Nhóm cổ phiếu vua dù có chút phân hóa theo xu hướng thị trường nhưng đã nhanh chóng lấy lại phong độ, cùng sự khởi sắc của một số mã bluechip khác, giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục mạnh.
Bước sang phiên chiều, lực bán vẫn khá lớn khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế, tuy nhiên các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm khá tốt.
Sau gần 1 giờ giao dịch, thị trường lại bất ngờ quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, màn “co giật” này không quá mạnh như phiên sáng. Chỉ số VN-Index sau khi bị đẩy lùi về sát mốc 1.110 điểm đã có dấu hiệu bật ngược trở lại dù đà tăng có phần chậm và không quá mạnh do sự phân hóa của thị trường nói chung và của nhóm bluechip nói riêng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có SAB giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm 1,55% xuống mức 254.000 đồng/CP, còn lại đều giao dịch khởi sắc, trong đó, đáng kể BID và MSN cùng được kéo lên mức giá trần.
Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index tăng 11,07 điểm (+1%) lên mức 1.115,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 289,97 triệu đơn vị, giá trị 9.145,29 tỷ đồng, giảm 43,17% về lượng và 35,85% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 31,9 triệu đơn vị, giá trị 1.739,75 tỷ đồng, trong đó DIG thỏa thuận 5,65 triệu đơn vị, giá trị 129,95 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 2,78 triệu đơn vị, giá trị 593,25 tỷ đồng; VRE thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 26/1 |
Sau phiên giảm khá mạnh hôm qua, trụ cột VNM đã trở lại và hỗ trợ tốt cho thị trường khi tăng 2,3%, đóng cửa tại mức giá 211.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 672.410 đơn vị.
Bên cạnh đó, lực cầu hấp thụ mạnh giúp dòng bank tiếp tục đóng vai trò là điểm tựa vững chắc cho thị trường.
Cụ thể, VCB tăng 2,07% lên mức 69.100 đồng/CP và khớp 2,62 triệu đơn vị; BID duy trì sắc tím với mức tăng 6,9% và đóng cửa tại mức giá trần 32.500 đồng/CP với khối lượng khớp 5,68 triệu đơn vị; CTG tăng 2,06% lên mức 27.300 đồng/Cp và khớp 8,63 triệu đơn vị; MBB tăng 6,06% lên sát mức giá trần 31.500 đồng/CP và khớp 8,72 triệu đơn vị; STB tăng 1,95% lên mức 15.700 đồng/Cp và dẫn đầu thanh khoản với 22,85 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Cổ phiếu GAS sau 2 phiên bùng nổ cũng đã hạ nhiệt nhưng vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 2,7%, đóng cửa tại mức giá 116.400 đồng/CP, ngoài ra MSN, VIC cũng chỉ còn tăng nhẹ.
Trong khi đó, bên cạnh VJC “thất thủ”, một số mã lớn khác cũng chịu áp lực bán và quay đầu giảm như SAB giảm 2,29% xuống mức 252.100 đồng/CP, HDB giảm 1,7% xuống mức 47.000 đồng/CP, VPB giảm 0,8% xuống mức 52.000 đồng/CP, PLX, MWG…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, SCR dù có chút rung lắc nhưng cũng đã hồi phục và đóng cửa tăng khá tốt hơn 4% lên mức 11.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,31 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau STB.
Trên sàn HNX, diễn biến vẫn khá rung lắc, tuy nhiên sự hồi phục của một số mã bluechip đã giúp chỉ số sàn may mắn thoát hiểm trong phút cuối.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,16%) lên mức 126,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch 71,66 triệu đơn vị, giá trị 1.165,25 tỷ đồng, giảm 18% về lượng và 24,24% về giá trị so với phiên hôm qua. GIao dịch thỏa thuận có thêm 2,12 triệu đơn vị, giá trị 75,53 tỷ đồng, trong đó VNC thỏa thuận 1,14 triệu đơn vị, giá trị 46,74 tỷ đồng.
Một số mã trong nhóm bluechip đã hồi phục hoặc nới rộng đà tăng, đóng vai trò lực đỡ tốt cho thị trường như ACB tăng 0,72% lên mức 42.100 đồng/CP và khớp 4,97 triệu đơn vị; SHB tăng 1,64% lên mức 12.400 đồng/CP và khớp 24,53 triệu đơn vị, duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 24,53 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, PVS giao dịch khởi sắc với mức tăng 1,59%, đóng cửa tại mức giá 31.900 đồng/CP và khớp 6,74 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HNX. Ngoài ra, PGS, PVI cũng hồi phục sắc xanh và các mã bluechip khác như VGC, TV2, IDV… cũng tăng khá tốt.
Trên sàn UPCoM, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.
Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,87%) xuống mức 59,41 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 15,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 249,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 215.335 đơn vị, giá trị 3,88 tỷ đồng.
Cặp đôi lớn cổ phiếu ngành hàng không cũng giao dịch khá tiêu cực khi HVN giảm 4,17% xuống mức 62.000 đồng/Cp, còn ACV giảm 2,08% xuống mức 108.400 đồng/CP.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đều đứng dưới mốc tham chiếu, trong đó LPB dẫn đầu với 4,12 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa tại mức giá 17.200 đồng/CP, giảm 1,71%; tiếp đó HVN với 2,18 triệu đơn vị; DVN với 1,88 triệu đơn vị, SBS với 1,38 triệu đơn vị, ATB với 0,93 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VGT, ART, MSR, TVN, VOC… cũng đều kết phiên trong sắc đỏ.