phiên 23/10. Giao dịch thỏa thuận cũng khiêm tốn với hơn 0,5 triệu đơn vị, giá trị 18,33 tỷ đồng.
Mặc dù các mã LPB, GEX, DVN, SSN hay VIB tăng điểm, song không khỏa lấp được sắc đỏ của QNS, HVN, MSR, LTG, SDI, SAS…
LPB dẫn đầu thanh khoản với 2,29 triệu đơn vị được khớp, cao hơn hẳn so với mã đứng sau là GEX với 0,44 triệu đơn vị được sang tên.
Các mã nóng như ART, IBC, VKD đều giảm điểm, trong đó VKD giảm sàn về 88.800 đồng/CP. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 2 của mã này.
Chứng khoán phái sinh phiên này có 15.590 hợp đồng được giao dịch, giá trị hơn 1.262 tỷ đồng, tăng 48,5% so với phiên hôm qua.